Thị trường

'Đổi mới sáng tạo là yêu cầu bắt buộc đối với ngành logistics'

(VNF) - Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) Nguyễn Tương nhấn mạnh nếu không đổi mới sáng tạo trong ngành logistics thì với tình hình dịch Covid-19 như hiện nay, sẽ không thể đưa được hàng hóa qua biên giới.

'Đổi mới sáng tạo là yêu cầu bắt buộc đối với ngành logistics'

Đổi mới sáng tạo trong logistics có vai trò quan trọng thế nào đối với doannh nghiệp Việt?

Tại cuộc hội thảo đổi mới sáng tạo trong logistics để nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt, ông Nguyễn Tương, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA), nhấn mạnh: “Đổi mới sáng tạo hiện nay là yêu cầu bắt buộc đối với ngành dịch vụ logistics. Logistics là một ngành mang tính quốc tế cao, nếu không đổi mới sáng tạo nhất là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 thì không thể nào cung cấp dịch vụ qua biên giới”.

Phó Tổng Thư ký Hiệp hội VLA cho biết ngành dịch vụ logistics hiện nay có 17 loại hình dịch vụ khác nhau, trong đó vận tải, kho bãi, giao nhận vận tải, khai báo hải quan là các ngành dịch vụ chủ yếu.

“Hiện nay có hơn 4.000 doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics và chủ yếu là các doanh nghiệp quốc tế. Chính vì vậy việc đổi mới sáng tạo là vô cùng cần thiết”, ông Tương nói.

Theo ông Tương, trong Dự thảo Nghị quyết Đại hội XIII về phát triển kinh tế vẫn lấy 3 trụ cột quan trọng, đó là: thể chế, phát triển kết cấu hạ tầng và phát triển nguồn nhân lực con người. Ba trụ cột quan trọng này sẽ quyết định đến sự phát triển của Việt Nam nói chung và ngành dịch vụ logictics nói riêng.

"Thể chế hiện nay đã quá rõ ràng bởi đã được quy định tại các điều khoản và các luật lệ cũng đã được ban hành. Trong khi đó, kết cấu hạ tầng hiện nay vẫn còn nhiều bất cập. Ví dụ như muốn phát triển vận chuyển bằng đường bộ thì phải có đường cao tốc, hay muốn phát triển đường sông thì cần phải có các bến cảng, tàu thuyền vận chuyển.

Trong 3 vấn đề nêu trên thì vấn đề về con người là yếu tố mang tính quyết định và quan trọng nhất. Bởi nguồn nhân lực cần phải có chuyên môn, phải nắm rõ về ngành của mình, phải có trình độ nghiệp vụ và đặc biệt là thông thạo ngoại ngữ tiếng anh", ông nói.

Cũng tại buổi hội thảo, về phía doanh nghiệp, ông Dương Quốc Anh, trưởng chi nhánh miền Bắc DHL Supply Chain Vietnam cho biết muốn doanh nghiệp phát triển trước sự cạnh tranh khốc liệt như hiện này thì việc đầu tiên là áp dụng công nghệ vào quản trị và phần mềm.

“Nếu trước kia chúng tôi dùng một hệ thống kế toán và một hệ thống quản lý vận hành, thì hiện nay các hệ thống này đã hợp nhất với nhau. Bất kỳ cuộc họp nào đều dựa vào số liệu online trên hệ thống, từ đó tiết kiệm được thời gian trong việc báo cáo. Những thay đổi đó đã thay đổi tốc độ và tiết kiệm được rất nhiều chi phí vận hành của doanh nghiệp chúng tôi và từ đó nâng cao được năng lực cạnh tranh", ông Dương Quốc Anh nói.

Trước đó, tại Diễn đàn logistics Việt Nam 2020, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết ngành logistics Việt Nam vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Đặc biệt là chi phí dịch vụ logistics ở nước ta còn khá cao, làm tăng giá thành, giảm sức cạnh tranh của hàng hoá Việt Nam nói riêng, sức cạnh tranh của cả nền kinh tế Việt Nam nói chung.

Nguyên nhân cơ bản là do công tác quy hoạch giữa các ngành, lĩnh vực vẫn còn chưa có sự kết nối chặt chẽ với nhau; cơ sở hạ tầng giao thông, thương mại, công nghệ thông tin còn hạn chế, việc kết nối với các nước trong khu vực còn chậm; sự kết hợp giữa thương mại điện tử và logistic chưa thực sự hiệu quả.

Bên cạnh đó, năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics ở Việt Nam còn chưa cao so với các nước trong khu vực và thế giới. Việt Nam chưa có các doanh nghiệp lớn, cung ứng đồng bộ các dịch vụ logistics; nguồn nhân lực cho hoạt động logistics còn chưa đáp ứng được yêu cầu.

Năm 2021, Chính phủ đặt ra mục tiêu tăng trưởng của các ngành dịch vụ logistics đạt 15-20%/năm, chiếm tỷ trọng 8-10% GDP; tỷ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics đạt 50-60%; chi phí logistics giảm xuống tương đương 16-20% GDP.

Để làm được điều này, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết Chính phủ đã đề ra những yêu cầu rất cụ thể đổi với ngành dịch vụ logistics quan trọng này, trong đó có yêu cầu phải giảm chi phí logistics để nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh của hàng hoá và nền kinh tế.

Chi phí logistics tại Việt Nam đang quá đắt đỏ, cụ thể trong chi phí logistics, chi phí vận tải quá cao, tương đương 30-40% giá thành sản phẩm, trong khi tỷ lệ này chỉ khoảng 15% ở các quốc gia khác. Điều này làm giảm đáng kể khả năng cạnh tranh hàng hóa của các doanh nghiệp Việt Nam.

Logistics đã từng là vấn đề sống còn trong thời chiến và hiện nay cũng là vấn đề cốt lõi của hoạt động kinh tế trong thời bình. Logistics có ở quanh chúng ta, từ việc giao nhận đồ ăn trên các ứng dụng di động của cá nhân cho đến những chuyến hàng vận chuyển ngày đêm dọc chiều dài đất nước của doanh nghiệp. Logistics giống như “những chiếc bánh xe” của “cỗ xe” nền kinh tế đang vận hành không ngừng nghỉ. Không nền kinh tế nào có thể chuyển mình về phía trước nếu thiếu đi lực đẩy từ hoạt động logistics.

Ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam

Xem thêm: Thủ tướng khởi động mạng lưới logistics thông minh ASEAN với dự án ‘Trung tâm logistics ICD Vĩnh Phúc’

Tin mới lên