Tài chính quốc tế

Đối mặt với cơn giận của người Trung Quốc, H&M ‘xuống nước’

(VNF) - Sau khi vấp phải làn sóng tẩy chay dữ dội của người tiêu dùng Trung Quốc, thương hiệu thời trang Thụy Điển H&M đã có động thái “xuống nước” nhằm xoa dịu tình hình.

Đối mặt với cơn giận của người Trung Quốc, H&M ‘xuống nước’

Đối mặt với cơn giận của người Trung Quốc, H&M ‘xuống nước’.

Trong tuyên bố đăng trên website ngày 31/3, H&M khẳng định: “Trung Quốc là một thị trường rất quan trọng đối với chúng tôi và cam kết lâu dài của chúng tôi đối với đất nước này vẫn rất mạnh mẽ".

Cũng trong tuyên bố, H&M khẳng định đang "nỗ lực hết sức để lấy lại niềm tin của khách hàng, đồng nghiệp và đối tác kinh doanh ở Trung Quốc".

Đặc biệt, tuyên bố không hề đề cập tới vấn đề bông Tân Cương, vốn là căn nguyên dẫn tới làn sóng tẩy chay H&M tại Trung Quốc.

Tuyên bố được H&M đưa ra trong bối cảnh hãng này và nhiều thương hiệu thời trang lớn khác của phương Tây bị người tiêu dùng Trung Quốc kêu gọi tẩy chay vì những bình luận về nguồn cung cấp bông của họ ở Tân Cương.

Người dùng mạng xã hội Trung Quốc tuần trước đã bắt đầu lan truyền một tuyên bố vào năm 2020 của H&M, thông báo rằng họ sẽ không dùng bông từ Tân Cương nữa.

Vào thời điểm đó, H&M cho biết quyết định này là do những khó khăn trong việc tiến hành thẩm định chất lượng, cũng như các lo ngại từ báo cáo của truyền thông và các nhóm nhân quyền đưa tin về việc sử dụng lao động cưỡng bức ở Tân Cương - một cáo buộc mà Bắc Kinh đã nhiều lần phủ nhận.

Tối 24/3, đài truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) và nhiều cơ quan truyền thông khác đã đăng tải bài viết phản đối hãng thời trang H&M.

Cùng ngày, hàng loạt sàn thương mại điện tử lớn của Trung Quốc như Taobao, JD, Tmall, Pinduoduo, Jingdong đã gỡ các kết quả tìm kiếm về H&M và gỡ các sản phẩm của thương hiệu này khỏi trang web bán hàng.

Sau đó, nhiều cửa hàng thời trang H&M ở Trung Quốc đã bị chủ cho thuê mặt bằng yêu cầu phải đóng cửa, hàng loạt biển quảng cáo bị gỡ bỏ.

Trong khi đó, các tìm kiếm về H&M trên bản đồ di động Baidu và ứng dụng chia sẻ xe của Didi Chuxing đều hiển thị trang trống. Điều này khiến cho người tiêu dùng khó khăn khi tìm kiếm địa chỉ của các cửa hàng bán lẻ này.

Phát biểu trong cuộc họp báo ngày 28/2, một người phát ngôn của chính quyền Khu tự trị Tân Cương (Trung Quốc) yêu cầu “H&M nên xem xét vấn đề Tân Cương của Trung Quốc một cách nghiêm túc, và không nên đưa chính trị vào các hoạt động thương mại của mình”.

Người này cho biết các công ty không nên chính trị hóa các hoạt động kinh tế của mình và “H&M sẽ không thể kiếm tiền ở thị trường Trung Quốc nữa”.

Tính đến ngày 30/11, H&M đã có 505 cửa hàng trên khắp Trung Quốc, chiếm 5,2% tổng doanh thu ròng của hãng. Trung Quốc là thị trường lớn thứ 4 của hãng bán lẻ thời trang Thụy Điển, sau Đức, Mỹ và Anh.

Xem thêm >> Chất vấn chương trình vaccine của chính phủ, tỷ phú Thái Lan bị buộc tội khi quân

Tin mới lên