Tiêu điểm

Đối diện thập kỷ mới: Bắt đầu từ con số không cả đấy

(VNF) - Hàng ngày, sáng đi làm, tôi thường theo con đường nối từ cầu Vĩnh Tuy qua Minh Khai sang Trường Chinh đến Ngã Tư Sở, rồi tới cơ quan. Con đường này, đoạn từ Ngã Tư Vọng đến Ngã Tư Sở đã có đường trên cao dành riêng cho xe ô tô, phía dưới đã rộng hơn, đẹp hơn, mướt mắt lắm. Đoạn từ Ngã Tư Vọng về Minh Khai, cầu Vĩnh Tuy thì đang vừa giải phóng mặt bằng vừa thi công. Con đường được làm nhanh đến chóng mặt. Ai làm vậy? Nhiều người trả lời là tư nhân làm. Một lần, tôi hỏi, thì một bác xe ôm trả lời chắc nịch: “Của ông Nhật Vượng chứ ai nữa. Có tiền làm cái gì chả được”.

Đối diện thập kỷ mới: Bắt đầu từ con số không cả đấy

“Có tiền làm cái gì chả được”, câu nói chắc như đinh đóng cột này có lúc được coi như là chân lý, cũng được nói về ông chủ Tập đoàn khách sạn tư nhân lớn nhất Việt Nam khi ông xây dựng tới gần 60 khách sạn 4, 5 sao rải khắp đất nước và sang cả Lào. Tập đoàn Mường Thanh có hơn 25.000 lao động. Giải quyết lương thưởng cho từng ấy con người là cả “núi tiền”. Vậy mà trong đại dịch Covid-19, ông chủ tập đoàn đã chỉ đạo: “Không giảm ai hết, đã đói no có nhau thì nay cũng ăn ở như vậy với người ta”.

Còn nhiều doanh nhân khác nữa mà tôi từng làm việc, từng gặp, từng chơi. Có khi chơi để mà chơi, có khi là đồng hương, cùng thời hàn vi, bây giờ lòng còn tử tế, nhớ nhau thì hàn huyên vui buồn. Thời làm phóng viên định viết bài phê phán, khi tìm hiểu thì thấy không phải vậy rồi cảm thông, thấu hiểu mà thành bạn bè thân lâu. Vì gần gũi thế, nên có điều tâm sự thật thế này, càng sống gần các ông chủ tư nhân, càng thấy họ khổ hơn mình nhiều. Bề ngoài thì họ nhiều tiền thật đấy. Nhưng bên trong thì nhiều chuyện cười ra nước mắt lắm. Tiền tỷ đấy nhưng bữa trưa kín đáo gặm chiếc bành mỳ nguội là thường. Khi giàu có, ai cũng bảo: “Có tiền mua tiên cũng được”. Nhưng để có những đồng tiền đầu tiên, các doanh nhân mà tôi biết, đều đi từ con số không cả.

Một doanh nhân trưởng thành từ nước Nga, bắt đầu từ gói mỳ tôm đến đầu tư cả nhà máy rồi đầu tư về nước. Có doanh nhân buôn bán chợ đen rồi làm xuất nhập khẩu tại Đông Âu, kiếm được tiền thì đầu tư về quê hương. Có doanh nhân đi lên từ nghề buôn bán sắt thép, xi măng đổi lấy vịt gà rồi trở thành chủ thầu xây dựng ở miền núi, phất lên nhờ trúng thầu vài công trình xây dựng của nước bạn Lào làm lưng vốn, tiến về Thủ đô cạnh tranh thành đại gia. Có người bắt đầu từ nghề phế liệu ở xứ Nghệ rồi tiến tới làm nông nghiệp sạch…

Có nằm mơ tôi cũng chẳng nghĩ có ngày mình được đi thăm những thành phố nằm sâu dưới đất của Times City, của Royal City và trên đất là những khu nhà chọc trời tiêu chuẩn châu Âu. Làm sao tưởng tượng một vùng đất khô cằn mênh mông của miền Tây Nghệ An nay bỗng thành vườn cỏ tươi tốt, của bạt ngàn hoa hướng dương với công nghệ nuôi bò sữa, chế biến sữa tươi sạch tiên tiến. Cũng khó tưởng tượng nổi ở một xã miền núi Diễn Lâm, nay bỗng mọc lên khách sạn 5 sao, sân golf với khu vườn thú sinh động như một thế giới thu nhỏ. Càng khó tưởng tượng những bờ biển Nha Trang với Vinpearl của Vingroup, Đà Nẵng của Sungroup, với Cam Ranh Riviera Beach Resort & Spa tại Khánh Hòa.

Để lại được những công trình như thế, nhiều doanh nhân đã phải trả bằng những trải nghiệm ghê gớm. Ông Lê Thanh Thản, giáp Tết năm Canh Tý đã cay đắng chết lặng khi chứng kiến cảnh đập phá Công viên nước của ông. Một khu liên hiệp thành đống sắt vụn ngổn ngang giống như một cuộc trả thù của xã hội đen hơn là cưỡng chế. Vậy mà ông vẫn cố nuốt hận để trở về liên hoan tất niên với hàng xóm láng giềng.

Giáp Tết Tân Sửu này, ông lại bị một quan chức thành phố trước khi về hưu 7 ngày đã ký đổi tên khu đô thị của ông. Quyết định cứ như trên trời rơi xuống. Tôi nhìn ông, vẫn thấy sự vững chãi như một nhà sư ngồi thiền. Sao không nhìn thấy một người đàn ông tuổi “xưa nay hiếm” biểu hiện ngậm đắng nuốt cay? Hẳn là ông vững chãi để hàng chục ngàn lao động tựa vịn chăng? Chỉ cần ông nghiêng ngả, không biết bao số phận Tết mùa Covid-19 thất bát này đi về đâu?

Một doanh nhân khác, trẻ hơn ông Thản, mà tôi biết, từng phải ngồi tù gần 5 năm trời vì suy đoán hơn là phạm luật. Nhưng ra tù, anh lại lao vào kinh doanh, chạy đua với thời gian, chạy tắt ngược chiều kim đồng hồ để đưa công ty lên tầm cao hơn. “Không nhắc lại chuyện cũ”, đó là phương châm của ông chủ này. Vì sao ư, vì phía trước còn nhiều cơ hội, phải nhanh chóng giành lấy không để rơi vào tay người nước ngoài. Đó là gì nếu không phải là sự tận hiến?

Còn biết bao nhiều ông chủ tư nhân khác, người bị ra tòa, người bị khởi tố, người bị thanh tra, người bị dư luận đánh cho tơi tả vì trò “hội đồng”, người bị đe dọa trong bóng tối, người bị khủng bố tinh thần man trá, có người đi kiện lại cơ quan quản lý ra tòa hành chính - một cuộc chiến không cân sức...

Cũng rất may, sau những lần như vậy, nhiều ông chủ tư nhân đã đứng dậy và đi tiếp con đường mà số phận đã đưa đẩy họ lựa chọn. Tôi không dám nhắc tới bao số phận doanh nhân khác có thể đã bị gục ngã đâu đó trên con đường kinh doanh đầy mồ hôi và nước mắt, có khi cả máu. Có thể họ đã sai, có thể cuộc sống đã bất công. Nhưng thôi, hãy coi những thất bại ấy đã lát đường vô danh cho những thành công của các doanh nhân khác trong đội ngũ làm giàu cho đất nước.

Quay lại câu chuyện bác xe ôm ở Hà Nội. Hẳn bác ấy là thành phần mà lâu nay bị mặc nhiên coi là không quan tâm tới thời cuộc cũng đã nói một cách tự tin rằng: “Tư nhân làm đấy. Không có họ… thì còn khướt”. Tôi không nghĩ là bác xe ôm nọ có thể đã xem Nghị quyết “về phát triển kinh tế tư nhân” với một định ngữ kèm theo “trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế ”. Bác có biết là Trung ương lấy số 10 cho nghị quyết ấy là có ý như Nghị quyết Khoán 10 về đổi mới nông nghiệp thành công vang dội một thời không?

Vậy thì mừng quá! Chỉ mong chủ trương đúng rổi, các vị quản lý trong thực tế hãy thương các ông chủ tư nhân hơn. Họ không có may mắn nào đâu. Họ bắt đầu từ con số không cả đấy. Họ làm giàu cho mình và làm giàu cho đất nước, giúp hàng triệu số phận dân mình. Lãnh đạo, các nhà bảo vệ pháp luật hãy đi bên cạnh họ, giúp họ tránh cái sai, đừng để họ vi phạm mà xử lý. Bởi như thế thì chúng ta sẽ chỉ dần mất đi những doanh nhân tài năng sẵn lòng cống hiến cho đất nước mà thôi.

Tin mới lên