Nhân vật

Doanh nhân Tôn Thạnh Nghĩa - Tổng giám đốc công ty TNHH Nút áo Tôn Văn: Luôn tự đặt ra thử thách để chinh phục

Gây dựng sự nghiệp ở tuổi 40, qua bao lần ngụp lặn với sóng gió trên thị trường, chinh phục bao nhiêu khó khăn, trong đó, có không ít thử thách là do mình,...tự đặt ra. Ông Tôn Thạnh Nghĩa đã đưa công ty Nút áo Tôn Văn trở thành một trong những nhà sản xuất nút áo bằng vỏ sò, ốc, ngọc trai hàng đầu thế giới.

Doanh nhân Tôn Thạnh Nghĩa - Tổng giám đốc công ty TNHH Nút áo Tôn Văn: Luôn tự đặt ra thử thách để chinh phục

Doanh nhân Tôn Thạnh Nghĩa- Tổng giám đốc công ty TNHH Nút áo Tôn Văn.

Tôi thích tự làm khó mình

Những chiếc cúc (nút) áo từ xưởng sản xuất của công ty TNHH Nút áo Tôn Văn (Công ty Tôn Văn) đã gắn lên hàng triệu bộ cánh của các hãng thời trang hàng đầu thế giới như Dior, Escada, Ralph Lauren,...

Điều gì khiến một doanh nghiệp quy mô tinh gọn, chỉ khoảng 100 nhân công như Công ty Tôn Văn có khả năng tìm lời giải, thỏa mãn hầu hết các bài toán khó của khách hàng, thậm chí, còn được đánh giá là doanh nghiệp hàng đầu thế giới trong ngành sản xuất cúc áo thời trang? Tôi mang theo thắc mắc bấy lâu và xuống tận xưởng sản xuất của công ty ở Bình Dương để tìm câu trả lời.

"Có lẽ nhờ tính thích tự làm khó mình, say mê kỹ thuật, công nghệ sản xuất, nên hầu như khách hàng đưa mẫu nào, Tôn Văn cũng đáp ứng được", ông Tôn Thạnh Nghĩa, Tổng giám đốc công ty Tôn Văn vừa nói, vừa chỉ tay về phía giàn máy làm nút tự động nhập về từ Italia.  Những chiếc máy có giá không hề rẻ, khoảng 15.000 USD/chiếc. 

Không có khó khăn đồng nghĩa không còn thú vị để chinh phục. Người đàn ông tuổi Dậu này luôn chọn cách "bới" ra cái khó, tạo áp lực trong công việc, rồi gắn trách nhiệm cho mình giải quyết.

Khi công ty Tôn Văn mới thành lập (năm 1997), ông Nghĩa đặt mục tiêu, sau 5 năm sẽ chinh phục vị trí số 1 trong ngành sản xuất cúc áo không chỉ ở Việt Nam. Đến nay, đã 23 năm trôi qua, vẫn còn quá nhiều thứ thách để người đứng đầu Tôn Văn theo đuổi. Ông gọi đó là cái thú của người kinh doanh.

Từ 6 người thợ cần mẫn mài cắt từng vỏ sò, vỏ ốc trên căn gác xép ở quận Phú Nhuận (Tp.HCM), Tôn Văn giờ đây đã sở hữu khu nhà xưởng 10.000 m2 tại Bình Dương, sản xuất trung bình 200.000 - 300.000 hạt nút áo mỗi ngày. Trải qua 10 công đoạn, từ mài, cắt, làm khuôn, khoan lỗ, đánh bóng,... trong 2 ngày, những chiếc cúc áo thành phẩm nhỏ bé được bán sỉ với giá khoảng 2.000  đồng/ chiếc và mang về doanh thu không hề nhỏ. 

Trên thị trường hiện có hàng chục doanh nghiệp cùng ngành, chế tác cúc áo từ vỏ ốc, vỏ sò nhưng hầu hết chỉ cung ứng đơn hàng bán thành phẩm, với các loại hạt cúc ở hình dạng phôi tròn, chưa khoan lỗ, tạo hình hay đánh bóng. 

Ông Nghĩa không khẳng định, Tôn Văn là nhà sản xuất cúc áo có doanh số hàng đầu Việt Nam, nhưng luôn tự tin về độ tinh xảo, khả năng sáng tạo mẫu mới và không nề hà bất kỳ đơn hàng nào.

Với xu hướng tiêu dùng hiện nay, khách hàng không chỉ thích sản phẩm đẹp, mà còn phải độc, lạ, thể hiện được cái tôi, Tôn Văn còn có thể khắc laser tên khách hàng lên từng mặt của cúc áo. Những chiếc cúc đính trên áo vest ông Nghĩa đang mặc cũng vậy. Một người bạn của ông ở Hội An đã nảy ra ý tưởng nhận đặt may âu phục từ khách hàng bên kia bán cầu, gia tăng giá trị của bộ trang phục từ những chiếc cúc áo khắc tên. Ý tưởng này nhanh chóng được thực hiện và hai bên đang hợp tác rất hiệu quả. 

Khả năng ứng biến và sáng tạo là những tài sản quý giá nhất

Là "dân kỹ thuật", nên phòng làm việc của ông Nghĩa bày biện đơn giản, rộng khoảng 30 m2. Cửa sổ rộng mở phía tay trái bàn làm việc giúp ông thuận tiện quan sát và cảm nhận được không khí sản xuất. 

Thời gian này, hoạt động sản xuất của công ty Tôn Văn không có nhiều biến động. Nguyên liệu dự trữ đầy kho, đội ngũ thợ vẫn tiếp tục sản xuất cho các đơn hàng. Dẫu vậy, dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp. Trong bối cảnh khó khăn, khả năng ứng biến và sáng tạo sẽ là những tài sản quý giá nhất với doanh nghiệp.

Khi tôi hỏi, khó khăn hiện tại của Tôn Văn là gì, ông Nghĩa im lặng khoảng 10 giây rồi quay sang hỏi người con trai duy nhất của mình - Tôn Thế Văn, vừa tròn 27 tuổi.

"Khi đã chọn con đường tự tạo đề bài khó để tìm lời giải, thì Tôn Văn buộc phải hướng đến khả năng tự cung, tự cấp trong chuỗi giá trị như dao cắt, mũi kim... Thay vì chỉ chờ khách hàng ra mẫu và đặt hàng, tự mình phải chủ động tạo ra mẫu mới, khiến khách hàng hài lòng trước khi họ ra đề bài", Tôn Thế Văn trả lời.

Ông Nghĩa có vẻ hài lòng với quan điểm này. Những ngày đầu nhà xưởng đi vào sản xuất, ông đã chọn cho công ty Tôn Văn con đường xuất khẩu đến các thị trường "khó tính" như Nhật Bản, châu Âu, Mỹ... Ông luôn xác định phải sản xuất dựa trên kỹ thuật cao, lấy điều này làm lợi thế cạnh tranh, chứ không phải vấn đề giá rẻ. Bởi nếu cạnh tranh về giá, Tôn Văn sẽ không thể vượt qua các nhà sản xuất tại "Công xưởng của thế giới" như Trung Quốc.

Tự nâng chuẩn mức độ lành nghề của doanh nghiệp cũng chính là nâng "sức đề kháng" giúp doanh nghiệp trụ vững qua các cuộc khủng hoảng tài chính cũng như dịch bệnh.

"Có rất nhiều đơn hàng khó, phải động não nhiều, nhưng chúng tôi vẫn làm vì say mê, vì tự ái phải làm bằng được, chứ không phải lợi nhuận. Có thể phải đầu tư máy móc, dù khách hàng đặt sản lượng không nhiều, nhưng đó là cách nâng chuẩn cho Tôn Văn, cũng là cách để cán bộ, nhân viên học hỏi, nâng cao tay nghề", ông Nghĩa tự hào.

Li Edelkoort, một trong những chuyên gia dự đoán xu hướng có tầm ảnh hưởng thế giới nhất hiện nay vừa chia sẻ trên truyền thông rằng, virus Corona tặng chúng ta "trang giấy trắng cho một khởi đầu mới".

Con đường kinh doanh của ông Nghĩa cũng đã từng trải qua rất nhiều sóng gió, nhưng ông luôn lạc quan rằng, cầu vồng sẽ xuất hiện sau cơn mưa; khó khăn sẽ thử thách và chứng minh khả năng ứng biến, sáng tạo của nhà lãnh đạo.

Công ty Tôn Văn được thành lập chưa lâu thì khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 xảy ra. Sáu năm sau đó, dịch SARS lan rộng, ảnh hưởng nặng nề tới nền kinh tế. Hàng tồn kho, hầu hết doanh nghiệp rơi vào trạng thái "ngủ đông", nhưng ông Nghĩa không chịu "đầu hàng" thách thức. Ông luôn nghĩ rằng, trách nhiệm xã hội sẽ không còn ý nghĩa nếu chủ doanh nghiệp không thể hiện được điều đó với công nhân viên của mình.

"Tôn Văn buộc phải giảm giờ làm, sản xuất cầm cự bên cạnh việc tìm tòi sản xuất sản phẩm khác ngoài nút áo từ vỏ sò, vỏ ốc. Tôi quen thân với ông Thuấn (Ông Nguyễn Đức Thuấn, Chủ tịch TBS Group - PV) nên nhờ gửi bớt công nhân qua đó để họ có công việc làm, có tiền sinh sống", ông Nghĩa hồi tưởng lại chặng đường gian khó.

Nếu để con cái sống trong nhung lụa sẽ khó vượt qua cực khổ để kế nghiệp.

Khi thị trường xuất khẩu ngừng trệ, ông Nghĩa lại trăn trở, tìm ra sản phẩm mới để sản xuất, để công nhân vẫn có thể làm việc và máy móc vẫn được hoạt động.

Bút ngọc trai khảm xà cừ BluSaigon ra đời từ những ngày khốn khó như thế và thành phần xuất hiện sau gần một thập kỷ nghiên cứu, thử nghiệm. "Blu" là từ viết tắt của từ "Blue" (Màu xanh), tượng trưng cho màu của biển, bởi chính biển đã cung cấp nguồn nguyên vật liệu cho ngành nghề của gia đình Tôn Văn. 

Mỗi chiếc bút đều được sáng tạo từ những vỏ ốc đẹp nhất mà ngư dân lặn được dưới biển sâu, rồi trải qua hàng chục công đoạn thủ công tỉ mỉ dưới bàn tay tài hoa của những nghệ nhân Việt, có giá vài triệu đồng, bán tại thị trường nội địa và xuất khẩu.

"Chúng tôi chỉ nhập ruột bút còn lại tự sản xuất. Bút là vật phẩm ai cũng sử dụng, gắn liền với cuộc đời mỗi người, từ nét chữ đầu tiên, cánh thư đầu tiên, giao kết đầu tiên... Quan trọng hơn, bút là công cụ giúp ta ghi lại mọi bảng màu cuộc sống", ông Nghĩa vừa nói vừa xoay đều cây bút vỏ sò, mạ vàng - sản phẩm của Tôn Văn.

Chưa dừng lại ở đó, rổ sản phẩm của công ty còn có muỗng ngọc trai với năng lực xuất khẩu 50.000 chiếc/năm từ 10 năm nay. Hầu hết xuất khẩu sang Pháp, hiện diện tại những nhà hàng dành cho giới thượng lưu, dùng để xúc cá hồi, trứng cá tầm, trứng cua biển...

"Ăn thủy hải sản bằng muỗng làm từ thủy sản cộng hưởng thêm hương vị của biển khơi", ông Nghĩa vui vẻ nói.

Tiếp tục hành trình mang về ngoại tệ với những sản phẩm dùng nguyên liệu từ biển cả, ở tuổi 63, ông Nghĩa đang lui dần về phía sau, hậu thuẫn cho thế hệ kế thừa. Ông nhìn thấy được sự thích thú, yêu nghề, yêu sản xuất của cậu con trai Tôn Thế Văn.

Từ nhỏ, Tôn Thế Văn đã được theo cha đến xưởng, cùng cha đi làm từ thiện trên mọi miền đất nước. Ông Nghĩa muốn con cái nhận ra rằng, nếu biết yêu thương, lo lắng cho những người khác, thì mỗi người không chỉ lớn lên về thể xác, mà còn trưởng thành hơn về trí tuệ, tâm hồn.

"Nếu để con cái quen sống trong nhung lụa, sẽ khó vượt qua cực khổ để kế nghiệp, đặc biệt là với nghề sản xuất. Tôi không ép con phải nhận chuyển giao, mà chỉ cần con yêu lao động, sống hạnh phúc và có ích", ông Nghĩa chia sẻ.

Trách nhiệm của người kế nghiệp

Tôn Thế Văn, con trai ông Tôn Thạnh Nghĩa chọn trở về Việt Nam và làm việc tại công ty của gia đình sau quá trình du học ở Mỹ. Hầu hết những người bạn của Văn đều chọn ở lại Mỹ sau khi du học nhưng anh thích sống ở Việt Nam hơn.

Anh được tiếp xúc với xưởng sản xuất, nhìn quen các loại máy... Từ khi còn nhỏ, được gia đình định hướng học ngành cơ khí để trở về làm việc ở Tôn Văn, rồi tiếp tục học bổ sung về tài chính, quản lý...

Khi tôi hỏi:"Có khi nào Văn không thích và không muốn theo nghề của gia đình ?", anh nói:"Trước mắt là chưa, nhưng có lẽ tôi sẽ không bao giờ nghĩ như vậy. Công ty đã mang tên mình (Tôn Văn - PV), tôi thấy được trách nhiệm với hàng trăm công nhân và gia đình của họ nên không thể nói là thích hay không. Có thể trách nhiệm là áp lực mà mình phải vượt qua nhưng dần sẽ trở thành đam mê".

Tin mới lên