Tiêu điểm

Đối thoại với dân để gỡ khó cho khu công nghiệp của VSIP tại Hải Dương

Đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường Hải Dương khẳng định việc bồi thường và đền bù là theo quy định của pháp luật, do đó yêu cầu của nhân dân được thỏa thuận giá đền bù là không đúng pháp luật.

Đối thoại với dân để gỡ khó cho khu công nghiệp của VSIP tại Hải Dương

Dự án Khu công nghiệp Cẩm Điền – Lương Điền

TTXVN đưa tin sau buổi đối thoại ngày 15/12 không thành vì nhiều người dân đã tự ý bỏ về giữa chừng, sáng 28/12, UBND huyện Cẩm Giàng ( tỉnh Hải Dương) đã đối thoại lần 2 với đại diện các hộ dân thôn Hoàng Xá (xã Cẩm Điền) có đất bị thu hồi thuộc dự án Khu công nghiệp Cẩm Điền – Lương Điền chưa nhận tiền bồi thường, hỗ trợ hoặc đất canh tác.

Tại cuộc đối thoại lần này, ngoài sự có mặt của các hộ dân, đại diện các cơ quan chức năng còn có đại diện Đoàn luật sư An Thái tham gia. Người dân đã nêu các kiến nghị, nguyện vọng xung quanh việc thực hiện đền bù giải phóng mặt bằng dự án Khu công nghiệp Cẩm Điền - Lương Điền.

Đa số ý kiến tập trung vào các quyền lợi mà người dân được hưởng sau khi bị thu hồi đất; thắc mắc về sự bất nhất trong việc công bố giá đền bù ở hai thời điểm có sự khác nhau (ban đầu là 16,2 triệu đồng/sào, sau đó nâng lên 23,4 triệu đồng/sào); xin nhận lại đất để sản xuất và đất này phải được bố trí ở một khu, có mương máng và hạ tầng thuận lợi cho canh tác; đề nghị minh bạch thông tin về vụ xô xát vào ngày 10/7/2015 tại khu công nghiệp…

Theo ông Nguyễn Hữu Lộc, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hải Dương, Khu công nghiệp Cẩm Điền - Lương Điền thuộc thẩm quyền Chính phủ phê duyệt, Nhà nước thu hồi đất để thực hiện dự án. Việc bồi thường và đền bù là theo quy định của pháp luật, do đó yêu cầu của nhân dân được thỏa thuận giá đền bù là không đúng pháp luật.

Pháp luật cũng quy định, với những dự án triển khai chậm, Nhà nước sẽ thu hồi đất, nhưng ở trường hợp này do tổng thể mặt bằng chưa được bàn giao cho nhà đầu tư, cộng với nhiều lý do chính đáng khiến dự án chậm triển khai nên Nhà nước không thu hồi đất dự án. Việc chuyển giao chủ đầu tư cũng đã được Chính phủ đồng ý.

Về chính sách bồi thường, hỗ trợ người dân bị thu hồi đất - nội dung được nhiều hộ dân đưa ra, đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính Hải Dương đã cùng phân tích, nói rõ. Đại diện hai sở, ngành này khẳng định, việc thực hiện bồi thường và hỗ trợ là đúng pháp luật.

Tại Quyết định 1795/QĐ-UBND ngày 5/5/2005, mức hỗ trợ 16,2 triệu đồng/sào, nhưng thời điểm năm 2008 - thời điểm tỉnh ra Quyết định thu hồi đất - thì giá đền bù đã thay đổi (theo Quyết định 42/2008/QĐ-UBND) và mức bồi thường, hỗ trợ khi thu hồi đất nông nghiệp lúc này là 23,4 triệu đồng/sào.

Về yêu cầu của người dân được đối thoại với lãnh đạo UBND tỉnh, ông Trịnh Ngọc Thành, Chủ tịch UBND huyện Cẩm Giàng lý giải, việc bồi thường và hỗ trợ là do Hội đồng giải phóng mặt bằng, UBND huyện và các ngành của tỉnh thực hiện, tham mưu cho tỉnh và chịu trách nhiệm nên việc đối thoại là tỉnh giao UBND huyện triển khai.

Với các hộ chưa nhận tiền đền bù, tỉnh đã có hai phương án là quyết định thu hồi 20,2 ha đất để giao lại cho các hộ và các hộ có nhu cầu nhận đất UBND xã bố trí giao đất tại khu 20,2 ha. Các hộ có nhu cầu nhận tiền đền bù thì nhận theo phương án đã duyệt, cộng 5% đất dịch vụ và cộng với lãi suất ngân hàng theo từng thời điểm.

Trưởng công an huyện Cẩm Giàng Nguyễn Đức Thìn cũng đã nói rõ thêm về vụ xô xát ngày 10/7/2015 tại Khu công nghiệp dẫn đến việc bà Lê Thị Châm phải đi bệnh viện. Ông Thìn cho biết, ngay sau khi xảy ra sự việc, công an huyện đã phối hợp với các ngành chức năng thu thập tài liệu làm rõ.

Kết quả giám định của Viện pháp y Trung ương cho thấy, bà Châm bị thương tích với tỷ lệ 45%, ba người còn lại cũng bị thương nhưng từ chối giám định sức khỏe. Công an huyện đã xác định bà Châm là người bị hại. Vụ án đang được điều tra và mong người dân cung cấp chứng cứ và phối hợp với công an.

Kết luận buổi đối thoại, ông Trịnh Ngọc Thành khẳng định, những ý kiến, kiến nghị của người dân tại buổi đối thoại này sẽ được lãnh đạo UBND huyện, các sở, ngành tiếp thu và đề xuất lên các cấp có thẩm quyền, sau đó sẽ có thông báo cho các hộ dân.

Sau buổi đối thoại, Dự án Khu công nghiệp Cẩm Điền - Lương Điền sẽ tiếp tục được triển khai thi công. Tỉnh và các cấp, các ngành sẽ bảo vệ thi công, mọi hành vi ngăn cản việc thi công thực hiện dự án là vi phạm pháp luật và sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Khu công nghiệp Lương Điền - Cẩm Điền đã được UBND tỉnh Hải Dương phê duyệt quy hoạch năm 2007, giao Công ty TNHH Phúc Hưng làm chủ đầu tư. Do khó khăn trong giải phóng mặt bằng, việc giao đất cho chủ đầu tư kéo dài. Đến năm 2011, dự án mới hoàn thành san nền khoảng 30 ha và xây dựng tường rào bao quanh.

Từ năm 2011 đến 2014, dự án dừng thi công để điều chỉnh quy hoạch. Tháng 9/2015, dự án được chuyển nhượng cho Công ty cổ phần phát triển đô thị và Khu công nghiệp Việt Nam Singapore (VSIP) làm chủ đầu tư.

Tin mới lên