Tiêu điểm

Đối diện thập kỷ mới: Cảm hứng xuân 2021 từ 'Bài ca mùa xuân 1961'

(VNF) - Năm 1960 là một cột mốc đáng nhớ trong lịch sử dân tộc. Đó là năm miền Bắc thật sự bắt tay vào xây dựng CNXH, thiên đường trong mơ ước của cả dân tộc sau chín năm kháng chiến chống thực dân Pháp, sau 5 năm khắc phục hậu quả chiến tranh. Đó là năm Chiến lược giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước đã được hoạch định một cách rõ ràng.

Đối diện thập kỷ mới: Cảm hứng xuân 2021 từ 'Bài ca mùa xuân 1961'

Cảm hứng xuân 2021 từ 'bài ca mùa xuân 1961'.

Lần đầu tiên, Đại hội của Đảng (Đại hội III) diễn ra giữa Thủ đô trong không khí phơi phới của tự do và hòa bình, đã đánh giá tình hình thời điểm đó như sau: “Chúng ta đang hoàn thành kế hoạch 3 nǎm cải tạo và phát triển kinh tế, phát triển vǎn hoá; Công cuộc cải tạo XHCN và xây dựng CNXH đang giành được những thắng lợi to lớn. Cuộc đấu tranh anh dũng của đồng bào miền Nam chống đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai, mặc dù bị khủng bố rất dã man, vẫn giữ vững và không ngừng mở rộng. Sự nghiệp đấu tranh của nhân dân cả nước ta nhằm thực hiện thống nhất nước nhà đang phát triển mạnh mẽ”.

Đại hội đã đề ra hai nhiệm vụ chiến lược: “Đẩy mạnh công cuộc xây dựng CNXH ở miền Bắc, củng cố miền Bắc thành cơ sở ngày càng vững chắc cho cuộc đấu tranh giành thống nhất Tổ quốc; Ra sức hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân trong cả nước, giải phóng miền Nam khỏi ách thống trị tàn bạo của đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai; Thực hiện thống nhất nước nhà trên cơ sở độc lập và dân chủ, xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”.

Là người sống trong thời kỳ đó, tôi cảm nhận được thế nào là “CNXH tươi hồng”. Một không khí phấn chấn tỏa lan khắp xã hội. Con người sống đến sự tận thiện. Mọi người ra khỏi nhà không cần khóa cửa, không ai nghĩ đến việc tơ hào của công, ai cũng nghĩ đến cần làm việc tốt, giúp đỡ người khác là một hạnh phúc. Sự kỳ diệu của CNXH, sức mạnh của chế độ mới được thể hiện bằng những con số đáng kinh ngạc. Kế hoạch 5 năm lần thứ nhất 1961-1965, thật ra chỉ thực hiện được đến năm 1964 thì cả nước bước vào chiến tranh, nhưng kết quả đạt được hết sức to lớn. Nền móng công nghiệp nặng được hình thành với khu gang thép Thái Nguyên, Thủy điện Thác Bà, Nhiệt điện Uông Bí, Cơ khí trung quy mô, Nhà máy Supe Photphat Lâm Thao... Công nghiệp nhẹ có Nhà máy Dệt 8-3, Khu công nghiệp Cao - Xà - Lá Thượng Đình và nhiều cơ sở khác. Giá trị sản lượng công nghiệp nặng năm 1965 tăng 3 lần so với 1960, công nghiệp quốc doanh chiếm tỷ trọng 93% tổng giá trị sản lượng. Công nghiệp nhẹ và thủ công nghiệp giải quyết 80% nhu cầu hàng tiêu dùng thiết yếu của nhân dân.

Nhờ thủy lợi, nhờ sản xuất hợp tác, lần đầu tiên, trên đồng ruộng Việt Nam, năng suất đạt 5 tấn, rồi 10, 11 tấn thóc/ha. Giá trị tổng sản lượng nông nghiệp tăng 4,1%/năm, đáp ứng đủ nhu cầu về lương thực, cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp và xuất khẩu. Gạo cung cấp Nhà nước bán cho cán bộ là 4 hào/kg thì gạo ở các chợ quê còn rẻ hơn và điều này đã không bao giờ còn lặp lại.

Tôi nghĩ rằng, các nhà chính trị, các nhà sử học, các nhà kinh tế học còn cần nghiên cứu nhiều về giai đoạn này để thấy rõ hơn tính ưu việt và sức mạnh của CNXH, về phương cách đánh thức tiềm năng, tiềm lực của đất nước.

Mừng xuân mới 1961, Bác Hồ đã viết: “Đường lên hạnh phúc rộng thênh thênh”. Trong sự tin tưởng, phấn chấn dạt dào ấy, trên đỉnh cao của tầm nhìn phát triển, nhà thơ Tố Hữu đã viết nên một khúc tráng ca, một bài hát trữ tình bất hủ thể hiện trọn vẹn không khí thời đại, tình cảm Bắc - Nam, nhiệm vụ cách mạng, sự phấn chấn của lòng người. Khúc tráng ca ấy mang tên: "Bài ca mùa xuân 1961".

...

Chào 61! Đỉnh cao muôn trượng

Ta đứng đây, mắt nhìn bốn hướng

Trông lại nghìn xưa, trông tới mai sau

Trông Bắc trông Nam, trông cả địa cầu!

...

Đời vui đó, hôm nay mở cửa

Như dãy hàng bách hoá của ta

Hỡi những người yêu, hãy ghé mua hoa

Và đến đó, sắm ít quà lễ cưới:

Lụa Nam Định đẹp tươi mát rượi

Lược Hàng Đào chải mái tóc xanh!

Ta còn nghèo, phố chật nhà gianh

Nhưng cũng đủ vài tranh treo Tết...

Đời vui đó, tiếng ca Đoàn kết

Ta nắm tay nhau xây lại đời ta

Ruộng lúa, đồng khoai, nương sắn, vườn cà

Chuồng lợn, bầy gà, đàn rau, ao cá

Dọn tí phân rơi, nhặt từng ngọn lá

Mỗi hòn than, mẩu sắt, cân ngô

Ta nâng niu gom góp dựng cơ đồ!

...

Đi ta đi! Khai phá rừng hoang

Hỏi núi non cao, đâu sắt đâu vàng?

Hỏi biển khơi xa, đâu luồng cá chạy?

Sông Đà, sông Lô, sông Hồng, sông Chảy

Hỏi đâu thác nhảy, cho điện quay chiều?

Hỡi những người trai, những cô gái yêu

Trên những đèo mây, những tầng núi đá

Hai bàn tay ta hãy làm tất cả!

Xuân đã đến rồi. Hối hả tương lai

Khói những nhà máy mới ban mai...

...

Chào 61, đỉnh cao muôn trượng

Bài thơ này được nghệ sĩ Châu Loan ngâm trên Đài Tiếng nói Việt Nam và đăng lần đầu trên báo Nhân Dân số Tết Tân Sửu, ngày 15/2/1961, sau đó được đưa vào tập “Gió lộng” (NXB Văn học, 1961) và sách giáo khoa.

Từ năm 1939 cho đến khi qua đời (2002), Tố Hữu viết hàng chục bài thơ xuân như “Ý xuân”, “Xuân đến”, “Xuân nhân loại”, “Trên miền Bắc mùa xuân”, “Bài ca mùa xuân 1961”, “Giữa ngày xuân”, “Tiếng hát sang xuân”, “Xuân sớm”, “Chào xuân 67”, “Bài ca xuân 68”, “Xuân 69”, “Bài ca xuân 71”, “Xtalingrat - Một ngày xuân”, “Với Đảng, mùa xuân”, “Một khúc ca xuân”... Nhưng hay nhất, theo tôi, là “Bài ca Mùa xuân 1961”. Từ bài thơ này, lứa học sinh chúng tôi bắt đầu thi nhau học thuộc thơ xuân Tố Hữu qua làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam.

***

Nhà Tố Hữu ở 76 Phan Đình Phùng, Hà Nội, góc giáp Nguyễn Biểu. Trước sân, phía bên trái có một cây táo rất cao.

Mở đầu bài thơ là một trực quan sinh động, từ sáng xuân nhìn chùm táo ngọt, đến những giọt sương long lanh, tác giả đã nói lên một dự cảm, dự báo về một tương lai ngọt ngào, tươi sáng: Cành táo đầu hè rung rinh quả ngọt/ Nắng soi sương giọt long lanh...

Bài thơ được viết bởi một nội lực phi thường, một niềm hân hoan tràn ngập. Nội lực ấy, sự hân hoan ấy của một con người - tác giả cũng chính là nội lực, sự hân hoan của thời đại. Bài thơ chất chồng cảm xúc, khoáng đạt về thi pháp, phong phú, linh hoạt về hình thức.

Nhà thơ Tố Hữu từng tâm sự: “Tôi làm thơ thường bị cuốn theo cảm xúc, câu trước hô gọi câu sau”. Bài thơ này thể hiện rõ phong cách ấy. Mạch thơ, tứ thơ đi từ nhìn đến nghĩ, hay nói cách khác là đi từ trực quan sinh động đến tư duy trừu tượng, từ “tôi” đến “ta” và ngược lại, từ mùa xuân đến người yêu, từ tình yêu đến Đảng, từ thiên nhiên đến cách mạng, từ thành quả cách mạng đến Đảng, Bác Hồ; từ hôm nay nhìn về tương lai đến quá khứ...

Tóm lại, nhất thể hóa, đồng hóa được hiện thực trong cảm xúc trào dâng mạnh mẽ vào một hệ thống hình ảnh, hình tượng kỳ vĩ, rộn rã tươi vui mang tính hiện thực và ước mơ về cái đẹp. Thể thơ phong phú, từ tự do chuyển qua lục bát một cách ngọt ngào. Có thể nói đây là bức tranh sống động, toàn bích về đất nước những năm đầu thập niên 60 và tâm hồn con người thời kỳ đầu CNXH ở nước ta.

Người Việt Nam luôn tha thiết tình yêu, trước hết là tình yêu gia đình, tình yêu đôi lứa. Người Việt Nam cách mạng không khác thế, mà lại còn đậm sâu hơn thế, bởi làm cách mạng để có tình yêu trong tự do chứ không phải để diệt vong tình yêu ấy. Cái tài tình, tài tình một cách tự nhiên của “Bài ca mùa xuân 1961” là sau dự báo, đến ngay những câu thơ tự nhiên và giàu năng lượng, cuốn hút say mê về tình yêu: Chào xuân đẹp! Có gì vui đấy/Hỡi em yêu? Mà má em đỏ dậy/ Như buổi đầu hò hẹn, say mê...

Tác giả viết tiếp: Mà nói vậy: “Trái tim anh đó/ Rất chân thật chia ba phần tươi đỏ:/Anh dành riêng cho Đảng phần nhiều/Phần cho thơ, và phần để em yêu”. Sau này, nhiều người chê sao nhà thơ lại “cơ học” đến thế, đi chia tim mình thành ba phần, mà lại không đều nhau. Riêng tôi thấy, suốt hai thế kỷ qua, thì đoạn thơ này là đoạn được nhiều người thuộc nhất và không ai băn khoăn một cách cơ học như trên. Bản thân tôi cũng cảm thụ một cách tự nhiên: Người Việt, nhất là nam nhi truyền thống, bao giờ cũng để nghĩa nước trên tình nhà, để sự nghiệp chung trên hạnh phúc riêng và đó là một kiểu hài hòa của người Việt yêu nước. Tôi cũng yêu hai câu thơ tiếp theo rất đẹp: Em xấu hổ: “Thế cũng nhiều anh nhỉ!”/ Rồi hai đứa hôn nhau, hai người đồng chí. “Đồng chí” xưa là một khái niệm thiêng liêng, cao đẹp, gần gụi với tình yêu. Hai người đồng chí càng làm đẹp lên, cao lên tình yêu!

Mạch thơ tiếp tục được triển khai từ bên trong đến bên ngoài, từ cái tôi đến cái ta. Cái vui của con người, của những đồng vàng tít tắp, làm vui say tiếng hót con chim chiền chiện, mùa xuân lòng người làm đẹp thêm mùa xuân đất trời. Rồi tác giả xác lập vị thế: Chào 61! Đỉnh cao muôn trượng/ Ta đứng đây, mắt nhìn bốn hướng/ Trông lại nghìn xưa, trông tới mai sau/ Trông Bắc, trông Nam, trông cả địa cầu!

Từ điểm nhìn cao, xa, rộng ấy, tác giả thấy gì? Trước hết là thế sống của con người, thế đứng của dân tộc. Đoạn thơ này như một châm ngôn:

Có gì đẹp trên đời hơn thế

Người yêu người sống để yêu nhau

Đảng cho ta trái tim giàu

Thẳng lưng mà bước, ngẩng đầu mà bay!

“Từ nhà ra ngõ”, những đoạn tiếp theo là tầng tầng lớp lớp những hình ảnh tươi vui, ríu rít, quấn quýt giữa cảnh và người: Lụa Nam Định đẹp tươi mát rượi/ Lược Hàng Đào chải mái tóc xanh!/ Ta còn nghèo, phố chật nhà gianh/ Nhưng cũng đủ vài tranh treo Tết... Đặc biệt là sự nở nang, lớn dậy của cuộc sống mới khi mà đất nước, tập thể gắn kết chặt chẽ mọi cá nhân được thể hiện tài tình qua hình ảnh người con gái tuổi trăng rằm: Quê hương ta rộn rã cuộc vui chung/ Người hợp tác nên lúa dày thêm đó/ Đường nở ngực. Những hàng dương liễu nhỏ/ Đã lên xanh như tóc tuổi mười lăm... Những con đường nở ngực, những con đường rộn rã xe qua, những cánh tay như đôi cánh bay lên… đã làm cho cuộc sống tưng bừng như ngày hội.

Chào 61, đỉnh cao muôn trượng, một cuộc sống xây dựng, cuộc sống tin tưởng, hồ hởi, nhiều thành tựu - đến nay vẫn là một đỉnh cao. Bài thơ cũng là một đỉnh cao của thơ Tố Hữu nói riêng, thơ ca Việt Nam hiện đại nói chung.

Tất cả dưới cờ, hát lên và bước!

Xuân 21 của thế kỷ 21, có nhiều điều khác, nhưng có một điều giống với Xuân 61 của thế kỷ 20: Đất nước đứng trước yêu cầu mới, cần dốc toàn lực để thực hiện khát vọng thiêng liêng: Đưa nước ta phát triển thành một quốc gia phồn vinh, đem lại cho mỗi người một cuộc sống thật sự tự do, hạnh phúc như định hướng của Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.

Đọc lại “Bài ca Mùa xuân 1961”, ta tìm được cho mình những câu trả lời. Đó là thức dậy những tài nguyên, đặc biệt là tài nguyên con người, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh toàn dân là một:

Đi ta đi! Khai phá rừng hoang

Hỏi núi non cao, đâu sắt đâu vàng?

Hỏi biển khơi xa, đâu luồng cá chạy?

Sông Đà, sông Lô, sông Hồng, sông Chảy

Hỏi đâu thác nhảy, cho điện quay chiều…

Với một niềm tin vừa được củng cố, biến thành một niềm tin tuyệt đối như thời những năm 60, sẽ tạo thành một khí thế mới, sức mạnh mới. Mùa xuân này, tất cả dưới cờ, hát lên và bước!

Thơ Tố Hữu vẫn cùng ta đi lên trong cuộc sống mới. Gửi gắm của nhà thơ

Cho

Con người

Sung sướng

Tự do!

Phải là hành động của hôm nay, bắt đầu từ mùa xuân 21!

Tin mới lên