Công nghệ

Đón đầu cơ hội kinh doanh thực phẩm online

(VNF) - Sau những ngày giãn cách xã hội không ra đường, các nhân viên văn phòng, người nội trợ, các gia đình… đang dần quen với dịch vụ đặt thức ăn nhanh, đi chợ, mua thực phẩm tươi sống trên mạng online. Thị trường dịch vụ mới mẻ trị giá hàng triệu USD đang mở ra cơ hội cho các nhà đầu tư tên tuổi lẫn các bạn trẻ am hiểu công nghệ dịch vụ trực tuyến.

Đón đầu cơ hội kinh doanh thực phẩm online

Đón đầu cơ hội kinh doanh thực phẩm online

Cơ hội triệu USD

Một số liệu do Tập đoàn nghiên cứu thị trường Euromonitor International công bố cuối năm 2019 dự đoán, thị trường giao thức ăn nhanh trực tuyến tại Việt Nam tuy còn mới mẻ song khá sôi động, dự kiến năm 2020, quy mô tăng trưởng thị trường này sẽ đạt khoảng giá trị 38 triệu USD và duy trì mức tăng trưởng bình quân 11% trong 5 năm tới.

Theo Công ty nghiên cứu thị trường Kantar TNS, doanh thu thị trường giao thức ăn trực tuyến Việt Nam năm 2018 là 148 triệu USD và có tốc độ tăng trưởng trung bình 28,5%/năm. Dự kiến năm 2019, doanh số thị trường này sẽ lên tới 207 triệu USD và năm 2023 ước tính có thể lên tới 449 triệu USD. Tuy nhiên, so với những nước trong khu vực châu Á như India hay Japan, quy mô thị trường giao đồ ăn Việt Nam vẫn còn rất bé, chỉ chiếm 0,2% thị phần trong thị trường giao đồ ăn trên thế giới.

Ảnh minh họa

Quy mô bé ở thời điểm hiện tại đồng nghĩa với cơ hội tăng trưởng còn rất lớn, nên lĩnh vực giao thức ăn nhanh được xem là một thị trường hấp dẫn với các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Việc sử dụng các ứng dụng trên smartphone ngày càng phổ biến, cùng với đó người dùng có thể trả tiền trên MobileBanking, ví điện tử nên rất thuận tiện cho người mua lẫn người bán, đặc biệt cả cho người giao hàng.

Nghiên cứu của Criteo về vấn đề phát triển các giải pháp quảng cáo cho nhiều trang thương mại điện tử lớn tại Việt Nam và thế giới, cho thấy xu hướng mua hàng online tại Việt Nam tăng mạnh trong 5 tháng đầu năm 2020 khi so với cùng kỳ. Trong đó, xét trên toàn Đông Nam Á, tăng trưởng thương mại điện tử ở tuần thứ 3 của tháng 5 lên đến 106% so với cùng kỳ. Nghiên cứu cho thấy, GenZ và thế hệ Millenials là những người có xu hướng mua sắm trực tuyến nhiều nhất, tương ứng với 54% và 58%. Tại Việt Nam, 76% số người được hỏi cho biết họ mua hàng trực tuyến nhiều hơn so với thông thường, trong khi chỉ có 15% số người được hỏi cho biết họ sẽ mua sắm với tần suất tương đương. Chỉ có 9% trả lời là họ ít mua sắm trực tuyến hơn.

Việc mở rộng thị trường giao thức ăn nhanh tại Việt Nam tạo thuận lợi cho nhiều nhà hàng, quán ăn nhỏ, thậm chí là các gia đình có sở trường nấu ăn mà không có điều kiện mở mặt bằng, tạo nên thị trường thức ăn phong phú, hấp dẫn thực khách không chỉ địa phương mà cả khách du lịch trong và ngoài nước.

Người dân quen dần

Theo khảo sát mới nhất từ Shopee, việc áp dụng lệnh giãn cách xã hội đã khiến cho nhu cầu mua sắm tại nhà tăng mạnh. Người tiêu dùng ở các khu vực ngoài TP.HCM và Hà Nội cũng bắt đầu lựa chọn thương mại điện tử là kênh mua sắm chủ đạo các mặt hàng thực phẩm, bách hóa. Hoạt động mua sắm thực phẩm của người dùng nam giới tăng gấp 4 lần so với năm 2019. Người dùng nam giới trên Shopee bắt đầu mua sắm các mặt hàng bách hóa và sản phẩm nấu ăn tại nhà nhiều hơn trong vài tháng gần đây, phổ biến nhất là bánh kẹo, thực phẩm nấu ăn tại nhà và thực phẩm đóng gói.

Các thương hiệu và nhà bán hàng đang sử dụng tính năng phát trực tiếp để kinh doanh các mặt hàng thực phẩm hiệu quả hơn. Trong những tháng gần đây, Shopee Live đã trở thành một công cụ quan trọng để người bán giới thiệu các sản phẩm mới và đưa ra các đảm bảo về mặt chất lượng trong thời gian thực, đồng thời thúc đẩy doanh số bán hàng và gia tăng lượt xem trên các buổi phát sóng trực tuyến.

Trong ngành dịch vụ ăn uống - F&B, các nhà hàng đã chuyển đổi nền tảng kinh doanh. Cụ thể, doanh thu từ mảng giao hàng của Starbucks Việt Nam đã tăng 50% so với mức doanh thu bình quân tháng. Golden Gate đã kịp thời tung ra các gói dịch vụ G-Delivery và I-cook giao hàng tận nhà với các combo đồ nướng và lẩu đặc trưng. Golden Gate cũng đẩy mạnh quảng cáo các món ăn chế biến sẵn từ chuỗi nhà hàng trong hệ thống, thậm chí cho phép khách hàng mượn bếp nướng hoặc lẩu tại nhà miễn phí. Chuỗi cửa hàng cà phê đều có  ưu đãi cho từng gai đoạn bán hàng.

Rất nhiều doanh nghiệp F&B vừa và nhỏ đã quen với việc hoạt động online thông qua các ứng dụng giao hàng như Grab, Now, GoViet,… hoặc tự vận hành qua Facebook và Instagram. Việc kinh doanh online không chỉ giúp hạn chế tối đa thiệt hại trong mùa dịch,mà còn có thể hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển sau dịch.

Từ khoá: food online, grabfood, now, shopee,
Tin mới lên