Thị trường

Doanh nhân Nguyễn Quốc Kỳ: 'Chậm nhất tháng 1/2021, Vietravel sẽ cất cánh'

(VNF) - Trao đổi với VietnamFinance, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Hãng hàng không Vietravel Airlines cho biết: "Theo lộ trình Thủ tướng phê duyệt, chậm nhất đến ngày 21/1/2021 chúng tôi sẽ phải cất cánh, tuy nhiên, hãng đang nỗ lực hoàn thiện mọi thủ tục, nhân lực, kỹ thuật... để sẵn sàng bay trong tháng 12/2020".

Doanh nhân Nguyễn Quốc Kỳ: 'Chậm nhất tháng 1/2021, Vietravel sẽ cất cánh'

"Tài chính không phải là vấn đề"

Trước đó, khi thực hiện xét duyệt cấp giấy phép bay cho Vietravel Airlines, Bộ Tài chính đã cảnh báo về vấn đề tài chính của Công ty mẹ Vietravel.

Cụ thể, qua rà soát Báo cáo tài chính quý II/2020, Bộ Tài chính đánh giá, "tổng nợ phải của trả Công ty mẹ Vietravel là 1.578 tỷ đồng (gồm nợ phải trả ngắn hạn là 862 tỷ đồng, nợ phải trả dài hạn là 715 tỷ đồng), trong đó vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn cộng dài hạn là 942 tỷ đồng, chiếm 60% tổng nợ phải trả. Hệ số nợ phải trả trên Vốn chủ sở hữu là 10,8 lần. Hệ số khả năng thanh toán nợ đến hạn là 0,82 lần.Hiện tại lợi nhuận trước thuế là âm 65 tỷ đồng".

Vì thế, Bộ Tài chính cảnh báo: "nguồn vốn hoạt động sản xuất kinh doanh Công ty mẹ Vietravel chủ yếu đến từ nguồn vốn vay thương mại. Trong bối cảnh dịch Covid - 19 có thể còn tiếp tục kéo dài trong năm 2020 - 2021 và ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh thì Công ty mẹ Vietravel có khả năng sẽ gặp khó khăn trong việc trả nợ, nhất là khả năng thanh toán khoản trái phiếu trị giá 700 tỷ đồng (được phát hành để đầu tư vào Vietravel Airlines và bị phong tỏa tại ngân hàng) có tài sản bảo đảm là tài khoản thanh toán của Vietravel Airlines được mở tại VPBank sẽ đến hạn thanh toán vào tháng 9/2021, và trong phương án dự kiến Vietravel Airlines sẽ bị lỗ trong năm đầu khai thác (năm 2021)”.

Trao đổi với VietnamFinance, Chủ tịch Vietravel Nguyễn Quốc Kỳ cho biết: "Hiện tại, vốn không phải là vấn đề với Vietravel Airlines, công ty Vietravel cam kết sẽ bổ sung vốn cho Vietravel Airlines để đảm bảo duy trì mức vốn tối thiểu luôn không thấp hơn 700 tỷ đồng".

Cũng theo ông Kỳ, Vietravel đã chính thức lên sàn chứng khoán từ cuối quý III/2019 và dự kiến sẽ phát hành ra bên ngoài một số trái phiếu chuyển đổi hoặc cổ phiếu của Vietravel với giá tham chiếu trên sàn chứng khoán là 40 ngàn/cổ phiếu (được Plimson và PriceWaterHouse - PWC định giá là 60 ngàn/cổ phiếu).

"Đối với Vietravel Airlines, Công ty Vietravel cũng dự kiến sẽ cổ phần hóa sau 1 năm hoạt động. Với lợi thế từ nguồn khách có sẵn (hơn 1 triệu khách hàng), Vietravel Airlines hoàn toàn thực hiện khả thi kế hoạch của mình đề ra trong năm đầu tiên với doanh số xấp xỉ 2.000 tỷ (chỉ bằng 55% chi phí vận chuyển bằng hàng không hiện nay Vietravel phải trả cho các hãng hàng không hiện tại). Vì thế, với tôi, vấn đề tài chính của Vietravel Airlines không đáng ngại".

Thị trường hàng không nội địa: "Miếng bánh" nhỏ chia 6

Đến cuối tháng 10/2020, Vietravel Airlines đã chính thức được Bộ giao thông vận tải (GTVT) cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không, đánh dấu sự ra đời hãng hàng không thứ 6 tại Việt Nam sau: Vietnam Airlines, Vietjet, Bamboo Airways, Paciffic Airlines, Vasco.

Đây là điều đáng mừng cho 100 triệu dân Việt Nam có thêm lựa chọn bay, tuy nhiên, cũng nảy sinh không ít thách thức trong bối cảnh Covid -19 chưa hồi phục, thị trường quốc tế tê liệt. Vì thế, "miếng bánh" thị trường hàng không nội địa tiếp tục bị cạnh tranh khốc liệt và buộc phải chia nhỏ cho 6 hãng hàng không.

Theo tìm hiểu của VietnamFinance, hiện tại, đội tàu bay của các hãng hàng không Việt Nam là 214 chiếc nhưng mới chỉ khai thác các đường bay nội địa. Một số chuyến bay quốc tế chở hàng nhưng cung ứng chưa tới 50% so với năng lực. 

Trong dự kiến tài chính năm 2020, các hãng hàng không điều báo lỗ lớn, ví dụ như Vietnam Airlines dự kiến lỗ 16.000 tỷ đồng, Vietjet sau nhiều năm tăng trưởng nhưng đến quý II/2020 lần đầu tiên báo lỗ 1.100 tỷ đồng (dự kiến sang quý III/2020 con số lỗ sẽ tiếp tục tăng); còn đối với hãng hàng không non trẻ Bamboo Airways của tỷ phú Trịnh Văn Quyết, dù chưa có báo cáo cụ thể, tuy nhiên, chắc chắc con số lỗ là không hề nhỏ.

Bên cạnh đó, khi dịch bùng phát trở lại vào cuối tháng 7/2020 tại Đà Nẵng và một số tỉnh thành, lĩnh vực hàng không và du lịch tê liệt trở lại, vì thế, đến tháng 9/2020, một bức tranh tài chính ảm đảm đối với các hãng hàng không là khó có thể tránh khỏi. Vậy tại sao Vietravel Airlines vẫn quyết tâm bay thời điểm này?

Lý giải về việc bay sớm, ông Nguyễn Quốc Kỳ cho biết, "Covid-19 buộc Vietravel phải tái cấu trúc doanh nghiệp về hoạt động vận hành và bộ sản phẩm, để phù hợp với thị trường. Trong đó, Vietravel đang "toàn tâm toàn ý" tập trung cho thị trường nội địa, chủ yếu phục vụ các tour du lịch của công ty, bên cạnh phần nhỏ là khách thương mại. Ngoài ra, chúng tôi cũng có nguồn khách du lịch ổn định 1 triệu khách/năm".

"Vì thế, chúng tôi bay nội địa trước, hướng đến thị trường 100 triệu dân này, tôi cho rằng đây không phải là thị trường nhỏ. Đơn cử, chỉ doanh thu lữ hành nội địa tháng 7/2020 của công ty đã bất ngờ cao hơn trước dịch. Tuy nhiên, trong bối cảnh Covid -19 diễn biến phức tạp, tình hình dự kiến sẽ khó khăn từ nay đến đầu năm 2022", ông Quốc Kỳ nhận định.

Tin mới lên