Tài chính

'Đọc vị' bộ đôi cổ phiếu Vingroup qua phân tích kỹ thuật

(VNF) - MBS cho rằng cổ phiếu VIC của Vingroup đang hình thành mô hình tam giác (tăng dần), trong khi cổ phiếu VRE của Vincom Retail đang hoàn thiện mô hình Falling Wedge (hình nêm hướng xuống).

'Đọc vị' bộ đôi cổ phiếu Vingroup qua phân tích kỹ thuật

Ảnh minh họa

Công ty Chứng khoán MB (MBS) vừa đồng loạt đưa ra báo cáo phân tích cổ phiếu VIC của Tập đoàn Vingroup và cổ phiếu VRE của Công ty Vincom Retail.

Báo cáo của MBS cho hay VIC thuộc nhóm cổ phiếu trụ, nhóm Vingroup là 1 trong 3 nhóm có vốn hóa lớn nhất thị trường và có mức tăng trưởng bình quân tốt nhất trong nhóm vốn hóa lớn này. Các quỹ ETF hoặc các tổ chức nước ngoài luôn có trong danh mục.

Về ngắn hạn, VIC đang hình thành mô hình tam giác (tăng dần), là mô hình trung gian của xu hướng tăng giá trước đó, thường hình thành ở sự dịch chuyển hướng lên và xác nhận xu hướng kế tiếp.

Mô hình này thể hiện 1 phạm vi giá thu hẹp giữa giá cao và thấp tạo thành một hình tam giác và hiện tại, VIC đang đi vào vùng hội tụ này và có sự bứt phá mạnh mẽ khỏi kênh hỗ trợ (đường xu hướng tăng dần (mức hỗ trợ) kết nối các mức thấp và lần lượt cao dần). Điểm phá vỡ (Breakout) ở mốc 113.000 đồng khi giá vượt đường xu hướng nằm ngang (mức kháng cự) kết nối các mức đỉnh sẽ là tín hiệu xác nhận điểm mua của mô hình.

"Với những tín hiệu kỹ thuật đang rất tích cực, chúng tôi cho rằng VIC có khả năng vượt kháng cự để nối tiếp xu hướng tăng trước đó, mức giá mục tiêu của mô hình này là 140.000 đồng", MBS nêu quan điểm.

Đồ thị phân tích kỹ thuật cổ phiếu VIC. Nguồn: MBS

Đối với cổ phiếu VRE, MBS cho hay sau khi đạt đỉnh ở 50.000 đồng/cổ phiếu ở thời điểm đầu năm 2018, giá cổ phiếu VRE đã điều chỉnh mạnh, liên tục mất các ngưỡng hỗ trợ quan trọng và chạm đáy ở mức giá 27.000 đồng, tương đương với mức chiết khấu giá 46%. So với thị trường chung, VRE có mức điều chỉnh mạnh hơn (mức điều chỉnh của VN-Index từng đỉnh hơn là 28%).

MBS nhận định, VRE đang hoàn thiện mô hình Falling Wedge (hình nêm hướng xuống) là mô hình đồ thị báo hiệu xu hướng tăng giá, trong đó giá dao động với biên độ rộng ở phần đỉnh và thu hẹp biên độ dần khi giá càng xuống thấp hơn. Chỉ cần phá vỡ cản 31.000 đồng thì đường giá sẽ hoàn thành mẫu hình Falling Wedge. Một khi xuất hiện điểm phá vỡ (breakout) thì có thể có sự điều chỉnh giá test lại vùng hỗ trợ mới này trước khi tăng.

Về các đường trung bình, VRE đã vượt qua các đường trung bình ngắn hạn và trung hạn như MA5, MA10, MA20, MA50 và MA100 ngày.

Về ngắn hạn, MBS cho rằng VRE sẽ gặp kháng cự ở vùng 32.500 đồng (đây là vùng kết hợp MA200 ngày và ngưỡng Fibonacci 38,2%), VRE có thể thoái lui về mức 31.500 đồng (tương ứng Fib 23,6%) trước khi phá vỡ ngưỡng kháng cự mạnh này.

"Với những tín hiệu kỹ thuật ngắn hạn và trung hạn khả quan, chúng tôi kỳ vọng VRE sẽ vượt ngưỡng 32.500 đồng thành công để xác nhận xu hướng tăng dài hạn, với mức mục tiêu 38.000 đồng/cổ phiếu", MBS đánh giá.

Đồ thị phân tích kỹ thuật cổ phiếu VRE. Nguồn: MBS

Tin mới lên