Diễn đàn VNF

Đối diện thập kỷ mới: Bàn về khát vọng thịnh vượng

(VNF) - Đời người, ai cũng muốn mình được giàu có, ấm no, sung sướng, hạnh phúc. Khát vọng đó thường được diễn tả bằng hai từ thịnh vượng. Theo chữ Hán, thịnh là đầy đủ, chỉ thấy thêm không thấy kém, vượng là sáng sủa tốt đẹp. Phàm cái gì mới thịnh gọi là vượng. Thịnh vượng như vậy có nghĩa là ngày thêm tốt đẹp hơn. Từ này còn hay được dùng ghép với từ phồn vinh thành cụm từ phồn vinh thịnh vượng để chỉ trước hết sự phát triển về kinh tế, sau đố là các mặt khác của đời sống con người cũng như của quốc gia, đất nước.

Đối diện thập kỷ mới: Bàn về khát vọng thịnh vượng

Bàn về khát vọng thịnh vượng.

Nước ta là một nước nông nghiệp truyền thống. Từ xa xưa người dân làm ruộng chỉ có một ước vọng lớn nhất, cao nhất, là mùa màng bội thu, thóc lúa đầy bồ, đầy lẫm, cái bụng được ăn no. Những năm được mùa là niềm vui sướng lớn nhất của làng xóm, gia đình.

Năm nay, năm 21 thế kỷ XXI ứng với âm lịch là năm con Trâu (Tân Sửu). “Con trâu là đầu cơ nghiệp” đối với người nông dân làm lúa nước. Cha ông ta đã từng vỗ về con trâu trong một viễn cảnh no ấm: "Trâu ơi ta bảo trâu này/Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta/Cấy cày vốn nghiệp nông gia/Ta đây trâu đấy ai mà quản công". Cha ông ta đã từng mơ thóc lúa được mùa khi mình ra sức làm lụng: "Trên đồng cạn dưới đồng sâu/Chồng cày vợ cấy con trâu đi bừa". Và khi mùa vàng bội thu, cha ông ta sung sướng trước cảnh sung túc của làng quê cất lên tiếng ca về thời thịnh trị: "Đời vua Thái Tổ, Thái Tông/Lúa rụng đầy đồng gà chẳng thèm ăn".

Bức tranh đời sống thịnh vượng thuở xưa của người nông dân Việt Nam bình dị như vậy mà không dễ có được. Cho đến nay khi nước ta đã là nước xuất khẩu gạo vào hàng nhất nhì thế giới, khi chúng ta đã có giống gạo ST35 từng được xếp hạng ngon nhất thế giới, ta càng thương cảm khát vọng thịnh vượng bao đời nay trên cánh đồng lúa của người dân làm ruộng ở mảnh đất hình chữ S bên bờ biển Đông.

Khát vọng ấy luôn cháy bỏng trong cõi lòng con dân đất Việt từ vị lãnh tụ đến người dân thường. Trong những lời chúc Tết của Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời cũng luôn có những câu động viên mọi người dân lao động kiến quốc, xây dựng đất nước mạnh giàu. Đặc biệt trong bài thơ chúc Tết Xuân Tân Sửu 1961, đúng 60 năm trước đây, Người đã viết một câu mà cho đến bây giờ và mãi sau này nữa, chúng ta vẫn đang phải khai phá: “Đường lên hạnh phúc rộng thênh thênh”.

Có lẽ chính trong cảm hứng phơi phới đó, một cảm hứng đầy tính lạc quan cách mạng khi đất nước mới ra khỏi cuộc chiến tranh 9 năm gian khổ chưa đầy một thập niên, nhà thơ Tố Hữu đã viết “Bài ca Mùa xuân 1961” đầy náo nức reo ca, nâng 1961 lên thành “đỉnh cao muôn trượng”. Nhưng khi kết lại bài thơ, ông vẫn kịp tỉnh táo để thấy khát vọng “Hòa bình/Độc lập/Ấm no/ Cho/Con người /Sung sướng/Tự do” vẫn là cành táo đung đưa quả ngọt mà con người và loài người chưa dễ đã chạm tay tới, cầm nắm được, dẫu có cho đấy là “Hạnh phúc đơn sơ, ước mơ nho nhỏ”.

Khát vọng ấy được bày tỏ tha thiết, mỗi độ Tết đến Xuân về, người ta hay chúc nhau thịnh vượng, làm ăn khấm khá. Mỗi con người đều mong được vậy. Và mỗi quốc gia cũng không ngừng vươn tới khát vọng đó.

Hàng năm các hãng, các viện nghiên cứu xã hội trên thế giới đều công bố bảng xếp hạng các nước về mức độ hạnh phúc, thịnh vượng. Một đất nước thịnh vượng là thế nào? Theo Legatum Institute, một tổ chức think-tank có trụ sở tại London (Anh), nó là sự tổng hợp của nhiều chỉ số (index) khác nhau gộp thành chín mục phản ánh các phương diện khác nhau của đời sống xã hội và các thông số của sự yên ổn xã hội. Chín mục đó là: 1) Kinh tế, 2) Doanh nghiệp, 3) Quản trị, 4) Giáo dục, 5) Sức khỏe, 6) An ninh, 7) Tự do cá nhân, 8) Vốn xã hội và 9) Sinh thái.

Theo bảng chỉ số thịnh vượng 2020 (Prosperity Index) từ kết quả khảo sát 167 nước trên thế giới do Legatum Institute công bố hồi tháng 11/2020, Đan Mạch là nước đứng đầu (84,4 điểm), trong khi Mỹ xếp thứ 18 (77,5) và Nam Sudan đứng thứ 167 (27,9). Ở châu Á, Hồng Công thứ 17 (78,4), Nhật Bản thứ 19 (77,3), Đài Loan thứ 20 (77,1), Hàn Quốc thứ 28 (73,4), Trung Quốc thứ 54 (61,5). Ở Đông Nam Á, Singapore xếp thứ 15 (79,5), Malaysia thứ 40 (67,5), Indonesia thứ 57 (61,1), Thái Lan thứ 64 (60,4), Lào thứ 115 (49.9) và Campuchia thứ 118 (48.5). Trong bảng xếp hạng này của Legatum Institute, Việt Nam chúng ta đứng thứ 73 với số điểm là 58,3.

Trong một năm diễn ra đại dịch Covid-19 tác động nghiêm trọng đến tình hình kinh tế thế giới, kết quả này cho thấy cả một quá trình nỗ lực không ngừng của Chính phủ và người dân nước ta trên con đường thực hiện mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng dân chủ văn minh”.

Thịnh vượng là giàu có. Nhưng giàu có không chỉ là về sự tăng trưởng kinh tế, về khối lượng của cải vật chất được làm ra và tiêu dùng. Như 9 hạng mục mà Legatum Institute đề ra để xếp hạng mức độ thịnh vượng của các nước thì các chỉ số về sự thanh bình, hạnh phúc của người dân cũng rất quan trọng. Chính các nhà kinh tế học đã đưa ra khái niệm “kinh tế hạnh phúc” (the economics of happiness) để nói rằng phúc lợi, hạnh phúc của người dân và của cả hành tinh còn quan trọng hơn sự tăng trưởng kinh tế, rằng chỉ số GDP là chưa đủ để đo mức độ thỏa mãn cuộc sống. Một nước thịnh vượng là phải biết cách vượt ra ngoài GDP (beyon GDP) để người dân không chỉ sống sung túc mà còn sống hạnh phúc. Hạnh phúc nuôi dưỡng cho thịnh vượng.

Nói cách khác, một đất nước muốn đạt được thịnh vượng ổn định bền lâu thì phát triển kinh tế phải đi đôi với phát triển văn hoá. Nếu trong cỗ xe vận hành đất nước, kinh tế là cái chân ga thì văn hoá là cái chân phanh để hãm đà kinh tế không vì mục tiêu phát triển mà bất chấp mọi thứ, đánh đổi mọi thứ.

Nước ta đã từng bước làm việc này nhưng phải nói thật là còn rất chật vật, trầy trật. Biểu đồ kinh tế có thể lên, nhưng biểu đồ văn hoá thì như đi xuống từ sinh thái tự nhiên đến sinh thái nhân văn. Đó là một thực trạng nhức nhối mà ta cần phải cải thiện để Việt Nam thực sự là một đất nước thịnh vượng đúng nghĩa đầy đủ của từ này, xưa cũng như nay.

Tin mới lên