Nhân vật

Doanh nhân Trần Văn Minh – Minh Nhớp một thời lừng lẫy bây giờ ở đâu? (Kỳ III)

(VNF) – Sau khi đăng tải 02 bài viết về doanh nhân Trần Văn Minh – Minh Nhớp, VietnamFinance đã nhận được rất nhiều phản hồi của đông đảo bạn đọc gần xa đối với nhân vật này. Đặc biệt, tòa soạn cũng nhận được những phản hồi từ chính nhân vật Minh Nhớp giờ đây đang lưu lạc xứ người…

Doanh nhân Trần Văn Minh – Minh Nhớp một thời lừng lẫy bây giờ ở đâu? (Kỳ III)

Doanh nhân Trần Văn Minh

Từ người hùng đến khoản trợ cấp thất nghiệp

Trong phản hồi gửi về tòa soạn, ông Trần Văn Minh cho hay ông hiện vẫn đang sống nhờ vào khoản trợ cấp của chính phủ Mỹ trị giá 743 USD mỗi tháng. Số tiền ít ỏi đó là để sống qua ngày và để tiếp tục nuôi giấc mơ được trở về đất mẹ Việt Nam.

Nhìn lại chặng đời bi tráng của mình, ông Minh cho hay khi đó tình hình của Getradimex không phải là quá khó khăn, nếu so sánh với chuyện kinh doanh của nhiều đại gia hiện nay thì cũng tương tự. Đó là tình huống doanh nghiệp nợ khá lớn nhưng tổng tài sản thì cũng rất lớn.

Trong hoàn cảnh đó, nếu nhận được sự cảm thông, hỗ trợ, tạo điều kiện của chính quyền để xử lý thì mọi việc rất đơn giản. Còn nếu áp dụng các nguyên tắc quản lý, các quy định pháp luật một cách máy móc thì doanh nghiệp khó khăn thêm chồng chất khó khăn.

Từ năm 1992- 1999, trong vòng 8 năm, Công ty của ông đã liên tục phải tiếp 38 đoàn thanh tra, kiểm tra các cấp. Nội dung các đợt thanh tra đó đều na ná nhau, các kết luận cũng không có gì khác nhưng các đoàn vẫn liên tục đến.

Dường như câu chuyện của Getradimex lúc đó đã vượt ra khỏi khuôn khổ của một doanh nghiệp, một vụ việc kinh tế. Có những điều mà theo ông Minh, “thôi thì đã thuộc về lịch sử”, không muốn nhắc lại và “không có nhu cầu tranh luận đúng sai nữa”.

Trên phương diện kinh doanh, sự thay đổi chính sách đã khiến cho công ty Getradimex điêu đứng. Một ví dụ điển hình là Công ty Getradimex sau khi xin được phép tái chế xuất khẩu song mây đã tổ chức mua đất, máy móc, đào tạo nhân công, tổ chức thu mua, tái chế song mây ở Thị xã Hà Tĩnh, Hương Khê, Thị trấn Con Cuông, Thành phố Biên Hòa, Huyện Thủ Đức thành phố Hồ Chí Minh cùng các trậm thu mua ở Thanh Hóa với nước bạn Lào và Campuchia để xuất khẩu. Nhưng vừa đi vào hoạt động, thì Chính phủ cấm xuất khẩu song mây.

Trong hoàn cảnh khó khăn, công ty đã dồn toàn lực để xây dựng cơ sở xuất khẩu gỗ ở Xuân An (Nghi Xuân). Theo giấy phép của Chính phủ, Công ty đã thu mua gỗ tròn để xuất khẩu với số lượng lớn thì Chính phủ lại cấm xuất khẩu gỗ tròn mà chỉ được xuất khẩu gỗ nguyên liệu. Công ty vừa thay đổi máy móc, thiết bị tổ chức lại sản xuất gỗ nguyên liệu thì Chính phủ lại cấm xuất nhập khẩu gỗ nguyên liệu mà chỉ được xuất thành phẩm. Họa vô đơn chí, Getradimex trôi dần vào bi kịch.

Thời điểm đó, trong giới lãnh đạo các cấp cũng có những người ủng hộ ông Trần Văn Minh và muốn tạo cơ hội cho ông tháo gỡ khó khăn, lành mạnh hóa tình hình tài chính công ty để tiếp tục phát triển.

Tuy nhiên, giữa vô vàn sức ép khác nhau, Getradimex đã không thoát khỏi bi kịch mang tên “cơ chế”. Getradimex cũng như ông Minh Nhớp đã đi lên bằng cơ chế, đổ xuống cũng vì cơ chế. Cuối cùng, Getradimex đã bị khai tử bằng một nghị quyết của Thường vụ Tỉnh ủy Hà Tĩnh.

Một văn bản đồng ý giãn nợ và gỡ khó cho Công ty Getradimex. Ảnh tư liệu

Như đã đề cập, năm 1999, sức khỏe ông Minh giảm sút, vào viện kiểm tra, kết luận xét nghiệm cho thấy, ông bị ung thư tuyến tiền liệt. Áp lực lớn đến mức ông đã quyết định bỏ trốn. Từ bệnh viện K, ông được đưa thẳng lên Nội Bài, mua vé bay vào Sài Gòn. Ở Sài Gòn, ông vượt biên qua Cambodia, vừa đi bộ vừa đi xe ôm vào Phnompenh, lên máy bay đi Mỹ.

Từ thời điểm đó, với bệnh tật và tuổi già kéo đến, “người hùng” một thuở vẫn phải sống chung với các loại thuốc. Thời gian gần đây ông vẫn phải dùng thuốc hàng ngày từ nguồn cung cấp thuốc nhân đạo của Chính phủ Mỹ.

Nhiều tài sản từng được mua bằng tiền của Getradimex, sau khi công ty giải thể, đã thuộc về Nhà nước, các ngân hàng, hoặc các cá nhân. Trớ trêu thay, nhiều tài sản trong đó đã tăng giá trị nhiều lần so với khoản nợ năm xưa của Getradimex. Có những tài sản thì, cho đến nay vẫn không thể xác lập chủ sở hữu thực sự vì các rắc rối pháp lý…

Xin được về với đất mẹ…

Liên tục trong nhiều năm qua, những lá đơn đã được ông Trần Văn Minh liên tiếp gửi tới các cơ quan chức năng của Việt Nam. Trong đơn, ông không giấu giếm hoàn cảnh và thân phận của mình, thậm chí cả địa chỉ hiện tại.

Từ 2016 đến nay, ông và con trai là Trần Tiến Dũng đã làm đơn gửi cho các cấp lãnh đạo cao nhất nhưng chưa được trả lời bằng văn bản mà “chỉ được nghe miệng phía công an Hà Tĩnh đã mời Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, Tòa án Nhân dân tỉnh họp để xem xét lại hồ sơ khởi tố.

“Tôi nay đã gần 70 tuổi rồi mang bênh hiểm nghèo đã phải xa người thân nhất là con cháu tôi 20 năm nay. Tôi tha thiết kính mong quý ông quý bà các cấp có thấm quyền cao nhất xem xét cho tôi được hướng sự thật của công lý của tôi để tôi được về quê hương yên nghỉ trên mảnh đất cha mẹ sinh ra tôi”, đơn của ông Trần Văn Minh viết.

Qua tìm hiểu của VietnamFinance, vì vụ việc vẫn chưa bị đình chỉ, về mặt pháp lý hiện nay ông Trần Văn Minh vẫn đang trong trạng thái bỏ trốn. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, sự cảm thông, chia sẻ đối với ông cả trong giới lãnh đạo lẫn công chúng là có thật. Khó chăng, đó là một giải pháp!

Khoản trợ cấp hàng tháng ông Trần Văn Minh đang nhận được là 743 USD.

Sự cảm thông hiện đang đến từ việc, giới kinh doanh, giới chuyên gia kinh tế và pháp lý trong nước đều nhận thấy trong ba mươi năm đổi mới, cũng chỉ vì hai chữ “cơ chế”, đã có vô vàn câu chuyện đáng tiếc, thậm chí là bi kịch, đối với giới doanh nhân Việt Nam. Có những bản án kinh tế đã được thực thi mà cho đến bây giờ, cảm giác với những người trong cuộc là tiếc nuối.

Một thế hệ những doanh nhân giàu khát vọng, dám chòi đạp vượt lên trong những ngày đầu đổi mới, đưa lại thành quả kinh tế cho xã hội, tạo việc làm, đóng thuế… đã phải hứng chịu những hậu quả nặng nề, thậm chí mất cả tính mạng.

Trong hoàn cảnh đó, có lẽ một phương thức ân xá nào đó cần được tính đến cho những cá nhân như ông Trần Văn Minh. Đây không còn là vấn đề đúng sai, pháp lý nữa mà còn là khía cạnh nhân đạo, nhất là khi gần như toàn xã hội đã nhận thức được những điều bất cập trong quản lý và điều hành kinh tế trong suốt ba thập kỷ qua của Việt Nam.

Tin mới lên