Nhân vật

Doanh nhân tuổi Sửu: Ông Trần Đình Long, ‘ông trùm’ ngành thép Việt

Ông Trần Đình Long là một doanh nhân, tỷ phú người Việt Nam. Ông hiện là Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát (HPG). Theo tạp chí Forbes, ông Long là tỷ phú giàu thứ ba tại Việt Nam với khối tài sản ước tính 1,9 tỷ USD.

Doanh nhân tuổi Sửu: Ông Trần Đình Long, ‘ông trùm’ ngành thép Việt

Chân dung ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát

Hành trình trở thành ‘vua thép’ Việt Nam

Ông Trần Đình Long sinh năm 1961 tại Lê Bình, Thanh Miện, Hải Dương. Ông tốt nghiệp hệ cử nhân tại trường Đại học Kinh tế Quốc dân chuyên ngành kinh tế năm 1986. Ông Long bắt đầu con đường kinh doanh từ năm 1992 với việc thành lập Công ty TNHH Thiết bị Phụ tùng.

Công ty ban đầu chủ yếu buôn đồ cũ từ Nga. Năm 1993, ông Long cùng các cộng sự lần đầu tiên có chuyến xuất ngoại để tìm hiểu thị trường và nhập hàng về buôn.

Ông Long (ngoài cùng bên phải) cùng các cộng sự trong chuyến xuất ngoại năm 1993

Đến năm 1994, khi thấy thị trường đồ nội thất nhập ngoại đang rất sôi động, ông đã quyết định gia nhập lĩnh vực này. Ông thành lập công ty nội thất, chuyên nhập hàng từ các nhà cung cấp đến từ Đài Loan, Malaysia, Singapore…

Năm 1996, công ty Thiết bị Phụ tùng thường phải mua ống thép về làm giàn giáo, nhưng việc mua ống thép hết sức khó khăn. Nhận thấy việc làm ống thép không khó, ông Long đã quyết định thành lập công ty Ống thép Hòa Phát, sử dụng công nghệ Đài Loan.

Từ năm 1996 đến năm 2005, ông Long giữ chức Chủ tịch HĐQT các công ty thuộc nhóm Hòa Phát bây giờ.

Năm 2007, Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát ra đời. Giữa nhiều thương hiệu mang tên gọi sính ngoại, ông Long vẫn quyết định chọn “Hòa Phát” (với nghĩa Hòa hợp và Phát triển) để đổi tên cho các công ty, thống nhất và khẳng định một thương hiệu Việt.

Tiếp đó, khu liên hợp Gang thép tại Hải Dương của Hòa Phát được xây dựng với mục tiêu sẽ trở thành nhà sản xuất thép hàng đầu Việt Nam. Đúng như mục tiêu đã định ra, Hòa Phát ngày càng khẳng định được sự lớn mạnh của mình dưới “bàn tay” lãnh đạo của ông Trần Đình Long.

Năm 2007, Hòa Phát lập kỷ lục với kết quả kinh doanh ấn tượng, đạt 3 triệu tấn thép thành phẩm các loại, vươn lên khẳng định vị thế doanh nghiệp thép số 1 trên thị trường.

Tập đoàn Hòa Phát hiện là nhà sản xuất thép số 1 Việt Nam

Điều này cho thấy khả năng quản lý, lãnh đạo, xây dựng chiến lược kinh doanh của ông Long rất hiệu quả. Sự tăng trưởng này đều đến từ việc ông Long nhạy bén với thị trường, biết đầu tư vào những lĩnh vực tiềm năng.

Do xuất thân từ vùng quê nghèo và từ hai bàn tay trắng làm nên tất cả nên vị chủ tịch này có những quan điểm trong cuộc sống cũng trong công việc rất đáng nể phục. Ông tâm sự: “Chúng tôi không tính kế hoạch trong điều kiện thị trường thuận lợi mà tính đến trường hợp thị trường xấu nhất, mình vẫn sống được”.

Sau nhiều năm gắn bó với ngành thép, đầu năm 2016, ông Long tiếp tục đầu tư thêm vào lĩnh vực Nông nghiệp với việc cho ra đời Công ty Phát triển Nông Nghiệp Hòa Phát. Số vốn điều lệ của công ty này được công bố là 2.500 tỷ đồng.

Năm 2017, Việt Nam bước lên ngôi “vương” về tiêu thụ thép tại khu vực các nước Đông Nam Á. Thép Hòa Phát dẫn đầu thị trường thép xây dựng với thị phần chiếm tới 27,5%. Nhờ sự tăng trưởng mang tính “bứt phá” ấy, giá cổ phiếu của tập đoàn Hòa Phát tăng mạnh, giúp nâng tổng giá trị tài sản của ông Long lên trên 1 tỷ USD.

Năm 2018, Hòa Phát tiến hành triển khai dự án khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất với tổng vốn đầu tư 60.000 tỷ đồng, công suất thiết kế 4 triệu tấn thép/năm, chế biến thép theo công nghệ lò cao khép kín.

Sau khi xây dựng vị trí vững chắc với sản phẩm thép, năm 2019, ông Long bắt đầu mở rộng kinh doanh ra nhiều ngành nghề như nội thất, điện lạnh, bất động sản…và đạt nhiều thành tựu đáng kể.

Hoà Phát vẫn chứng kiến sự tăng trưởng vượt trội trong năm 2020 bất chấp dịch Covid-19. Theo số liệu của VSA, trong mảng thép xây dựng, năm 2020, HPG gia tăng thị phần mạnh mẽ từ 26,2% trong năm 2019 lên 32,5%.

Khu liên hợp gang thép Hòa Phát tại Hải Dương đã hoàn thành việc đầu tư nâng công suất cán thành phẩm cho dây chuyền cán số 2, đưa tổng công suất của Khu liên hợp này lên 2,5 triệu tấn/năm từ cuối quý IV/2020.

Tại Dung Quất, dự kiến, lò cao số 4 Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất hoàn thành và đi vào hoạt động từ tháng 1/2021, đánh dấu sự hoàn thành toàn bộ hai giai đoạn đầu tư dự án, chính thức đưa công suất thép thô của Hòa Phát lên mức 8 triệu tấn/năm. Với sản lượng thép thô này, Hòa Phát ước đặt mức sản lượng 4,6 triệu tấn thép xây dựng thành phẩm trong năm 2021, qua đó nâng thị phần lên 40%.

Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất

Tài sản và thành tựu

Ông Trần Đình Long được biết đến là một trong 2 đại gia tại Việt Nam bỏ ra hàng trăm tỷ đồng sắm máy bay riêng (cùng với ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai).

Năm 2010, ông Trần Đình Long mua một chiếc trực thăng EC 135P2i 6 chỗ ngồi với giá gần 5 triệu USD (tương đương gần 96 tỷ đồng). Sau đó, ông chi thêm 2 tỷ đồng mỗi tháng để nuôi chiếc máy bay triệu đô này.

Đến năm 2011, ông đổi sang chiếc trực thăng 12 chỗ ngồi mang mã VN-D668. Chiếc trực thăng này có thể bay chặng dài Hà Nội – Đà Nẵng mà không cần phải tiếp thêm nhiên liệu. Chiếc trực thăng này thuộc sở hữu của riêng ông, hiện nay đang cho Tập đoàn Hòa Phát thuê.

Hiện ông Trần Đình Long đang trực tiếp nắm giữ 864 triệu cổ phiếu của Tập đoàn Hòa Phát (chiếm 26,08%). Tính toàn bộ số cổ phiếu cả gia đình ông, con số đó lên tới gần 1,16 tỷ cổ phiếu (34,95%).

Tháng 3/2018, doanh nhân Trần Đình Long được tạp chí danh tiếng của Mỹ Forbes đưa vào danh sách “tỷ phú USD” với khối tài sản lên đến 1,3 tỷ USD, xếp thứ 1.756 trên thế giới. Tuy nhiên sau đó, ông đã tụt khỏi bảng xếp hạng.

Tháng 5/2020, ông Long đã quay trở lại câu lạc bộ tỷ phú khi giá trị tài sản chạm mốc 1 tỷ USD cùng với đà phục hồi của cổ phiếu Hòa Phát. Khi đó, vị Chủ tịch Hòa Phát là người giàu thứ 5 tại Việt Nam.

Với việc giá cổ phiếu HPG tăng mạnh trong thời gian qua thì tính đến tháng 12/2020, tài sản của ông Long đã tăng lên 1,9 tỷ USD, trở thành người giàu thứ 3 Việt Nam. Hai vị trí dẫn đầu là Chủ tịch Phạm Nhật Vượng của Tập đoàn Vingroup và CEO Nguyễn Thị Phương Thảo của Vietjet Air.

Ông Trần Đình Long là một doanh nhân giàu có nhưng không thích sự ồn ào. Ông rất ít xuất hiện trên mặt báo, ngay cả trên thương trường cũng khá kín tiếng. Ông Long được nhận xét là người có vẻ ngoài thân thiện, điềm tĩnh nhưng cách giải quyết công việc vô cùng quyết liệt, dứt khoát và có tầm nhìn.

Cho đến ngày hôm nay, tại Hòa Phát vẫn lưu truyền câu chuyện ông Long dấn bước vào ngành thép từ câu nhận xét phũ phàng “biết gì về thép mà làm” của một trùm buôn thép những năm cuối 90 của thế kỷ trước.

Không ngại thử thách, chẳng sợ gian lao, biến khó khăn thành cơ hội, ông Trần Đình Long đưa Hòa Phát và ngành thép Việt từng bước vững chãi tiến về phía trước.

 

Tin mới lên