Ngân hàng

[Doanh nhân tuổi Hợi] Chân dung ông Vũ Văn Tiền - người sáng lập ABBank

(VNF) - Năm 2018, ông Vũ Văn Tiền rời cương vị Chủ tịch HĐQT ABBank, nhường ghế cho em rể nhằm đáp ứng quy định mới: hoặc làm lãnh đạo ngân hàng, hoặc làm lãnh đạo doanh nghiệp. Lựa chọn này khác với đa phần các doanh nhân khác nhưng không khó hiểu, bởi Geleximco mới là nơi làm nên tên tuổi của ông.

[Doanh nhân tuổi Hợi] Chân dung ông Vũ Văn Tiền - người sáng lập ABBank

Doanh nhân tuổi Hợi Vũ Văn Tiền - người sáng lập ABBank

Năm 2018, đại gia kín tiếng Vũ Văn Tiền quyết định rời vị trí Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank), nhường ghế cho em rể Đào Mạnh Kháng. Động thái này là nhằm đáp ứng quy định mới của Luật các tổ chức tín dụng sửa đổi: hoặc làm lãnh đạo ngân hàng, hoặc làm lãnh đạo doanh nghiệp.

Đa phần các doanh nhân chọn ngân hàng, bởi nắm quyền tại ngân hàng khó hơn nhiều doanh nghiệp. Nguyên nhân là do Luật các tổ chức tín dụng quy định rất rõ giới hạn tỷ lệ sở hữu, chẳng hạn cá nhân không được sở hữu quá 5% vốn điều lệ ngân hàng, tổ chức không được sở hữu quá 15% vốn điều lệ ngân hàng...

Dù vậy, lựa chọn của ông Vũ Văn Tiền cũng dễ hiểu nếu nhìn trên khía cạnh tình cảm, bởi Geleximco mới là nơi làm nên tên tuổi của ông.

Ông Vũ Văn Tiền sinh ngày 10/5/1959 (năm Kỷ Hợi) trong một gia đình thuần nông, quê ở huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình.

Năm 1978, khi đang học năm thứ nhất trường Đại học Kinh tế quốc dân, ông được tổng động viên vào quân ngũ rồi được điều chuyển vào Học viện Kỹ thuật Quân sự, phân hiệu II TP.HCM.

Theo lời ông Tiền kể thì đầu những năm 80, một người bạn đồng ngũ nửa đùa, nửa thật: "Tên mày là Vũ Văn Tiền thì không phát về binh nghiệp được đâu". Năm 1982, ông xuất ngũ rồi trở về học tại Đại học Kinh tế quốc dân chuyên ngành kế hoạch.

Năm 1986, ông Vũ Văn Tiền bắt đầu làm việc tại Tổng công ty Vật tư Nông nghiệp. Tuy nhiên đến năm 1992, ông quyết định xin nghỉ việc để ra ngoài làm kinh doanh.

“Tính tôi vốn quyết đoán, không muốn phụ thuộc nên khó có thể trụ lại được trong một môi trường với cơ chế nặng bao cấp”, vị đại gia tuổi Hợi thuật lại.

Về động lực khởi nghiệp, có lần ông tâm sự, lúc vợ ông mới có thai cháu đầu, hoàn cảnh rất khó khăn. Một lần qua nhà bạn chơi, thấy đứa con nhỏ của bạn khóc khản cả tiếng vì đói sữa, ông giật mình, lòng thắt lại và ttự nhủ rằng, mình phải cố gắng làm việc để thoát khỏi cái nghèo, để con mình cũng như những đứa trẻ mới sinh có sữa uống, có cơm ăn, được học hành đến nơi, đến chốn… Đó là động cơ thúc đẩy ông làm giàu.

Ông Vũ Văn Tiền cách đây hơn một thập kỷ

Tháng 1/1993, ông Vũ Văn Tiền thành lập Công ty Xuất nhập khẩu tổng hợp Hà Nội (Geleximco). Dưới sự cho phép của Thủ tướng Chính phủ, Geleximco đã được Bộ Thương mại giao nhiệm vụ xuất nhập khẩu hàng hoá trực tiếp.

Ban đầu, công ty chủ yếu buôn bán hàng tiêu dùng, tư liệu sản xuất từ Nga và Đông Âu. Tuy nhiên về sau, khi đã gây dựng được thành quả nhất định, ông đã sớm chủ động xây dựng Geleximco theo mô hình phát triển kinh tế đa ngành, trong đó sản xuất công nghiệp là lĩnh vực ưu tiên.

Một số dự án lớn trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp của Geleximco có thể kể đến như: Nhà máy Xi măng Thăng Long (Quảng Ninh), Nhà máy Bột giấy và Giấy An Hòa (Tuyên Quang), Nhà máy Nhiệt điện Thăng Long (Quảng Ninh)…

Hạ tầng, bất động sản cũng là một thế mạnh của Geleximco với nhiều dự án lớn như dự án khu đô thị Cái Dăm (37,04 ha) tại Quảng Ninh, Lê Trọng Tấn (135 ha) tại Hà Nội, Đồng Trúc - Ngọc Liệp (250 ha) tại Quốc Oai – Hà Nội, Phú Mãn (461,2 ha) tại Hà Nội; Láng - Hòa Lạc kéo dài tại Hà Nội; khách sạn tiêu chuẩn quốc tế 4 sao và 5 sao; các trung tâm thương mại…

Geleximco cũng là cổ đông chiến lược của rất nhiều các doanh nghiệp lớn như ABBank, Công ty Cổ phần Chứng khoán An Bình, Viện Quản lý Toàn cầu Việt Nam, Công ty Cổ phần Tập đoàn Công nghệ CMC…

Ông Vũ Văn Tiền có 3 người con gái. Vợ ông là bà Nguyễn Thị Quỳnh Mai, từng tốt nghiệp Đại học Y Hà Nội, tuy nhiên hiện cũng đang điều hành công việc kinh doanh. Bà Mai từng tâm sự, bà vì các con mà bỏ cái nghề mình yêu thích. Khi chồng bắt đầu sự nghiệp kinh doanh, bận tối ngày, không có điều kiện chăm sóc dạy dỗ các con, bà đã phải lo tất cả.

Bức ảnh hiếm hoi về gia đình ông Vũ Văn Tiền

Ông Tiền rất trân trọng vợ. Ông kể trong hai lần thập tử nhất sinh (một lần ở Mỹ năm 2010 và một lần ghép gan), vợ của ông đã luôn thức trắng đêm bên giường bệnh, lo lắng mọi điều cho ông.

Hiện ông Vũ Văn Tiền đã khỏi hẳn bệnh gan sau ca cấy ghép thành công. Ông cho biết, bây giờ ông đã trở lại điều hành tập đoàn sau một thời gian giao lại cho người em ruột Vũ Văn Hậu.

Tin mới lên