Tài chính quốc tế

Đối đầu Mỹ - Trung: Cuộc chiến giữa các nền văn minh khác nhau?

(VNF) - Cuộc thương chiến Mỹ - Trung đang diễn ra, theo nhiều nhà phân tích, chỉ là bề nổi, chỉ là diện, chứ không phải điểm. Điểm của Trung Quốc ở đây là muốn vượt Mỹ để làm bá chủ. Còn điểm của Mỹ là tìm mọi cách ngăn chặn Trung Quốc, không cho vượt Mỹ và thay thế Mỹ trong vị trí siêu cường. Cuộc thương chiến vì thế sẽ không ngưng nghỉ, nhưng Trung Quốc cũng không thể lùi bước. Liệu đây có phải là cuộc chiến "một mất, một còn", rồi ra giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ phải tìm một phương thức thỏa hiệp nào đó?

Đối đầu Mỹ - Trung: Cuộc chiến giữa các nền văn minh khác nhau?

Cuộc thương chiến Mỹ - Trung đang diễn ra, theo nhiều nhà phân tích, chỉ là bề nổi, chỉ là diện, chứ không phải điểm.

Ngày 22/5/2019, đại sứ Trung Quốc tại Hoa Kỳ Thôi Thiên Khải cho biết: "Bắc Kinh sẵn sàng nối lại các cuộc đàm phán thương mại với Washington". Reuters cho hay phát ngôn nêu trên được đưa ra trong bối cảnh không có cuộc đàm phán thương mại nào giữa các nhà đàm phán hàng đầu của Trung Quốc và Hoa Kỳ được lên kế hoạch kể từ khi vòng gần nhất kết thúc trong bế tắc vào ngày 10/5. Sự gay gắt tăng lên từ tuần trước, thời điểm Washington đưa Huawei vào danh sách đen. Đây được cho là đòn giáng mạnh vào hãng viễn thông Trung Quốc, làm xáo trộn chuỗi cung ứng công nghệ và nhà đầu tư.

Quyết không nới lỏng gọng kìm

Cho đến nay, trên tổng số hàng Trung Quốc nhập vào Mỹ, chỉ mới có hơn 250 tỷ USD là bị áp thuế trừng phạt, với mức thuế đã tăng vọt từ 10% lên thành 25% đối với 200 tỷ USD hàng hóa kể từ ngày 10/5. Theo hãng tin Pháp AFP, việc khởi động thủ tục đánh thuế không có nghĩa là 300 tỷ hàng nhập từ Trung Quốc sẽ bị tăng thuế ngay. Tiến trình này phải lần lượt qua nhiều khâu, từ thông báo công khai, cho đến tham khảo ý kiến trước khi quyết định áp thuế hay không. Nói cách khác, biện pháp tăng thuế quan sẽ không thể có hiệu lực trước vài tháng tới đây. Quyết định của Tổng thống Mỹ do đó là một hình thức cho thấy là Washington không hề nới lỏng gọng kềm với Bắc Kinh.

Vòng đàm phán Mỹ-Trung lần thứ 11 nhằm tìm giải pháp cho cuộc chiến thương mại đã bị cắt ngang hôm 10/5 sau khi Tổng thống Trump thông báo Bắc Kinh không muốn đưa vào thỏa thuận những cam kết liên quan quyền sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ. Trên twitter, Tổng thống Mỹ nhắc đến những cuộc đàm phán “thẳng thắn và mang tính xây dựng”. Dù tiếp tục khẳng định duy trì mối quan hệ rất bền vững với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Trump vẫn quyết định tăng thuế, từ 10% lên thành 25% đối với 200 tỷ USD hàng nhập từ Trung Quốc. Biểu thuế mới có thể được dỡ bỏ hoặc không, tùy theo tiến độ vòng đàm phán mới dù chưa có ngày cụ thể.

Chưa dừng ở đó, Tổng thống Trump ra lệnh lập thêm danh sách đánh thuế mới đối với hàng Trung Quốc với tổng trị giá 325 tỷ USD. Tổng thống Trump tự tin vào khả năng làm thay đổi quan hệ thương mại với Trung Quốc. Thứ nhất, ông cho rằng nền kinh tế Mỹ vững chắc. Thứ hai, ông bảo đảm rằng dù người dân Mỹ bị cuộc chiến thương mại tác động, nhưng những khoản thuế mà Trung Quốc phải trả sẽ mang về cho nước Mỹ nhiều tiền hơn so với một thỏa thuận thông thường. Để trấn an cử tri, đặc biệt giới nông dân bị ảnh hưởng nặng nề từ cuộc chiến thương mại, Tổng thống Trump khẳng định sẽ dùng tiền thu được từ tăng thuế hàng Trung Quốc để thu mua nông phẩm dư thừa nhằm cứu trợ các nước đói nghèo. Điều trớ trêu là chính quyền tổng thống đương nhiệm lại cắt giảm các khoản cứu trợ quốc tế.

Tại sao Trung Quốc “lật kèo”?

Dư luận có vẻ thất vọng và đặt ra nhiều câu hỏi tại sao, khi trước đây không lâu, thị trường chứng khoán toàn cầu đã tăng mạnh, kỳ vọng vào kết quả của “đình chiến” tháng 5. Nhưng không ai có thể cho giải thích rõ hơn là vài dòng “tuýt” của chính Tổng thống Trump, khi ông hạ lệnh sẵn từ tối Chủ nhật ngay trước đó, là ông Tập đã “lật kèo” giờ chót, bỏ hẳn các thỏa thuận đã có sẵn trong bản nháp thương thảo dài và qui mô đã đạt được từ cuộc thương nghị marathon hai bên qua lại từ hơn 2 tháng nay. Lý do là giờ chót ông Tập nghe tin đồn đoán từ Washington là ông Joe Biden sẽ là ứng cử viên Dân chủ sáng giá và có thể thắng ông Trump trong kỳ bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11/2020. Như vậy nếu Trung Quốc kiên trì đợi ông Biden thắng cử, thể hiện chính sách “quen nhường nhịn” từ thời ông Obama đã nổi bật với thành tích để Trung Quốc lấn sân Mỹ trên trường quốc tế, cả về chính trị và kinh tế, thì Trung Quốc sẽ không phải nhường nhịn nhiều?!

Thêm vào đó, báo giới Mỹ cũng đưa ra một cách giải thích khác về việc, Trung Quốc suy đoán sai về tình hình kinh tế vĩ mô Mỹ. Từ nhiều tháng nay ông Trump đã không ngớt chỉ trích Chủ tịch FED Powell, đã suy đoán sai về tình hình lạm phát xứ Mỹ nên tăng lãi suất 6 lần từ khi ông Trump cầm quyền (cho tới tháng 12/2018), và có thể gây khó khăn cho mức tăng trưởng đang đà mạnh của kinh tế Mỹ, nhất là trong bối cảnh, chỉ còn độ một năm nữa là chính thức mở màn mùa tranh cử tổng thống. Giới tiên đoán ở Trung Quốc đã dựa vào điểm này để cho rằng ông Trump biết nền kinh tế Mỹ đang suy yếu, nên tăng áp lực cho ông Powell và FED giảm lãi suất, và từ đó cho rằng ông Trump dễ nhường ông Tập hơn để nhanh chóng đi đến một thỏa thuận thương mại mới.

Bé cái nhầm, như chúng tôi sẽ thảo luận ngắn dưới đây về hiện trạng kinh tế Mỹ! Và dù có bối rối trăm bề với các tấn công nội bộ quen thuộc của các thành viên Đảng Dân chủ, của giới truyền thông “chính thống” từ đầu mùa tranh cử năm ngoái, của các đấng trí thức phe tả, của giới trẻ mê Xã hội Chủ nghĩa do Bernie Sanders và Ocasio Alexander-Cortez trình diễn đang dấy lên như một mốt “thời thượng” bên Mỹ… Tổng thống Trump có vẻ vẫn giữ nguyên được bản lãnh đối phó của mình! Nếu không may vì vấn đề sức khỏe ở tuổi 75 trước các áp lực cá nhân kinh khủng như vậy cho một cá nhân, ông còn hy vọng đi tiếp - nhất là khi ban vận động tranh cử 2020 sơ khởi cho ông, tuyên bố đã quyên được 30 triệu USD!

Cả hai phía đều chịu hậu quả

Chính sách tăng thuế quan từ hơn 10 tháng qua (sau đợt một áp dụng thuế quan 10% lên 250 tỷ USD hàng nhập Trung Quốc) đã gây tác động không nhỏ cho kinh tế và chính trị Trung Quốc. Tình hình chính trị nội bộ có nhiều dấu hiệu bất ổn, GDP tăng trưởng quanh mức 6%, chứng khoán bị sụt 25% trong năm 2018, mức dự trữ ngoại hối đã giảm từ 4.000 tỷ USD xuống mức thấp 2.600 tỷ USD khoảng tháng 10/2018 và nay mới phục hồi lên mức 3.100 tỷ USD, hối suất đồng yuan đã thụt hẳn 6-8% lúc mấy tháng đầu tiên do các hãng và tư nhân rút tiền tháo chạy… Chính sách tăng thuế đợt hai với thuế quan 25% vừa áp dụng sẽ gây nhiều ảnh hưởng nặng nề hơn.

Khi Trung Quốc trả đũa ngược lại với Mỹ, ước lượng GDP của Mỹ sẽ xuống khoảng 0,3-0,5% trong năm nay 2019. Nếu Mỹ áp dụng thuế quan lên cả 325 tỷ đô hàng nhập Trung Quốc còn lại, sẽ gây ảnh hưởng tăng giá cho khoảng 40% mặt hàng tiêu thụ ở Mỹ. Tuy nhiên, tác động này ở Mỹ cũng không phải là điều gì khủng khiếp lắm! Vì Mỹ có thể thay bằng hàng nhập từ các nước khác. Và việc bù lỗ cho việc xuất khẩu nông sản, nhất là đậu nành, ở một vài tiểu bang chính yếu có thể thực hiện dễ dàng như từ gần một năm qua!

Một bộ phận chính quyền Mỹ coi các cuộc đàm phán đang diễn ra là cách thể hiện sức mạnh vượt trội của người Mỹ. Bắt đầu từ Phó Tổng thống Mike Pence, người trực tiếp đánh giá bản chất chế độ Trung Quốc là chuyên quyền khi phát biểu trước cử tọa bảo thủ vào tháng 10/2018 ở Washington. Gần đây, trong một diễn đàn trên tờ Washington Post ngày 6/5/2019, ông Steve Bannon, cựu cố vấn chiến lược của Tổng thống Trump, kêu gọi chủ nhân Nhà Trắng từ chối thỏa hiệp với Bắc Kinh, vì theo cựu cố vấn chiến lược, mục tiêu hiện nay của Trung Quốc là trở thành cường quốc bá chủ thế giới. Cùng ngày, giám đốc Vụ Chính sách Đối ngoại của bộ Ngoại Giao Mỹ Kiron Skinner, mô tả đối đầu Mỹ-Trung là cuộc chiến giữa các nền văn minh khác nhau, với những ý thức hệ khác nhau và chưa từng diễn ra trước đây giữa hai nề kinh tế lớn nhất thế giới.

Tin mới lên