Học thuật

Độc quyền là gì?

(VNF) - Cùng VietnamFinance tìm hiểu Độc quyền (bán) (monopoly, monopolist) là gì?

Độc quyền là gì?

Độc quyền (bán) (monopoly, monopolist) là loại cấu trúc thị trường được đặc trưng.

Độc quyền (bán) (monopoly, monopolist) là loại cấu trúc thị trường được đặc trưng bởi:

(1)   Một người bán và nhiều người mua, tức thị trường chỉ có một nhà cung cấp bán hàng cho rất nhiều người mua nhỏ, hoạt động độc lập với nhau;

(2)   Không có sản phẩm thay thế, nghĩa là không tồn tại những sản phẩm thay thế gần gũi cho sản phẩm của nhà độc quyền (hệ số co giãn chéo của nhu cầu bằng 0); và

(3)   Các doanh nghiệp khác không thể gia nhập thị trường, tức hàng rào gia nhập nghiệm trọng đến mức không có doanh nghiệp mới nào có thể gia nhập thị trường.

Trong mô hình tĩnh về thị trường độc quyền, nhà độc quyền ở vào vị thế có thể quyết định giá thị trường. Tuy nhiên, khác với nhà sản xuất cạnh tranh hoàn hảo, nhà độc quyền có đường doanh thu cận biên và bình quân không giống nhau. Nhà độc quyền đứng trước đường cầu dốc xuống (D trong hình a) và vì vậy khi bán thêm sản lượng, anh ta phải bán với giá thấp hơn giá mà người mua sẵn sàng trả cho các đơn vị hàng hóa sản xuất trước đó. Nói cách khác, khi nhà độc quyền tăng sản lượng, nó phải giảm đơn giá sản phẩm. Cũng giống như các doanh nghiệp cạnh tranh hoàn hảo, mục tiêu của nhà độc quyền là tối đa hóa lợi nhuận và anh ta có đủ thông tin về chi phí và nhu cầu. Vì vậy, nhà độc quyền quyết định sản xuất một kết hợp sản lượng – giá cả làm cho chi phí cận biên và doanh thu cận biên bằng nhau. Hình b chỉ ra trạng thái cân bằng ngắn hạn của nhà độc quyền. Nhà độc quyền cung ứng tại Qc tại mức giá Pc.

Tại mức giá cân bằng, nhà độc quyền thu được lợi nhuận trên mức bình thường. Khác với tình huống cạnh tranh hoàn hảo, trong đó có sự gia nhập không bị cản trở, hàng rào gia nhập trong thị trường độc quyền được giả định là lớn hơn đến mức thị trường hoàn toàn đóng cửa đối với các nhà cung cấp mới. Các nguồn lực sản xuất không có cơ hội chuyển vào thị trường này và hậu quả là nhà độc quyền tiếp tục thu được lợi nhuận trên mức bình thường trong dài hạn cho đến khi có những thay đổi cơ bản trong điều kiện cung cầu. Lý thuyết về thị trường dự báo rằng, với điều kiện chi phí và nhu cầu giống hệt nhau, thị trường độc quyền dẫn tới giá cao hơn và sản lượng thấp hơn so với thị trường cạnh tranh hoàn hảo.

Trong mô hình tĩnh về thị trường độc quyền, giả định cơ bản là chi phí sản xuất tăng khi sản lượng tương đối thấp. Hàm ý của giả định này là các doanh nghiệp đạt tới trạng thái cân bằng ở quy mô hoạt động kinh doanh tương đối nhỏ so với thị trường. Tuy nhiên, bây giờ chúng ta giả định quá trình sản xuất trong một ngành được đặc trưng bởi kinh tế quy mô đáng kể. Nghĩa là, các doanh nghiệp cá biệt có thể tiếp tục giảm đơn phí (chi phí đơn vị) bằng cách sản xuất lượng hàng lớn hơn.

Chúng ta có thể minh họa điều này bằng cách giả định rằng một ngành cạnh tranh hoàn hảo bị nhà độc quyền thôn tính. Rõ ràng trong hoàn cảnh như vậy, chi phí không bị ảnh hưởng bởi quy mô kinh doanh. Hình c minh họa cho tình huống trong đó việc cắt giảm đơn phí do kinh tế quy mô (thu được nhờ việc chỉ có một doanh nghiệp duy nhất) tạo điều kiện làm tăng sản lượng lên mức cao hơn va giảm giá xuống mức thấp hơn thị trường cạnh tranh hoàn hảo ban đầu. Sự cắt giảm chi phí nhờ độc quyền hóa đẩy đường chi phí cận biên của nhà độc quyền (MCm) dịch chuyển sang phải đường cung ban đầu (Spv) cho nên sản lượng được sản xuất ra nhiều hơn (Qm) tại mức giá thấp hơn (Pm). Chúng ta tiếp tục giả định chi phí cận biên tăng trong một khoảng biến thiên nhất định của sản lượng.

Theo thời gian, kỳ vọng này phát sinh từ quan điểm cho rằng tại một quy mô nào đó, kinh tế quy mô bị vắt kiệt và tính phi kinh tế quy mô bắt đầu phát huy tác dụng. Tính phi kinh tế quy mô thường gắn với những khó khăn về quản lý và năng lực điều hành tồn tại ở các tổ chức lớn, phức tạp. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều bằng chứng cho thấy đường chi phí bình quân dài hạn (và đường MC) của nhiều ngành sử dụng nhiều tư bản có hình chữ L. Trong các ngành này, chính tổng mức cầu và tỷ phần của mỗi doanh nghiệp, chứ không phải những cân nhắc về chi phí hạn chế quy mô của nó. Do vậy, nó có thể tăng trưởng và đạt tới một mức sản lượng tối đa, sau đó không thể mở rộng sản xuất thêm nữa nếu không muốn giảm lợi nhuận hoặc chịu thua lỗ. Nhưng trong khi làm như vậy, nó có thể lớn đến mức có được sức mạnh để quyết định giá cả thị trường.

Người ta không thể phủ nhận rằng nhà độc quyền có thể tiếp tục tăng sản lượng và giảm giá nếu nó không tìm cách tối đa hóa lợi nhuận. Song tình huống này không phải là kết quả của sự quy trở lại cấu trúc thị trường cạnh tranh hoàn hảo. Điều xảy ra ở đây không phải là trong khi tìm kiếm địa vị tốt nhất để thu lợi nhuận, doanh nghiệp từ bỏ địa vị là một đối thủ cạnh tranh nhỏ nhoi. Nó không nhất thiết phải làm như vậy thông qua nỗ lực có hệ thống để chi phối thị trường. Ngược lại, chính điều kiện chi phí của thị trường đã cản trở sự tăng trưởng này. Trong những ngành như vậy, các doanh nghiệp nhỏ và vừa không thể sống sót được. Hơn nữa, nếu đơn phí thấp hơn khi sản lượng cao hơn, thì doanh nghiệp lớn là một thực thể hiệu quả hơn về mặt kỹ thuật.

                               Hình Độc quyền.

Như vậy, khi tồn tại hiệu quả quy mô ở mức đáng kể, thì sự cạnh tranh nguyên tử (tức của các doanh nghiệp nhỏ) trở nên không khả thi về mặt kỹ thuật và không đáng mong muốn nếu xét trên giác độ hiệu quả. Khi chứng minh cho tính tối ưu của cạnh tranh, người ta đã ngầm phủ định phương tiện phức tạp này.

Phương pháp phân tích phát triển trên đây cũng bỏ qua các phương diện động của hệ thống thị trường. Theo một số nhà kinh tế nổi tiếng (ví dụ Schempeter), các trường hợp cải thiện mạnh mẽ phúc lợi của người tiêu dùng phần lớn đều là kết quả của sự đổi mới công nghệ. Chính sự tăng trưởng của các nguồn lực, quá trình phát triển kỹ thuật và sản phẩm mới trong dài hạn, chứ không phải những điều chỉnh ngắn hạn, tạo ra mức sản lượng tối đa thu được từ một đầu vào cố định cho trước. Như vậy, các yếu tố của cạnh tranh độc quyền đóng vai trò là tiền đề và người bảo vệ cho những nỗ lực đổi mới, canh tân. Các doanh nghiệp cạnh tranh hoàn hảo chắc chắn có động cơ sử dụng phương pháp, kỹ thuật sản xuất hiện có một cách có hiệu quả nhất, vì đây là điều kiện cần thiết cho sự sống còn của họ. Nhưng sự bất lực của họ trong việc đạt được lợi nhuận trên mức bình thường vừa hạn chế nguồn lực, vừa hạn chế động cơ phát triển công nghệ mới của họ.

Ngược lại, nhà độc quyền thuần túy kiếm được lợi nhuận trên mức bình thường có nhiều nguồn tài lực hơn để thúc đẩy tiến bộ kỹ thuật, nhưng có động cơ yếu trong việc đổi mới do không có sự cạnh tranh thực sự. Song tiến bộ công nghệ là một phương tiện để cắt giảm chi phí và tăng lợi nhuận dài hạn do có hàng rào cản trở sự gia nhập thị trường. Hơn nữa, bản thân sự hơn hẳn về kỹ thuật là một công cụ để nhà độc quyền chống lại sự gia nhập. Vì vậy, nhà độc quyền phải dựa vào tiến bộ công nghệ để duy trì địa vị độc tôn của mình.

Schumpeter là một trong những học giả biện hộ mạnh mẽ nhất quan điểm cho rằng ngành bị chi phối bởi các yếu tố độc quyền có thể sử dụng phương pháp sản xuất ưu việt hơn các ngành cạnh tranh hoàn hảo. Khi so sánh thị trường độc quyền và thiểu quyền với thị trường cạnh tranh hoàn hảo bằng cách giả định công nghệ không đổi, không tính tới thực tế là sự đổi mới quy trình sản xuất và sản phẩm thường tập trung vào các doanh nghiệp độc quyền và thiểu quyền lớn, người ta đã đánh giá quá thấp đóng góp về mặt xã hội của các thị trường này.

Hình c minh họa cho luận điểm gây nhiều tranh cãi của Schumpeter. Thị trường cạnh tranh sản xuất sản lượng Qpc, điểm có chi phí cận biên ngắn hạn bằng giá cả. Nếu ngành này được độc quyền hóa, người ta thường dự kiến giá cả sẽ tăng lên Pm1 và sản lượng giảm xuống chỉ còn Qm1. Tuy nhiên, nếu nhà độc quyền trong ngành này ứng dụng công nghệ mới làm giảm chi phí, toàn bộ đường chi phí cận biên có thể dịch chuyển xuống phía dưới và nhà độc quyền sản xuất lượn hàng hóa nhiều hơn (Qm) và bán với giá thấp hơn (Pm) so với ngành cạnh tranh ban đầu, mặc dù nhà độc quyền khai thác hết sức mạnh thị trường của mình.

Dĩ nhiên, xã hội có thể bị tổn thất ngay cả khi nhà độc quyền đổi mới. Những mối lợi do đổi mới mang lại có thể không bằng chi phí do sự khai thác của nhà độc quyền gây ra.

(Tài liệu tham khảo: Nguyễn Văn Ngọc, Từ điển Kinh tế học, Đại học Kinh tế Quốc dân)

Tin mới lên