Nhân vật

Doanh nhân tuổi Sửu: ‘Nữ hoàng’ cà phê Lê Hoàng Diệp Thảo

Bà Lê Hoàng Diệp Thảo sinh năm 1973 (Quý Sửu), là một nữ doanh nhân nổi tiếng người Việt Nam. Bà là người đồng sáng lập và đồng sở hữu Tập đoàn Trung Nguyên cùng ông Đặng Lê Nguyên Vũ suốt từ năm 1998 đến cuối năm 2014. Hiện bà Thảo đang điều hành thương hiệu TNI King Coffee – công ty sản xuất và kinh doanh cà phê do chính bà sáng lập.

Doanh nhân tuổi Sửu: ‘Nữ hoàng’ cà phê Lê Hoàng Diệp Thảo

Chân dung bà Lê Hoàng Diệp Thảo

Tình yêu mãnh liệt với cà phê

Bà Lê Hoàng Diệp Thảo sinh ra trong một gia đình kinh doanh vàng bạc tại tỉnh Gia Lai. Ở giữa mảnh đất thủ phủ cà phê, bà Thảo đã sớm cảm nhận được nguồn lợi từ cà phê mang lại cho phố núi.

Đặc biệt từ khi làm việc tại tổng đài 1080, Bưu điện tỉnh Gia Lai, bà Thảo càng có điều kiện hiểu thêm về ngành cà phê. Bà từng chia sẻ, 5 năm làm việc ở 1080, bà đã giải đáp hàng trăm ngàn cuộc gọi tham vấn về cà phê nên buộc bà phải am hiểu rõ lĩnh vực này để thông tin cho khách hàng.

Bà Lê Hoàng Diệp thảo rất am hiểu và có tình yêu mãnh liệt với cà phê

Trong khoảng thời gian này, bà đã có cơ duyên gặp gỡ ông Đặng Lê Nguyên Vũ. Đến năm 1998, bà kết hôn, quyết định xin thôi việc tại Bưu điện và khởi nghiệp cùng chồng.

Nhận thấy tiềm năng và cơ hội phát triển ngành cà phê trong bối cảnh kinh tế Việt Nam vừa mở cửa, năm 1996, vợ chồng bà Thảo thành lập nên hợp tác xã cà phê Trung Nguyên tại Buôn Ma Thuột. Hai nhà đồng sáng lập tin tưởng với điều kiện thổ nhưỡng phù hợp, diện tích dồi dào, năng lực nông dân và kiến thức cũng như niềm đam mê của người dẫn đắt, Trung Nguyên sẽ thành công.

Năm 1998, công ty mở quán cà phê Trung Nguyên đầu tiên ở địa chỉ 587 Nguyễn Kiệm, quận Phú Nhuận, TP HCM. Đây đồng thời cũng là nhà riêng của bà Thảo và ông Vũ.

Năm 2000, với chiến lược nhượng quyền, Trung Nguyên đã có 400-500 quán cà phê trên toàn Việt Nam. Năm 2001, Trung Nguyên mở xưởng sản xuất cà phê Hoà tan ở số 204 Bùi Thị Xuân và bắt đầu phát triển thương hiệu cà phê hòa tan G7. Đến năm 2002, công ty thực hiện nhượng quyền ở một số quốc gia như Nhật bản và Singapore.

Năm 2008, thế giới rơi vào khủng hoảng kinh tế, đặt ra nhiều thách thức cho phát triển cà phê tại Việt Nam. Trung Nguyên đã mở ra lối đi riêng khi lập doanh nghiệp xuất khẩu cà phê tại nước ngoài.

Khát vọng đưa cà phê Việt ra thế giới

Việc thành lập công ty Trung Nguyen International (TNI) có trụ sở tại Singapore đã giúp thương hiệu G7 cũng như Trung Nguyên xuất hiện tại hơn 60 quốc gia và vùng lãnh thổ, khẳng định hương vị, chất lượng lẫn quy mô của ngành cà phê Việt. Thời điểm đó, bà Thảo giữ vai trò TGĐ công ty TNI và công ty Cổ phần Cà phê Hòa tan Trung Nguyên. Bà Thảo đã tham dự rất nhiều diễn đàn, hội thảo, hội chợ ngành cà phê trên thế giới để quảng bá sản phẩm.

Sau khi ly thân với chồng, bà Thảo mở công ty riêng về cà phê. King Coffee (Cà phê Vua) là một trang mới trong sự nghiệp kinh doanh của bà Lê Hoàng Diệp Thảo với vai trò tổng giám đốc TNI Corporation.

Bà Thảo tiếp tục giấc mơ cà phê với King Coffee

King Coffee được bà lấy cảm hứng từ danh hiệu “Vua cà phê” mà tạp chí Forbes Asia đã đặt cho Trung Nguyên vì những đóng góp của thương hiệu này cho ngành cà phê Việt. Một cái tên dễ đọc, dễ nhớ cho mọi đối tượng khách hàng từ quốc tế đến nội địa.

King Coffee nhanh chóng gây được tiếng vang trên thị trường cà phê thế giới từ khi chính thức ra mắt tại Mỹ vào tháng 10/2016, sau đó là các thị trường lớn khác như Hàn Quốc, Trung Quốc, Liên bang Nga, Úc, Singapore, Dubai…

Sản phẩm của King Coffee kết hợp hạt cà phê của nhiều vùng nguyên liệu nổi tiếng trên thế giới như Ethiopia, Brazil, Colombia, Guatemala, cùng với Buôn Mê Thuột và Cầu Đất của Việt Nam.

Nhờ mạng lưới kinh doanh quốc tế được xây dựng chuyên nghiệp và chiến lược thâm nhập thị trường bài bản, chỉ trong vòng một năm sau khi ra mắt, King Coffee đã xuất khẩu đến hơn 60 quốc gia trên thế giới.

Tháng 7/2017, bà Thảo đưa King Coffee trở về phục vụ thị trường nội địa. Trong thời gian rất ngắn, dưới sự điều hành của bà, công ty đã triển khai thành công hệ thống phân phối sản phẩm khắp 63 tỉnh thành trong nước cùng sự đón nhận của rất nhiều người yêu cà phê Việt.

Theo kế hoạch, trong khoảng 5 đến 10 năm nữa, dự kiến King Coffee sẽ có 1.000 quán. Trong đó sẽ có 200-300 cửa hàng diện tích lớn, còn lại là cửa hàng nhỏ. Về hình thức, 40% quán do King Coffee tự mở, còn lại là nhượng quyền.

Tháng 4/2020, King Coffee là thương hiệu cà phê Việt Nam duy nhất sẽ vinh dự đón nhận giải thưởng: “Most Popular Coffee Brand, Vietnam 2019”. Đây là giải thưởng danh giá do tạp chí Global Brands Magazine (Anh quốc) bầu chọn.

Khi đã ổn định việc kinh doanh trong nước và quốc tế, bà Thảo đã cho triển khai dự án mang tên “Happy Farmers” nhằm mang đến đời sống tốt đẹp hơn cho bà con nông dân trồng cà phê ở Tây Nguyên. Đây là dự án giúp đảm bảo cho người nông dân trồng cà phê nắm được các kỹ thuật canh tác hữu cơ hiện đại, xây dựng và cải thiện cơ sở hạ tầng với nước sạch và các dịch vụ giáo dục, y tế. Bà Thảo rất tâm huyết với dự án này bởi nó không chỉ nâng cao chất lượng hạt cà phê một cách tốt nhất mà “đó còn là cách đáp đền cho vùng đất cao nguyên này”, bà chia sẻ.

Đồng hành cùng nông dân trồng cà phê là chiến lược King Coffee lựa chọn cho phát triển bền vững

Cuộc hôn nhân đổ vỡ gây chấn động dư luận

Bà Lê Hoàng Diệp Thảo và ông Đặng Lê Nguyên Vũ đã từng có câu chuyện tình đẹp như mơ. Hai người bén duyên với nhau từ một cuộc gọi giải đáp trên tổng đài. Ngưỡng mộ người đàn ông thông minh, tài giỏi, có ý chí làm giàu mãnh liệt, cô hoa khôi con nhà giàu đã từ bỏ công việc ổn định và cuộc sống nhung lụa, quyết tâm kết hôn với chàng trai nghèo đang mò mẫm khởi nghiệp.

Gia đình hạnh phúc của bà Thảo và ông Vũ trước kia

Vợ chồng bà đã cùng nắm tay nhau vượt qua bao gian khó để xây dựng “đế chế” cà phê Trung Nguyên hùng mạnh. Cả hai đã từng có một tổ ấm hạnh phúc với bốn người con, cho đến năm 2015, ông Đặng Lê Nguyên Vũ bất ngờ bãi nhiệm chức danh Phó TGĐ của bà Lê Hoàng Diệp Thảo tại Trung Nguyên. Giữa hai vợ chồng xảy ra mâu thuẫn gay gắt và quyết định ly thân.

Sau đó, cả hai đã có cuộc chiến tranh chấp khối tài sản 8.400 tỷ đồng và quyền quản lý Trung Nguyên dai dẳng và mệt mỏi. Đến năm 2019, sau hơn 20 năm chung sống, vợ chồng bà Thảo chính thức ly hôn.

Vụ ly hôn của bà Thảo và ông Vũ đã khiến báo chí tốn không ít giấy mực. Người ta có thể bàn luận nhiều chiều về cuộc hôn nhân đẹp như tiểu thuyết nhưng đổ vỡ của vợ chồng bà, nhưng không ai có thể phủ nhận đằng sau những thành công tuyệt vời của ông Vũ đều có bóng dáng của bà Thảo.

Thực tế, trong khoảng thời gian còn điều hành Trung Nguyên bà khá kín tiếng, ít xuất hiện trước truyền thông. Đến khi cuộc hôn nhân của bà và ông Đặng Lê Nguyên Vũ gây ồn ào dư luận, bà mới được mọi người biết đến nhiều hơn.

Mãi sau này, bà Lê Hoàng Diệp Thảo mới chia sẻ lý do “vô hình” trên truyền thông ngày trước là vì bà đã chấp nhận lùi lại để dành sự tỏa sáng cho chồng mình. Ở Trung Nguyên, ông Vũ là Chủ tịch HĐQT, có nhiệm vụ xây dựng và quảng bá thương hiệu, lo đối ngoại và tiếp xúc với truyền thông. Còn bà Thảo đảm nhận vai trò Phó TGĐ thường trực, như một người nội tướng của Trung Nguyên, hỗ trợ ông Vũ lập ra các chiến lược, kế hoạch hành động cụ thể.

Bà Lê Hoàng Diệp Thảo được đánh giá là một phụ nữ tài năng, khôn khéo và rất giỏi việc kinh doanh. Đặc biệt, sau những biến cố trong câu chuyện gia đình, người phụ nữ mạnh mẽ ấy vẫn muốn viết tiếp câu chuyện cà phê theo cách mới. Bà cho rằng trong sóng gió, càng phải làm việc, đưa thương hiệu cà phê Việt Nam vươn xa trên bản đồ thế giới thì mới thỏa được niềm đam mê của mình.

Tin mới lên