Diễn đàn VNF

Đối diện thập kỷ mới: Tâm thế và sức mạnh của những người vượt bão

(VNF) - Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, đã nghĩ rất lâu, trước khi bắt đầu chia sẻ về một năm vô tiền khoáng hậu với giới kinh doanh. "Tôi tin là giới doanh nghiệp Việt Nam sẽ có hình hài, tâm thế mới, sau khi cơn bão Covid-19 qua đi, sự hậu thuẫn quan trọng nhất vẫn là thể chế", ông Lộc nói.

Đối diện thập kỷ mới: Tâm thế và sức mạnh của những người vượt bão

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI

Những con người vượt lên bão tố

- Thưa ông, cơn bão nào cũng phải qua đi, nên dù chưa thể nói gì về thời điểm Covid-19 chấm dứt, nhưng một năm mới vẫn sẽ đến. Ông muốn chia sẻ gì với giới doanh nhân vào lúc này?

Ông Vũ Tiến Lộc: Tôi tin sẽ có một thế hệ doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam mới. Tôi đang nhìn thấy sức mạnh vượt lên đại dịch của nhiều doanh nghiệp, doanh nhân, thay vì chỉ tồn tại và vượt qua.

Còn nhớ, khi Covid-19 xuất hiện vào tháng 2/2020, mọi người đều lúng túng, lo lắng, bất an. Nhưng hiện giờ, dù chưa thể dự báo về hậu Covid-19, thì phản ứng của doanh nghiệp đã khác. Một trạng thái mới đã được thiết lập. Các kế hoạch kinh doanh được xây dựng linh hoạt, quản trị rủi ro được ưu tiên, sức chống chịu trước các bất định tăng lên...

Việc nền kinh tế duy trì tăng trưởng dương trong tâm thế vững vàng có thể là minh chứng cho sự chuyển trạng thái này của các doanh nghiệp Việt Nam. Đây cũng là một cơ sở để các tổ chức quốc tế dự báo về tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2021 đều quanh mức 6-7%.

- Khi dự báo về kinh tế Việt Nam năm 2021, Ngân hàng Thế giới (WB) đã đưa ra nhận định rằng, Việt Nam có cơ hội để đi trên con đường phát triển nhanh hơn, thông minh hơn và đảm bảo bao trùm hơn, tăng cường khả năng chống chịu trước các cú sốc trong tương lai. Tuy nhiên, WB cũng cho rằng, Việt Nam đang đứng trước ngã rẽ, cần phải chọn lựa... Ông nghĩ thế nào?

Tôi chia sẻ quan điểm này. Covid-19 như một cảnh báo về sự phát triển bền vững, về khả năng thích nghi, chống chịu của con người, của các nền kinh tế, của doanh nghiệp.

Cảnh báo theo hai ý.

Một là, nếu con người không thay đổi cách sống, cách ứng xử với thế giới, Covid-19 chỉ là điểm khởi đầu của chuỗi biến đổi khó khăn mà nhân loại sẽ phải đối mặt trong thập niên tới đây. Có thể đó là sự mất cân bằng sinh thái, cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan, thiên tai, dịch bệnh... Có thể còn có những điều mà chúng ta chưa thể hình dung được, với những thiệt hại khủng khiếp hơn rất nhiều so với hiện nay.

Hai là, con đường phát triển thông minh hơn, bền vững hơn, xanh hơn, có khả năng thích nghi và chống chịu trở với doanh nghiệp là một sự tất yếu, chứ không còn là một lựa chọn nữa như những năm trước.

Hội đồng doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững thế giới (WBCSD) trong một báo cáo mới đây đã định nghĩa “khả năng chống chịu” của doanh nghiệp là khả năng dự báo, chuẩn bị cho những thay đổi, thích nghi với các hoàn cảnh theo cách mà doanh nghiệp có thể tối đa hóa các cơ hội phát triển trong dài hạn.

Như vậy, khả năng chống chịu không còn chỉ giới hạn trong phạm vi của sự khắc phục thiệt hại, mà cần được doanh nghiệp nhìn nhận dưới góc nhìn hoàn toàn mới còn bao gồm là khả năng bứt phá, vượt lên sau khủng hoảng.

Và chúng ta hiểu rằng, đằng sau mỗi cơn bão tố chúng ta không chỉ chứng kiến được sức mạnh của con người vượt qua bão tố, mà còn có cả tâm thế và sức mạnh của con người đứng lên từ đổ nát, định hình lại tương lai bền vững hơn, tươi đẹp hơn khi con bão đã đi qua.

Giấc mơ... Thánh Gióng

- Albert Einstein từng nói “Cơ hội lớn luôn nằm đâu đó trong mỗi cuộc khủng hoảng”. Bất kỳ quốc gia hay nền kinh tế hay bất kỳ doanh nghiệp nào cũng muốn nhận diện được cơ hội trong thách thức, nhưng không dễ để nắm bắt được cơ hội đang ở đâu đó, thưa ông?

Trước Covid-19, chúng ta hay nói về doanh nghiệp, tập đoàn, những đế chế hàng trăm năm phát triển với nhiều băn khoăn, thậm chí tự ti. Vì nếu tuần tự phát triển như truyền thống, chúng ta phải mất cả trăm năm nữa mới có được những doanh nghiệp như vậy. Ngay cả cách phát triển được cho là nhanh nhất là tham gia vào đàn sếu lớn, đi cùng với những người khổng lồ, thì cũng phải mất nhiều thời gian nữa chúng ta mới có được sếu đầu đàn...

Nhưng giờ mọi sự hình dung đã thay đổi. Việt Nam đã có những tỷ phú USD, có doanh nghiệp unicon (doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trị giá tỷ USD), dù ít ỏi. Các doanh nghiệp Việt đang bứt phá rất nhanh bằng công nghệ, internet và bằng tư duy khác biệt, đổi mới, sáng tạo.

Có thể nói, việc nắm bắt cơ hội là của doanh nghiệp, là năng lực của mỗi doanh nghiệp, doanh nhân. Doanh nghiệp Việt Nam không thua kém các doanh nghiệp khác về việc này. Cứ mỗi lần thị trường mở ra là một lần doanh nghiệp Việt ghi điểm.

20 năm trước, năm 2001, ngay khi Hiệp định thương mại Việt Nam Hoa Kỳ (BTA) có hiệu lực, tốc độ tăng trưởng kim ngạch thương mại hai chiều tăng tới 20%/năm, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu được hàng sang Mỹ, điều mà trước đó từng là không tưởng.

Mới đây nhất, sau khi EVFTA có hiệu lực vào tháng 8/2020, dù Covid-19 vẫn hoành hành, các đơn hàng sang châu Âu với mức thuế ưu đãi tăng nhanh, đặc biệt là nông sản, thủy sản...

Hay như khi Covid-19 xuất hiện, đẩy học sinh ra khỏi lớp học, đưa lên mạng, các hệ thống học tập online phát triển rất mạnh... Tương tự, thương mại điện tử, khám chữa bệnh từ xa cũng đang phát triển mạnh mẽ...

Còn nhớ, khi Việt Nam gia nhập WTO vào năm 2007, ông đã từng mơ về sự lớn nhanh như thổi của doanh nghiệp Việt Nam, như Thánh Gióng...

Giờ chúng ta có thể nói về thánh gióng - với hàm nghĩa lớn nhanh trong 3 ngày mà không sợ... chân đất sét. Nhưng thực tâm tôi vẫn lấn cấn nhiều khi nói về điều này. Thánh Gióng lớn nhanh như thổi nhờ sự chăm sóc, dồn sức của cả dân làng. Có thể coi đó là môi trường thuận lợi, thúc đẩy hết năng lực vốn có trong từng người.

Còn những doanh nhân thành công ở Việt Nam thực sự là những người dũng cảm. Họ không chỉ phải vượt qua nhiều thử thách từ thị trường, từ đối tác, khẳng định năng lực cạnh tranh ở sản phẩm, dịch vụ, giá cả... mà còn phải vượt lên cả những khấp khểnh của môi trường kinh doanh đang trong quá trình hoàn thiện.

Nếu môi trường kinh doanh thực sự rõ ràng, minh bạch, doanh nghiệp sẽ lớn mạnh nhờ tuân theo những chuẩn mực tương ứng. Ngược lại, nếu còn cơ chế xin - cho, còn chạy chọt, tù mù thì sẽ có những doanh nghiệp lớn nhưng lệch chuẩn.

Tất nhiên, việc chọn chuẩn nào để tuân theo là trách nhiệm của doanh nghiệp. Cũng trong môi trường kinh doanh như nhau, nhiều doanh nghiệp vẫn kiên quyết đi theo chuẩn mực của thị trường, dù đi chậm.

Câu nói thể chế nào, doanh nhân, doanh nghiệp đó rất đúng. Vai trò của Nhà nước trong lúc này là thúc đẩy doanh nghiệp, doanh nhân đi theo các chuẩn mực của thị trường, của thông lệ tốt.

Các nghị quyết 02 được Chính phủ ban hành hàng năm để cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia đang đi theo hướng này. Áp lực thay đổi rất lớn được đặt lên các bộ, ngành, địa phương, bắt đầu từ cắt giảm các điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính không phù hợp đến việc cắt bỏ toàn bộ các quy định làm khó khăn cho hoạt động của doanh nghiệp.

Bài học từ sự tận tâm của Hồ Chủ tịch

- Trong một lần chia sẻ về doanh nghiệp nhiều năm trước, ông có nói đại ý rằng, để biết doanh nhân thành hay bại, chỉ cần nhìn vào thái độ của Nhà nước, ứng xử của công chức?

Sẽ vẫn là như vậy.

Với người dân, doanh nhân Nhà nước, Chính phủ chính là các công chức trực tiếp làm việc với họ. Nếu từng công chức chưa thay đổi, thì những cam kết, quyết tâm của Thủ tướng Chính phủ về cải cách thể chế, về cải thiện môi trường kinh doanh dù hay thế nào cũng không có ý nghĩa.

Có doanh nhân đã nói với tôi một câu đáng phải suy nghĩ rằng, họ mong thấy được công chức nhà nước không chỉ là làm hết trách nhiệm, mà tận tâm vì tình yêu với đất nước, với sự phát triển của đất nước.

Tôi rất muốn nhắc đến hai chữ tận tâm mà Hồ Chủ tịch đã viết cho giới doanh nhân cách đây 75 năm, vào ngày 13/10/1945. Bác viết: “Trong khi các giới khác trong quốc dân ra sức hoạt động để giành lấy nền hoàn toàn độc lập của nước nhà thì giới công - thương phải hoạt động để xây dựng nền kinh tế và tài chính vững vàng và thịnh vượng...

Việc nước việc nhà bao giờ cũng đi liền với nhau. Nền kinh tế quốc dân thịnh vượng nghĩa là các sự kinh doanh của các nhà công nghiệp, thương nghiệp thịnh vượng. Chính phủ nhân dân và tôi sẽ tận tâm giúp giới Công thương trong công cuộc kiến thiết này.

Đây là quan điểm rất hiện đại về quản trị quốc gia của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Theo đó, Nhà nước đóng vai trò giúp đỡ và kiến tạo. Còn giới công thương mới là lực lượng chủ thể làm nên nền kinh tế, tài chính vững vàng và thịnh vượng của quốc gia.

Chính tư duy này đã thu hút giới công thương, các trí thức khi đó đi theo cách mạng, tận tâm cống hiến cho cách mạng, cho đất nước những ngày đầu vô cùng khó khăn.

- Ông thường hay nhắc đến bức thư của Bác gửi giới công thương mỗi khi nói về doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam?

Tôi tìm đọc nhiều tư liệu về Bác và thấy ra nhiều điều chúng ta cần phải học ở Người.

Với tôi, bức thư chưa đầy 200 chữ của Người đã trở thành văn kiện đầu tiên của Đảng và Nhà nước ta về vai trò, sứ mệnh của đội ngũ doanh nhân và trách nhiệm của Chính phủ nhân dân.

Hay như quan điểm về nhà nước kiến tạo cũng được Bác nhắc lại trong nhiều hoàn cảnh khác nhau. Trong một phát biểu sau này, Bác bảo: “không phải Chính phủ xuất tiền ra để làm (kinh doanh) Chính phủ chỉ giúp khuyến khích và cổ động”. Bác khẳng định Chính phủ đóng vai trò tạo môi trường, làm chính sách, làm thế chế còn sự nghiệp kinh tế là sự nghiệp cách mạng của toàn dân.

Tôi đặc biệt tâm đắc khi đọc những tư liệu bác nói về bệnh hành chính quan liêu. Bác bảo: “Số người làm việc giấy tờ và những việc linh tinh ở một số cơ quan trong bộ máy nhà nước còn quá nhiều” và “ở một số cơ quan còn quá nhiều cửa ải !”.

Người còn nói: “Thật ra, cái làm vướng chân họ nhất lại chính là tư tưởng bảo thủ, rụt rè của họ. Cho nên, muốn tiến nhanh, thì trước hết phải phát quang những dây ràng buộc ấy”.

Hiểu một cách sâu xa, đó chính là những quan điểm chỉ đạo công cuộc cải cách thể chế và thủ tục hành chính, vẫn đang còn nóng hổi cho đến ngày hôm nay.

Doanh nghiệp sẽ không thể lớn lên, không thể đổi mới, sáng tạo với cách thức tư duy cũ, hành vi theo thói quen của đa phần công chức nhà nước. Thậm chí, sự thành bại của doanh nghiệp trong cuộc hội nhập với thế giới được quyết định không chỉ bởi khung khổ pháp luật, định hướng hay chính sách vĩ mô từ tầm Chính phủ, mà còn được quyết định bởi những hành vi công vụ hàng ngày từ cấp xã, phường...

Tin mới lên