Công nghệ

Doanh nhân Mai Vũ Minh đầu tư ứng dụng gọi xe mới APPP

(VNF) - Theo đại diện nhóm phát triển ứng dụng, người tiêu dùng Việt Nam vẫn theo thói quen "thuận mua vừa bán", do vậy, APPP được phát triển theo hướng cho phép khách hàng và lái xe "tự quyết định giá".

Doanh nhân Mai Vũ Minh đầu tư ứng dụng gọi xe mới APPP

Lễ Ký kết Hợp tác chiến lược và ra mắt ứng dụng gọi xe APPP giữa công ty SAPA Thale và Trường Đại học Công nghệ GTVT.

Ngày 5/5, Công ty Cổ phần Sapa Thale Holding - do doanh nhân người Đức gốc Việt Mai Vũ Minh làm Chủ tịch HĐQT - phối hợp cùng Trường Đại học Công nghệ GTVT tổ chức lễ ký hợp tác chiến lược trong đào tạo đồng thời ra mắt ứng dụng gọi xe APPP.

Tại lễ ký kết, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã quy hoạch phát triển Trường Đại học Công nghệ GTVT thành trường trọng điểm quốc gia và đẳng cấp khu vực thế giới trong giai đoạn 2020 - 2030. Do vậy, nhà trường cần có đột phá trong hoạt động hợp tác quốc tế và hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học và tranh thủ nguồn tài chính của các doanh nghiệp trong và ngoài nước để đầu tư phát triển. Việc ký kết thỏa thuận hợp tác này, theo Thứ trưởng, là cơ hội để nhà trường có điều kiện đầu tư, phát triển và tiến tới hội nhập quốc tế.

Theo ông Nguyễn Đắc Nghiệp, Nghị sĩ Đảng CDU của Đức kiêm Tổng Giám đốc điều hành Sapa Thale, đây là thời điểm để các nhà đầu tư Đức - Việt nhận diện đúng cơ hội đã mở ra và cần tận dụng tốt cho việc thúc đẩy kinh tế, thương mại hai bên. Việc ủng hộ bằng các đề xuất, chính sách sẽ thu hút các nguồn vốn đầu tư vào Việt Nam và ngược lại, đưa nhiều hàng hóa của Việt Nam tiếp cận thị trường Đức, mở rộng hơn cánh cửa vào thị trường châu Âu.

Ông Mai Hải Đăng - Giám đốc Trung tâm đào tạo quốc tế Đại học Công nghệ GTVT, cho biết thêm, sự hợp tác của công ty với trường nhằm mục đích tạo ra đội ngũ nghiên cứu mạnh, tiến tới thực hiện những kế hoạch dài hơi của Sapa Thale như phát triển taxi bay, xe hơi tự lái.

Ứng dụng APPP, do ông Mai Hải Đăng làm trưởng nhóm phát triển hệ thống, hiện đang ở phiên bản beta. Trong vòng 3 tuần nữa, Sapa Thale và Đại học Công nghệ GTVT sẽ cho ra phiên bản alpha chính thức hoạt động trên thực tế.

Theo đại diện nhóm phát triển ứng dụng, người tiêu dùng Việt Nam vẫn theo thói quen "thuận mua vừa bán", do vậy, APPP được phát triển theo hướng cho phép khách hàng và lái xe "tự quyết định giá". APPP gồm 2 ứng dụng (app) riêng dành cho người gọi xe và tài xế.

APPP có nhiều dòng phương tiện khác nhau, trong đó có phương tiện hỗ trợ người người già, trẻ em, người khuyết tật... Ngoài ra, ứng dụng cũng hướng tới việc tham gia hợp tác vận chuyển tại các doanh nghiệp khi chi phí dành cho việc đi lại, công tác của doanh nghiệp là rất lớn. Tham vọng của nhà thiết kế ứng dụng này là có thể được dùng để đặt mọi loại xe, từ xe máy, xe khách đường dài, taxi, đến loại xe hạng sang,...

Hiện tại, Sapa Thale đang cân nhắc một vài phương án về giá. Theo đó, giá mở cửa dao động từ 8.000 - 8.500 đồng/km và giá di chuyển trên đường dao động từ 6.000 - 6.300 đồng/km.

Mặc dù chưa tiết lộ số vốn đầu tư cho phát triển và mở rộng ứng dụng này tại Việt Nam, Chủ tịch Sapa Thale Mai Vũ Minh cho hay, mức đầu tư sẽ phụ thuộc tính khả khi của thị trường và sự phát triển của ứng dụng.

Hiện nay, thị trường Việt Nam có khá nhiều ứng dụng gọi xe, trong đó nổi bật là Uber và Grab. Khuyến mại liên tục cho người lái, số lượng xe rất lớn, gọi xe đơn giản đã khiến cho hai ứng dụng này gần như có ưu thế tuyệt đối trên thị trường.

Nhưng thực tế, nhu cầu của thị trường vẫn còn rất nhiều và đa dạng, đó trở thành cơ hội của những công ty trong nước tiếp tục khai thác. Sự có mặt của các phần mềm ứng dụng gọi xe thuần Việt đang tạo ra một cuộc chuyển động nơi thị trường taxi, và cuộc cạnh tranh này vẫn chưa ngã ngũ, hứa hẹn mang đến nhiều dịch vụ tiện ích cho người tiêu dùng.

Tuy vậy, không hề dễ để cạnh tranh trực tiếp với các dịch vụ xe quốc tế hiện nay và mỗi dịch vụ phải sử dụng một chiến lược riêng.

Tin mới lên