Thị trường

Doanh số nhiều mẫu xe ‘tụt dốc’, Mitsubishi Việt Nam đặt cược vào Xpander

(VNF) - Khi nhiều mẫu xe chủ lực đều có doanh số thấp và bị nhiều đối thủ cạnh tranh vượt mặt, Mitsubishi Việt Nam quyết định đưa mẫu MPV đa dụng Xpander vào sản xuất, lắp ráp trong nước mong giành lại thị phần.

Doanh số ‘tụt dốc’ không phanh

Trước khi có sự xuất hiện của mẫu MPV đa dụng Xpander, các mẫu xe của Mitsubishi Việt Nam như: Outlander, Pajero Sport, Mirage, Attrage và bán tải Triton đều có doanh số bán ra hàng tháng thấp “thê thảm” và thường xuyên lọt vào danh sách những mẫu xe bán chậm nhất trong tháng.

Toyota Fortuner cho Mitsubishi Outlander "hít khói"

Nằm ở phân khúc SUV 7 chỗ và là cái tên lâu năm trên thị trường, tuy nhiên Mitsubishi Outlander có doanh số xe bán ra hàng tháng luôn thấp hơn rất nhiều so với các đối thủ cùng phân khúc như: Toyota Fortuner, Ford Evrest hay Honda CR-V mới.

Theo số liệu bán hàng do VAMA (Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam) công bố, trong tháng 8/2019 Mitsubishi Outlander chỉ bán được 285 chiếc; tháng 7 là 310 chiếc và tháng 6 là 223 chiếc. Cộng dồn doanh số 8 tháng chỉ đạt 2.338 chiếc.

Mặc dù là mẫu xe luôn nhận được mức giảm giá lên tới 100 triệu đồng nhưng điều này cũng không giúp người dùng mặn mà để xuống tiền.  

Một trong những nguyên nhân chính khiến Mitsubishi Outlander đang dần bị mất thị phần khách hàng vào tay đối thủ đó là mẫu xe này liên tục bị triệu hồi với nhiều lỗi khác nhau, kèm với đó là những trang bị trên xe bị đánh giá là “yếu” hơn so với đối thủ.

Gần nhất là vào tháng 5/2019, Mitsubishi Outlander PHEV từng bị triệu hồi do lỗi phanh đỗ phía sau. Hay hồi tháng 12/2018, Mitsubishi Việt Nam cũng từng tiến hành 3 đợt triệu hồi đối với dòng xe Outlander và Outlander PHEV (Plug-in Hybrid Electric Vehicle) phân phối tại Việt Nam, sau khi phát hiện lỗi liên quan đến phần mềm điều khiển hệ thống phanh và hệ thống cân bằng điện tử (ASC). Tổng số xe nằm trong 3 đợt triệu hồi này lên tới gần 1.000 chiếc.

Bán tải Mitsubishi Triton “hụt hơi” trước Ford Ranger, Toyota Hilux

Chính thức giới thiệu tới khách hàng trong nước thế hệ mới của mẫu bán tải Triton từ tháng 1/2019, thế nhưng điều này cũng không giúp doanh số của mẫu xe này được cải thiện.

Theo VAMA, doanh số của bán tải Mitsubishi Triton trong tháng 8/2019 là 232 chiếc, tháng 7 là 166 chiếc, tháng 6 là 184 chiếc. Cộng dồn 8 tháng năm 2019 đã có 1.599 chiếc rời khỏi đại lý.

Bước sang tháng 9/2019, mẫu bán tải Triton tiếp tục nhận được mức ưu đãi về quà tặng đi kèm, trị giá giá từ 8-20 triệu đồng.

Cụ thể, Mitsubishi Triton bản 4x2 MT (giá 555,5 triệu đồng) và bản 4x2 AT (giá 586,5 triệu đồng) sẽ nhận được phiếu quà tặng ưu đãi nhiên liệu trị giá 20 triệu đồng, bảo hiểm vật chất (trị giá từ 8-10 triệu đồng).

Riêng phiên bản Triton 4x4 MT chỉ nhận được gói quà tặng bảo hiểm vật chất (trị giá từ 8-10 triệu đồng). Hiện giá bán của xe trong tháng 9/2019 là 646,5 triệu đồng.

Xe giá rẻ Mitsubishi Mirage liên tục “đội sổ” ế ẩm

Một trong những mẫu xe chủ lực khác của Mitsubishi Việt Nam kỳ vọng ở phân khúc xe giá rẻ là Mirage, thế nhưng trước sự xuất hiện của nhiều “tân binh” với loạt trang bị sáng giá khiến cho Mirage bị co hẹp về thị phần.

Điều này được thể hiện ró nhất là ở doanh số xe bán ra luôn thấp và thường xuyên lọt vào danh sách những mẫu xe “ếm ẩm” từng tháng.

Ghi nhận doanh số trong tháng 8/2019, Mitsubishi Mirage chỉ bán được vỏn vẹn 49 chiếc. Tháng liền kề trước đó doanh số cũng không mấy khả quan như tháng 7 bán được 42 xe và tháng 6 là 58 xe.

Đặt cược vào “tân binh” Mitsubishi Xpander

Nhiều khả năng Mitsubishi Xpander sẽ được láp ráp tại Nghệ An?

Chính thức có mặt tại "dải đất hình chữ S" vào tháng 8/2018 và nhanh chóng gặt hái được thành công trên thị trường, mới đây, Tập đoàn Mitsubishi Motors đã đưa ra thông báo về việc sẽ đưa vào lắp ráp mẫu xe MPV 7 chỗ cỡ nhỏ Xpander tại Việt Nam trong năm sau.

Cụ thể khoảng thời gian đưa vào tiến hành lắp ráp là từ tháng 5/2020 đối với bản số tự động (4AT), trong khi phiên bản số sàn (5MT) sẽ được nhập khẩu.​

Nhiều khả năng, mẫu MPV đa dụng Xpander sẽ được lắp ráp tại Nghệ An. Điều này hoàn toàn có cơ sở khi vào tháng 2/2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có các cuộc tiếp xúc một số doanh nghiệp (DN), nhà đầu tư lớn trong nước và quốc tế đại diện cho các DN có dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

Tại cuộc gặp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tiếp ông Tetsu Funayama, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Mitsubishi Corporation Việt Nam và mong muốn tập đoàn này sớm nghiên cứu xây dựng nhà máy lắp ráp ô tô tại khu vực này.

Trước đó, vào tháng 1/2018, tại buổi làm việc với Tập đoàn Mitsubishi Việt Nam về nghiên cứu đầu tư dự án nhà máy sản xuất ô tô trên địa bàn Nghệ An, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Xuân Đường đánh giá cao hiệu quả đầu tư của Tập đoàn Mitsubishi thời gian qua tại Việt Nam, đặc biệt là với lần đến thăm, khảo sát, tìm cơ hội đầu tư tại Nghệ An.

Chuyển sang lắp ráp để hưởng ưu đãi

Mới đây, Bộ Tài chính đã đưa ra nhiều đề xuất mới liên quan đến ưu đãi thuế nhập khẩu linh kiện ô tô trong dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 125/2017/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 122/2016/NĐ-CP của Chính phủ về biểu thuế xuất khẩu, biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, danh mục hàng hóa và mức thuế tuyệt đối, thuế hỗn hợp, thuế nhập khẩu ngoài hạn ngạch thuế quan.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, hiện nay, số lượng xe ô tô nhập khẩu tăng đột biến, điều này đồng nghĩa với việc các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp xe trong nước bị thu hẹp thị phần và sẽ phải đối mặt với nhiều khó khăn. Đặc biệt trong bối cảnh hàng rào thuế quan và hàng rào kỹ thuật không còn, các doanh nghiệp nước ngoài đang dần chuyển sang nhập khẩu kinh doanh thương mại thay cho việc sản xuất, lắp ráp ô tô.

Trước tình hình trên, Bộ Tài chính đề xuất bổ sung đối tượng được áp dụng chương trình ưu đãi thuế nhập khẩu linh kiện ở mức 0%.

Cụ thể, trường hợp tập đoàn, tổng công ty, công ty có quy mô vốn điều lệ từ 3.000 tỷ đồng trở lên tham gia góp vốn (hoặc chiếm số cổ phần) trên 35% vào các công ty sản xuất và lắp ráp ôtô thì các công ty nhận vốn góp (hoặc chiếm số cổ phần) trên 35% sẽ không phải đáp ứng điều kiện về sản lượng khi xét điều kiện hưởng ưu đãi cho thời gian còn lại của chương trình (hết năm 2022) nếu đạt điều kiện của chương trình ưu đãi.

Ngoài ra, dự thảo sửa đổi Nghị định 125 còn bổ sung quy định thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi 0% đối với nguyên liệu, vật tư, linh kiện sản xuất ôtô. Tuy nhiên, để được hưởng thuế nhập khẩu 0%, những loại nguyên liệu, vật tư, linh kiện này phải có tên trong danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển và trong nước chưa sản xuất được do doanh nghiệp trực tiếp nhập khẩu để sản xuất, lắp ráp sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển…

Với việc chuyển sang lắp ráp trong nước, nhiều khả năng giá bán của Mitsubishi Xpander sẽ thấp hơn so với thời điểm hiện tại, giúp nâng cao khả năng cạnh tranh với các đối thủ trong phân khúc và hứa hẹn sẽ trở thành mẫu MPV bán chạy nhất tại Việt Nam.

Xem thêm: Mitsubishi Xpander dính lỗi hệ thống bơm nhiên liệu, Việt Nam có bị ảnh hưởng?

Tin mới lên