Thị trường

Doanh nhân Phạm Hà: 'Thẻ xanh Covid-19' là chìa khoá để du lịch Việt Nam khỏi 'đuối nước'

(VNF) - Doanh nhân Phạm Hà, Chủ tịch HĐQT Lux Group cho rằng cần triển khai "hộ chiếu vaccine - thẻ xanh Covid-19" để những người dân đã được tiêm đủ 2 mũi có thể dễ dàng di chuyển giữa các tỉnh mà không phải cách ly, tạo điều kiện thúc đẩy nhu cầu đi lại dần dần hồi phục ngành du lịch trong nước.

Doanh nhân Phạm Hà: 'Thẻ xanh Covid-19' là chìa khoá để du lịch Việt Nam khỏi 'đuối nước'

Doanh nhân Phạm Hà, CEO Lux Group: 'Thẻ xanh' là chìa khoá để du lịch Việt Nam khỏi 'đuối nước'

Làn sóng Covid-19 lần thứ 4 “đổ bộ” Việt Nam giống như những “cú đấm bồi” vào ngành du lịch vốn dĩ đã khó khăn do tác động của những đợt dịch trước lại càng khó khăn hơn. Việc Chính phủ bắt đầu thí điểm Quảng Ninh, Phú Quốc được đón khách có "hộ chiếu vaccine", đồng thời những những chuyến bay thí điểm "hộ chiếu vaccine" để đón du khách quốc tế đang được triển khai được xem là giải pháp để những lĩnh vực này nối lại các hoạt động, hướng đến khả năng phục hồi.

Trước thông tin sẽ áp dụng "hộ chiếu vaccine" hay "thẻ xanh Covid-19" để mở cửa ngành du lịch, nhiều doanh nghiệp lữ hành tỏ ra khá vui mừng vì ngành du lịch sẽ sớm “tan băng” sau gần 5 tháng đóng băng. Liên quan tới vấn đề này, VietnamFinance đã có cuộc trò chuyện cùng với doanh nhân Phạm Hà, CEO Lux Group.

- Thưa ông, "thẻ xanh Covid-19" đã và đang là chủ đề được quan tâm khi mà đã có gần 30 triệu người đã được tiêm vaccine và sẽ tiếp tục được đẩy mạnh trong thời gian tới. Ông có kỳ vọng gì vào việc áp dụng thẻ xanh và nó sẽ tác động như thế nào đến ngành du lịch nói riêng và ngành dịch vụ nói chung?

Châu Âu đã áp dụng thẻ y tế tương tự như thẻ xanh và rất thành công để khởi động lại các hoạt động kinh tế xã hội và du lịch trong khối. Với quyết tâm cao của chính phủ Việt Nam và việc tiêm vaccine đang đẩy mạnh với mục tiêu đạt miễn dịch cộng đồng thì việc sớm áp dụng thẻ xanh là vô cùng cần thiết và khi triển khai thẻ xanh cũng nên có các chính sách chấp nhận thẻ thống nhất toàn quốc. Ngoài ra, chúng ta cũng nên chấp nhận thông lệ quốc tế Iata travel pass để việc đi lại giữa các quốc gia trở nên dễ dàng hơn.

Thẻ thông hành xanh đã được tích hợp sẵn thông tin định danh cá nhân, thông tin hộ chiếu (nếu có), thông tin y tế phòng dịch Covid-19 (bao gồm chứng nhận tiêm chủng vaccine, chứng nhận xét nghiệm vaccine, chứng nhận phục hồi sau khi nhiễm Covid-19) sẽ giúp chúng ta dễ dàng quản lý và kiểm soát tốt hơn.

Tôi kỳ vọng thẻ xanh Covid-19 là giải pháp tốt trong trạng thái bình thường mới, thúc đẩy du lịch nội địa và quốc tế.

- Trong kế hoạch của doanh nghiệp có sẵn sàng cho chương trình đón khách "thẻ xanh" không? Doanh nghiệp đã chuẩn bị những gì cho việc này, thưa ông?

Chúng tôi luôn chủ động và hoạt động liên tục trong suốt thời gian dịch bệnh diễn ra và tinh thần của chúng tôi là luôn luôn sẵn sàng đón khách nội địa hay khách quốc tế có thẻ xanh.

Vấn đề lớn nhất mà chúng tôi quan tâm hiện nay đó là các cơ quan chức năng phải sớm ban hành các thủ tục, các quy trình, lộ trình rõ ràng, các quy định an toàn để doanh nghiệp biết phải làm gì, du khách phải làm gì và khi có ca nhiễm mới nên xử lý ra sao. Chúng tôi cần thông tin chính xác để tư vấn khách hàng và cung cấp đầy đủ cho họ trước chuyến đi.

Về phía doanh nghiệp, chúng tôi luôn đảm bảo 5K, toàn bộ nhân viên đã được tiêm chủng và chúng tôi luôn đặt sự an toàn của nhân viên và du khách lên hàng đầu.

Để chuẩn bị tốt cho việc đón khách trở lại, Lux Travel của chúng tôi có phòng lữ hành nội địa và quốc tế riêng biệt với những sản phẩm du lịch thích hợp cho du khách. Chúng tôi cũng chuyển dịch sản phẩm mới sang 6 ngôn ngữ khác nhau và định vị 6 quốc gia này sẽ là thị trường chính. 

Các du thuyền Lux Cruises chúng tôi đã được tu sửa, bảo dưỡng và bổ sung nhiều trải nghiệm mới lạ và độc đáo. Cùng với đó là hoàn thiệt các thiết kế mới cho khu nghỉ núi Secret Hideaways tại Pù Luông và mở rộng thương hiệu Emperor Cruises Phú Quốc, một du thuyền 150 khách cho hành trình khám phá Nam Đảo và đón hoàng hôn lãng mạn bờ tây Phú Quốc.

"Thẻ xanh Covid-19" là chìa khoá để du lịch Việt Nam khỏi "đuối nước"

- Tỉnh Quảng Ninh cũng được Chính phủ đưa vào danh sách nhân rộng để đón khách quốc tế, ông có kiến nghị gì để thúc đẩy ngành du lịch tại đây trở lại?

Theo tôi, du lịch Quảng Ninh cần cải thiện và lấy khách hàng làm trung tâm, như việc cho các du thuyền chạy trong 2 vịnh Bái Tử Long và Hạ Long, mở cửa bãi tắm tại 2 vịnh này. Cần mở thêm nhiều hang động cho du khách viếng thăm, tránh quá tải ở cùng một thời điểm, cùng một hang; cho phép các du thuyền đi theo các hành trình khách nhau không nhất thiết theo các tuyến cố định và theo sở thích của khách; tạo thêm nhiều trải nghiệm mới thay vì cấm đoán đủ kiểu như hiện nay.

Quảng Ninh nên có chương trình giảm giá vé tham quan 2 năm cho khách. Huy động các khách sạn và hỗ trợ họ đón khách với chương trình “1 USD/đêm” trong một giai đoạn đến Quảng Ninh để kích cầu. Cho phép tàu ngủ đêm sang Cát Bà và ngược lại vì đây là điểm du lịch có tính liên vùng rất cao.

Song song với đó, các vịnh cần phải được thu gom rác và đảm bảo không có nước bẩn thải trực tiếp ra vịnh. Cần các tàu đỗ tại các cảng thuỷ nội địa trong tỉnh như từ Vân Đồn - Hạ Long - Bái Tử Long. Việc cấm tàu phải có quy đinh rõ ràng (ví dụ như tàu nào đạt tiêu chuẩn nào thì chịu được cấp gió nào), trong khi hiện nay vẫn đánh đồng không cụ thể, điều này là hoàn toàn bất hợp lý.

Nếu phải cấm vịnh, chính quyền cần có thông tin sớm báo khách trước khi xuống Hạ Long. Từng có viễn cảnh nhiều khách nước ngoài trả hàng nghìn USD đến Hạ Long, nhìn thấy vịnh đẹp nhưng không được đi du ngoạn dẫn đến bức xúc và làm xấu đi hình ảnh, gây tiêu cực cho điểm đến và du lịch Việt Nam.

-  Đánh giá về việc triển khai thí điểm đón khách du lịch quốc tế tại Phú Quốc, theo ông, cơ hội và thách thức nào đang đặt ra cho cả chính quyền địa phương lẫn doanh nghiệp tại đây?

Dưới góc độ doanh nghiệp, chúng tôi ủng hộ việc Phú Quốc mở cửa kinh tế và thí điểm đón khách quốc tế. “Muộn còn hơn không” - việc chọn Phú Quốc về địa lý và đảo khá giống với Phuket (Thái Lan) nên chúng ta có thể học hỏi được những kinh nghiệm từ chiến dịch sandbox của họ để chúng ta làm tốt hơn.

Việc Phú Quốc mở cửa trở lại là tín hiệu tốt để các doanh nghiệp lữ hành, vận tải và khách sạn có cơ hội đón khách, vận hành trở lại bộ máy. Tuy nhiên, việc quy định doanh nghiệp du lịch phải có giấy phép lữ hành, đã hoạt động 3 năm, đón 30.000 khách/năm mới được đón khách tới Phú Quốc là chưa hợp lý. Chắc chỉ các công ty lữ hành đón khách Trung Quốc mới có được số lượng đó, còn như Lux Group chúng tôi chắc chắn bị loại.

- Với bối cảnh của dịch bệnh Covid-19 và tình hình kinh tế như hiện nay, kế hoạch của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch liệu có khả thi, theo ông?

Việc thí điểm đón khách quốc tế áp dụng từ tháng 10 cũng là mùa khách nước ngoài (các nước Châu Âu) đi tránh rét, tôi cho rằng đây là khoảng thời gian phù hợp.

Tôi chưa tiếp cận được kế hoạch của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch nhưng qua báo chí truyền thông, được biết kế hoạch này chia làm 2 giai đoạn. Ở giai đoạn I là đón khách thông qua các chuyến bay thuê chuyến và chỉ triển khai phục vụ khách trong phạm vi, địa điểm hạn chế; và giai đoạn II là có thể đón khách thông qua các chuyến bay quốc tế thường lệ và mở rộng phạm vi, địa điểm phục vụ khách du lịch quốc tế.

Theo tôi cần phải rõ ràng và có các hướng dẫn cụ thể hơn cho doanh nghiệp lữ hành, các nhà cung cấp, khách sạn và hướng dẫn viên du lịch về an toàn, hay cách xử lý khi có ca nhiễm Covid-19 mới.

Chính phủ Việt Nam cũng cần xác định sống chung với Covid-19, đồng thời cũng sớm triển khai việc tiêm chủng vaccine để tạo miễn dịch cộng đồng bởi đây là chìa khoá then chốt nhất để vực lại ngành du lịch trong nước.

- Theo ông, Chính phủ cần hỗ trợ và tạo cơ chế đặc biệt nào dành cho doanh nghiệp lữ hành để có thể sớm phục hồi?

Theo như số liệu tôi nằm bắt thì để hồi phục được 5% các doanh nghiệp lữ hành "thoi thóp" sau 2 năm bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, trước mắt cần tập trung vào 3 giải pháp đồng bộ là đòn bẩy tài chính, giảm thuế phí và cơ chế chính sách.

Ở tầm vĩ mô, Chính phủ cần có ngay một gói “ưu đãi” riêng cho ngành du lịch và khách sạn để phục hồi. Tiếp đến là ưu đãi thuế phí, có cơ chế chính sách riêng vì đây là kinh tế tổng hợp có tình liên ngành liên vùng, tạo công ăn việc làm trực tiếp và gián tiếp. Giúp doanh nghiệp lữ hành về tài chính, có các khoản vay ưu đãi, hỗ trợ đào tạo lại nguồn nhân lực đã thiếu lại yếu.

Ngoài ra, cần tạo cơ chế giúp các doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận các thông tin thống kê, các báo cáo hành vi tiêu dùng để bắt kịp các xu thế sản phẩm và giúp chuyển đổi số hoá nhanh hơn. Cùng với đó là kích thích người dân nội địa đi du lịch bằng cách tặng voucher hoặc giảm vé tham quan...

- Để ngành du lịch, dịch vụ phục hồi cần những điều kiện gì? Ông nhận định cơ hội phục hồi này như thế nào?

Cơ hội cho các quốc gia là như nhau, nước nào thích ứng nhanh sẽ thành công. Để du lịch phát triển thì cần có sự thống nhất từ trung ương tới địa phương, cụ thể hoá Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị thành các hành động cụ thể, coi du lịch là một ngành kinh tế thực sự đóng góp ít nhất 10% vào GDP.

Với tiềm năng về lợi thế biển đảo, ẩm thực, văn hoá, thiên nhiên và con người được coi là đứng đầu trong khu vực Đông Nam Á và Châu Á, nếu khơi thông được 4 vấn đề: cơ chế chính sách phát triển kinh tế du lịch, chất lượng nguồn nhân lực, sản phẩm du lịch trải nghiệm cao nhiều hàm lượng chất xám và phải định vị được thương hiệu du lịch quốc gia.

Để Việt Nam thành quốc gia về du lịch trong khu vực, Chính phủ cần phải có chính sách cho du lịch và vì du lịch.

Covid-19 cũng là dịp tốt để chúng ta nhìn nhận lại cách quản lý du lịch hiện nay. Những gì chúng ta không làm được trong thời gian qua hoặc làm không có hiệu quả thì nên thuê chuyên gia để định vị lại thương hiệu và nhận diện du lịch quốc gia.

Xem thêm: Chuẩn bị mở cửa đón khách quốc tế: Hàng loạt tỉnh, thành lên phương án 'vực dậy' ngành du lịch

Tin mới lên