Tài chính tiêu dùng

Đổi thẻ từ sang thẻ chip: Cần sự hợp tác từ khách hàng

Ông Nguyễn Đình Tùng - Tổng giám đốc OCB khẳng định, việc chuyển đổi thẻ đối với ngân hàng không gặp khó khăn, điều quan trọng nhất là sự hợp tác từ phía khách hàng để thực hiện chuyển đổi...

Đổi thẻ từ sang thẻ chip: Cần sự hợp tác từ khách hàng

Cần nỗ lực lớn hơn để hoàn thành mục tiêu đổi thẻ từ sang thẻ chip đã đề ra

Tiện lợi đủ đường

Theo lộ trình chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip được quy định tại Thông tư 41/2018/TT-NHNN, đến thời hạn 31/12/2021, 100% thiết bị chấp nhận thẻ (ATM/POS) đang hoạt động tại Việt Nam và 100% thẻ thanh toán đang lưu hành phải tuân thủ bộ tiêu chuẩn cơ sở về thẻ chip nội địa do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành.

Theo TS. Châu Đình Linh - chuyên gia ngân hàng, việc chuyển đổi từ thẻ từ sang thẻ chip đem đến “lợi đơn, lợi kép” cho cả phía cơ quan quản lý là NHNN, các ngân hàng thương mại (NHTM) và chính khách hàng. Dưới góc độ vĩ mô, NHNN đang hướng tới lợi ích chung của người sử dụng và an ninh, an toàn của hệ thống ngân hàng, bên cạnh đó là chủ trương thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt (TTKDTM) theo mục tiêu của Chính phủ đề ra.

Dưới góc độ của NHTM, thẻ từ ẩn chứa nhiều rủi ro dễ làm giả, dễ bị đánh cắp. Trong khi sử dụng thẻ chip công nghệ hiện đại đảm bảo bảo mật, an toàn tài khoản và thông tin tài khoản cho khách hàng. Điều này rất quan trọng vì vốn dĩ ngân hàng kinh doanh dựa trên uy tín. Việc bảo vệ được an toàn của dữ liệu sẽ tạo ra uy tín thương hiệu cho ngân hàng. Bên cạnh đó, thẻ chip còn cho phép tích hợp nhiều dịch vụ như thanh toán không chạm, hoàn tiền, tích luỹ điểm… - những điều này thẻ từ không làm được vì khả năng lưu trữ rất ít. Qua đó đa dạng các dịch vụ, đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của khách hàng.

“Triển khai hiệu quả chính sách trên tác động gián tiếp về lợi nhuận, doanh thu và thương hiệu ngân hàng. Nếu không làm được thì ngân hàng sẽ chậm chân hơn so với những ngân hàng khác, giảm sức cạnh tranh. Chính vì vậy, NHTM cần nỗ lực để thực hiện mục tiêu chuyển đổi này”, vị chuyên gia nhận định.

Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Thanh toán NHNN Lê Anh Dũng cũng cho rằng, việc chuyển đổi từ thẻ từ sang thẻ chip là yêu cầu phù hợp với thực tiễn tại Việt Nam. Bởi lẽ, vấn đề rủi ro, mất an toàn dần nổi lên từ thẻ từ như việc các đối tượng nước ngoài tận dụng công nghệ thẻ từ cũ đã hoạt động hành vi phạm tội. Nếu không sớm chuyển đổi, Việt Nam có thể trở thành vùng trũng của tội phạm công nghệ.

“Thêm vào đó, thẻ chip còn cho phép kết nối với nước ngoài theo một chuẩn chung, tích hợp nhiều ứng dụng để mở ra không gian phát triển mới cho lĩnh vực thanh toán thẻ. Nhìn chung, thẻ chip mang lại lợi ích cho cả người dùng, cho tổ chức phát hành thẻ và trung gian thanh toán thì việc chuyển đổi là điều chắc chắn xảy ra”, ông Dũng chia sẻ.

Thấu hiểu điều đó nên thời gian qua, các ngân hàng đã “nỗ lực lớn, quyết tâm cao” để thực hiện mục tiêu chuyển đổi này. Đơn cử, các ngân hàng đã triển khai nhiều giải pháp như chủ động đầu tư các nguồn lực hạ tầng và công nghệ cho hoạt động chuyển đổi này; miễn phí chuyển đổi thẻ chip nội địa; khuyến mại, tặng quà; kết nối với các doanh nghiệp để hỗ trợ đổi thẻ chip đồng loạt cho người lao động trong các doanh nghiệp; truyền thông, quảng bá dưới nhiều hình thức như nhắc khách hàng đổi thẻ từ sang thẻ chip qua cài đặt lời nhắc trên hệ thống máy ATM, gửi tin nhắn SMS…

Ngoài ra, nhiều ngân hàng còn cho phép khách hàng sử dụng điện thoại thông minh, khai báo thông tin trên app ngân hàng điện tử để đổi thẻ, sau đó nhân viên ngân hàng đến tận nhà giao thẻ chip, thu hồi thẻ từ miễn phí.

Về phía cơ quan quản lý, NHNN có văn bản yêu cầu các tổ chức phát hành thẻ, tổ chức thanh toán thẻ cần tăng cường chính sách khuyến khích, hỗ trợ khách hàng thực hiện chuyển đổi từ thẻ từ nội địa sang thẻ chip nội địa; tuyên truyền các tiện ích, tính năng ưu việt, an toàn của thẻ chip nội địa và rủi ro liên quan đến việc tiếp tục sử dụng thẻ từ nội địa; đồng thời hướng dẫn khách hàng là chủ thẻ sử dụng các kênh thanh toán điện tử khác như Internet Banking, Mobile Banking, QR Code...

Ngân hàng gặp khó trong chuyển đổi thẻ chip

Những lợi ích của thẻ chip là thấy rõ, các ngân hàng cũng đã triển khai nhiều giải pháp, tuy nhiên theo tìm hiểu thực tế tại một số ngân hàng, tỷ lệ chuyển đổi của thẻ chip nội địa vẫn chưa đạt được mục tiêu như lộ trình đã đề ra. Theo TS. Châu Đình Linh, nguyên nhân đến từ việc Thông tư 41 ban hành trước yếu tố rủi ro không lường trước được đó chính là Covid-19, vì vậy việc kết nối của ngân hàng với khách hàng rất hạn chế.

Bên cạnh đó, theo chia sẻ của lãnh đạo một ngân hàng, trở ngại quan trọng nhất khiến việc chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip còn khó khăn xuất phát chính là nhu cầu của khách hàng. Khách hàng chưa đủ thông tin, nhìn nhận tiện ích tích cực thực sự mà thẻ chip mang lại và vẫn thấy thẻ từ giao dịch bình thường nên chưa thể kích thích người dân chuyển đổi thẻ. Ngoài ra, còn liên quan đến quy mô thị trường, đặc điểm tệp khách hàng.

Cụ thể, số lượng thẻ đang lưu hành rất lớn, nhưng số thẻ được sử dụng thường xuyên lại không lớn bởi một khách hàng có thể có nhiều thẻ, trong đó chỉ sử dụng một thẻ chính, số thẻ còn lại gần như “cất tủ”. Đáng chú ý, theo các chuyên gia, hiện khách hàng cũng không mặn mà với thẻ chip bởi lẽ họ đã có nhiều hình thức thanh toán khác như MoMo, QR Code…

Vì vậy, một chuyên gia cho rằng, đối với việc chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip cần tính toán gia hạn Thông tư 41 theo đánh giá thực tế của các ngân hàng. Đồng thời, tăng chế tài, tính giám sát để đảm bảo thực hiện đúng lộ trình đề ra. Ở khía cạnh NHTM, bắt buộc phải có lộ trình chuyển đổi, bảo vệ lợi ích cho khách hàng của mình bằng cách chủ động gửi thông tin đến khách hàng qua nhiều cách thức khác, thủ tục đơn giản, thuận tiện.

“Ngân hàng cũng phải đặt lộ trình trong bao lâu phải chuyển đổi hết những thẻ từ không còn kích hoạt được nữa, để đảm bảo an toàn hy vọng khách hàng hợp tác và gửi những thông tin này để nhận thẻ chip một cách sớm nhất. Song song với đó, ngân hàng cũng cần phải đẩy mạnh hạ tầng thanh toán, hệ thống ATM đồng bộ để khách hàng cảm thấy sự chuyển đổi này là cần thiết, tiện ích”, vị chuyên gia trên lưu ý thêm.

Tại cuộc họp gần đây, liên quan đến vấn đề này, đại diện Chi hội thẻ chia sẻ, các quốc gia trong khu vực đều cần thời gian để khách hàng có thể tiếp cận được thông tin. Sau đó mới kéo theo sự thay đổi về ý thức hành vi đối với việc chuyển đổi thẻ từ sang thẻ chip. Vì vậy, NHTW các nước đều đặt ra một lộ trình dài về quá trình chuyển đổi này.

Đơn cử, tại Indonesia, quốc gia này bắt đầu thực hiện từ năm 2015 đến cuối năm 2021 mới hoàn thành, tương đương 6 năm để thực hiện chuyển đổi; Thái Lan chuyển đổi 60 triệu thẻ từ năm 2016 và đến hết năm 2020 mới kết thúc được việc chuyển đổi.

Từ góc độ ngân hàng, ông Nguyễn Đình Tùng - Tổng giám đốc OCB khẳng định, việc chuyển đổi thẻ đối với ngân hàng không gặp khó khăn, điều quan trọng nhất là sự hợp tác từ phía khách hàng để thực hiện chuyển đổi. Trong dài hạn, lãnh đạo OCB cho rằng, cần loại bỏ dần thẻ vật lý, thay bằng phương thức thanh toán điện tử vừa không lo mất thẻ, mà đảm bảo an toàn, bảo mật.

Tin mới lên