Tài chính

Doanh thu năm 2019 của VEC đạt hơn 4.000 tỷ đồng, tăng 14,8% so với năm 2018

(VNF) - Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) cho biết trong năm 2019, đã có 46,3 triệu lượt phương tiện lưu thông trên 4 tuyến đường cao tốc do đơn vị này quản lý, qua đó thu về hơn 4.052 tỷ đồng.

Doanh thu năm 2019 của VEC đạt hơn 4.000 tỷ đồng, tăng 14,8% so với năm 2018

Năm 2019, tuyến Nội Bài - Lào Cai đạt doanh thu cao nhất với 1.561 tỷ đồng.

Doanh thu năm 2019 của VEC đạt hơn 4.000 tỷ đồng

Theo báo cáo của VEC, trong năm 2019, đã có 46,3 triệu lượt phương tiện lưu thông trên 4 tuyến đường cao tốc VEC quản lý, tăng 13,5% về lượng và 14,8% về doanh thu so với năm 2018.

VEC cho biết tổng doanh thu năm 2019 trên 4 tuyến cao tốc đang quản lý đạt hơn 4.052 tỷ đồng. Trong đó, tuyến Nội Bài - Lào Cai đạt doanh thu cao nhất với 1.561 tỷ đồng, thấp nhất là tuyến Đà Nẵng - Quảng Ngãi với 347,29 tỷ đồng.

Trong khi đó, cao tốc TP. Hồ Chí Minh – Long Thành – Dầu Giây luôn có mật độ phương tiện qua lại đông đúc nhất trong các tuyến giao thông trọng điểm khu vực phía Nam. Doanh thu năm 2019 trên tuyến đạt hơn 1.319 tỷ đồng.

VEC cho biết thêm, sau khi thông xe và đưa vào khai thác toàn tuyến, lượng phương tiện sử dụng tuyến Đà Nẵng - Quảng Ngãi trong năm 2019 đã tăng gấp đôi so với năm 2018.

Tuy nhiên, đây là tuyến đường cao tốc mà Kiểm toán Nhà nước đã chỉ ra nhiều vi phạm trong quá trình thực hiện dự án.

Được biết, ngày 14/11, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an tống đạt quyết định khởi tố bị can, thực hiện lệnh bắt tạm giam, lệnh khám xét đối với 4 bị can là lãnh đạo Ban quản lý dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi và một số nhà thầu đề điều tra tội “Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng”.

Cụ thể, các bị can gồm: Nguyễn Tiến Thành, nguyên Giám đốc Ban quản lý dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi; Hà Văn Bình, nguyên Giám đốc gói thầu số 7 thuộc Ban quản lý; Phạm Đình Phú, Phó tổng giám đốc Công ty Phương Thành, Giám đốc Ban điều hành gói thầu số 5 và Nguyễn Thành An, thành viên Cienco 1, Phó giám đốc Ban Điều hành gói thầu số 7.

Theo cơ quan điều tra, việc khởi tố các bị can nêu trên diễn ra trong quá trình điều tra vụ án hình sự vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng, xảy ra tại Tổng công ty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) và các đơn vị liên quan.

Các bị can nêu trên đã có hành vi sai phạm, gây thiệt hại trong quá trình thi công, nghiệm thu dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi.

Dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi có tổng mức đầu tư hơn 34.500 tỷ đồng, có tổng chiều dài gần 140km, thiết kế theo tiêu chuẩn đường cao tốc loại A với 4 làn xe lưu thông và 2 làn dừng khẩn cấp.

Chính thức thông xe và đưa vào khai thác dự án cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi vào ngày 02/9/2018, tuy nhiên sau khoảng một tháng, cao tốc này đã xuất hiện nhiều "ổ gà, ổ trâu". Đơn vị quản lý đã cho sửa chữa, tuy nhiên cao tốc vẫn liên tục xuất hiện nhiều hư hỏng.

Có sự chênh lệch lớn về lưu lượng giữa các đoạn đầu tuyến cao tốc so với các đoạn cuối tuyến

Theo báo cáo, lượng phương tiện lưu thông qua các tuyến cao tốc VEC liên tục tăng trưởng qua các năm. Tuy nhiên, mật độ phương tiện trên tuyến phân bố không đồng đều mà tập trung chủ yếu trên các đoạn hướng tâm về thành phố.

Cụ thể, trên tuyến đường cao tốc TP. HCM – Long Thành – Dầu Giây, lượng phương tiện quy đổi trung bình 1 ngày đêm lưu thông trên đoạn từ Trạm thu phí Long Phước – QL51 và ngược lại là trên 52.000 CPU/ngày đêm. Trong khi đó, tại đoạn QL51 – Dầu Giây, lượng phương tiện chỉ đạt 14.500 CPU/ngày đêm. Điều này đã dẫn đến việc thường xuyên xảy ra ùn ứ cục bộ tại 20km đầu tuyến cao tốc.

Sự chênh lệch về lưu lượng giữa các đoạn đầu tuyến cao tốc so với các đoạn cuối tuyến cũng xảy ra với 3 tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, Nội Bài – Lào Cai và Đà Nẵng – Quảng Ngãi. Điều này cũng dẫn tới những khó khăn nhất định cho các đơn vị quản lý đường cao tốc.

Tin mới lên