Tài chính quốc tế

Đối mặt án tù 30 năm vì dùng tiền cứu trợ Covid-19 chơi chứng khoán, tậu ô tô

(VNF) - Một doanh nhân Mỹ đối mặt với án tù lên đến 30 năm do bị cáo buộc gian lận, dùng tiền cứu trợ Covid-19 để đầu tư chứng khoán và mua ô tô.

Ông Fahad Shah đã dùng tiền cứu trợ để mua một chiếc Tesla mới trị giá 60.000 USD. (Ảnh minh họa)

Theo thông báo được đăng tải ngày 23/6 trên website của Bộ Tư pháp Mỹ, ông Fahad Shah, chủ một doanh nghiệp tổ chức tiệc cưới ở Murphy (bang Texas), đã kê khai gian lận trong đơn đăng ký nhận khoản vay cứu trợ từ Chương trình bảo vệ tiền lương (PPP) của chính phủ liên bang.

PPP là một phần dự luật kích thích kinh tế trị giá 2.000 tỷ USD mà Quốc hội Mỹ đã thông qua hồi tháng 3 nhằm đưa nền kinh tế lớn nhất thế giới vượt qua những ảnh hưởng tiêu cực nhất của dịch Covid-19.

Theo hướng dẫn ban đầu từ Bộ Tài chính Mỹ, các doanh nghiệp nộp đơn xin các khoản vay PPP phải chứng minh rằng "sự bất ổn kinh tế hiện nay khiến cho khoản vay trở nên cần thiết để hỗ trợ cho những hoạt động hiện tại”.

Trong bản khai, ông Shah cho biết công ty của ông, Weddings by Farrah, cần các khoản vay để hỗ trợ trả lương cho 126 nhân viên.

Yêu cầu của ông đã được thông qua sau đó và ông đã được chấp thuận vay hơn 1,5 triệu USD vào tháng 5.

Tuy nhiên, theo một bản cáo trạng ngày 22/6, 126 nhân viên trong bản khai của ông Shah là khai khống bởi công ty Weddings by Farrah của ông này đã không hoạt động kể từ năm 2018, khi nó bị đóng cửa vì không nộp thuế.

Theo điều tra, vị doanh nhân này đã dùng số tiền 1,5 triệu USD để chi tiêu cho các nhu cầu cá nhân như chuyển hơn 500.000 USD vào tài khoản của nền tảng đầu tư chứng khoán E-Trade. Ông cũng mua một chiếc Tesla mới trị giá 60.000 USD.

Shah đã bị bắt hôm 22/6 với 3 cáo buộc gồm gian lận, giao dịch tội phạm và khai báo gian dối với ngân hàng.

Theo Bộ Tư pháp Mỹ, Shah sẽ bị xét xử ở Quận Đông Texas và có thể đối mặt với án tù lên đến 30 năm nếu bị kết án.

Được biết, Shah là người thứ ba bị buộc tội gian lận liên quan đến các khoản vay theo diện PPP ở Quận Đông Texas trong năm nay.

Việc hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ vay vốn theo chương trình PPP được đánh giá là một trong số những sáng kiến có ý nghĩa của chính phủ Mỹ nhằm hỗ trợ nền kinh tế trước tác động của dịch Covid-19.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin và người đứng đầu Hiệp hội Kinh doanh nhỏ (SBA) Jovita Carranza hồi giữa tháng 4 cho hay chương trình PPP đang “giữ lại” hàng triệu việc làm cho người lao động Mỹ và giúp các doanh nghiệp nhỏ có thể vượt qua giai đoạn khó khăn hiện nay.

Theo Liên đoàn Kinh doanh Độc lập Quốc gia Mỹ, có đến 80% số 685 chủ doanh nghiệp nhỏ được khảo sát đã nộp hồ sơ xin viện trợ theo chương trình PPP và 90% trong số doanh nghiệp này đã nhận được viện trợ.

Tuy nhiên, Bộ Tư pháp Mỹ thời gian gần đây đã bắt đầu trấn áp các doanh nghiệp được cho là lừa gạt chính phủ để lấy tiền theo diện PPP.

Một quan chức cấp cao của Bộ Tư pháp Mỹ nhận định, khả năng gian lận trong các gói giải cứu liên quan tới dịch Covid-19 là rất cao.

Cơ quan hình sự của Bộ Tư pháp Mỹ hiện đang có kế hoạch rà soát chặt chẽ PPP bằng cách sử dụng các kỹ thuật phân tích dữ liệu tương tự như các kỹ thuật được sử dụng để phát hiện gian lận bảo hiểm y tế.

Xem thêm >> Bầu cử Mỹ 2020: Hàng chục cựu quan chức đảng Cộng hòa ủng hộ đối thủ của ông Trump

Tin mới lên