Tài chính quốc tế

Dòng chảy phương Bắc 2 lại đứng trước nguy cơ bị Mỹ trừng phạt

(VNF) - Một nhóm các thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Mỹ mới đây đã đề xuất sửa đổi đạo luật Ủy quyền Quốc phòng (NDAA) để tăng cường các biện pháp trừng phạt dự án Dòng chảy phương Bắc 2 (Nord Stream 2) vận chuyển khí đốt từ Nga sang Đức.

Dòng chảy phương Bắc 2 lại đứng trước nguy cơ bị Mỹ trừng phạt

Dòng chảy phương Bắc 2 lại đứng trước nguy cơ bị Mỹ trừng phạt.

Theo Reuters, nhóm nghị sĩ này gồm 6 người, do Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ Jim Risch dẫn đầu.

Trong thông cáo báo chí của văn phòng thượng nghị sĩ Jim Risch, nhóm nghị sĩ này cho rằng Dòng chảy phương Bắc 2 sẽ gây tổn hại tới các đồng minh của Mỹ ở châu Âu, trong đó có Ukraine.

Do đó, họ đưa ra bản sửa đổi bổ sung vào đạo luật Ủy quyền Quốc phòng (NDAA) cho năm tài chính 2022 để “ngăn chặn Dòng chảy phương Bắc 2”.

Những sửa đổi đó quy định áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với nhà điều hành đường ống là Nord Stream 2 AG. Các biện pháp trừng phạt cũng bao gồm lệnh cấm nhập cảnh vào Mỹ, từ chối cấp thị thực và hủy bỏ thị thực hợp lệ mà những người liên quan đến dự án đã được cấp trước đây.

“Chừng nào chính quyền tiếp tục phớt lờ ý muốn của Quốc hội, chúng tôi sẽ thúc đẩy đạo luật để bảo vệ các đồng minh và lợi ích của chúng tôi ở châu Âu, trong khi chống lại các dự án gây ảnh hưởng xấu của Điện Kremlin”, ông Jim Risch cho biết.

Từ tháng 10, Tổng thống Mỹ Joe đã Biden bắt đầu dỡ bỏ một số lệnh trừng phạt đối với dự án này từ đầu năm nay như một phần của thỏa thuận với Thủ tướng Đức Angela Merkel.

Theo thỏa thuận này, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ chấm dứt sự phản đối lâu nay của Washington đối với dự án Dòng chảy phương Bắc 2. Đây được coi là sự thay đổi lập trường của Mỹ sau nhiều năm tranh cãi về số phận của dự án này.

Trong khi đó, Đức cam kết thực hiện các biện pháp, kể cả trừng phạt, nếu Nga “tìm cách sử dụng năng lượng như một vũ khí hoặc thực hiện các hành động gây hấn hơn nữa đối với Ukraine”.

Ngoài ra, Đức và Mỹ cũng nhất trí hỗ trợ gia hạn thỏa thuận vận chuyển khí đốt qua Ukraine thêm 10 năm (hết hiệu lực vào năm 2024). Bên cạnh đó, hai bên cũng thống nhất sẽ nỗ lực để giảm thiểu sự phụ thuộc của Ukraine vào khí đốt của Nga cũng như doanh thu trung chuyển khí đốt.

Trong thỏa thuận, Đức và Mỹ cũng nhất trí thành lập một Quỹ xanh Ukraine với nguồn tài trợ khởi đầu là 150 triệu EUR từ Đức. Mục đích là để đạt được hiệu ứng đòn bẩy với sự tham gia của các nhà đầu tư tư nhân với tổng trị giá 1 tỷ USD.

Tuy nhiên, Thượng nghị sỹ Jim Risch cho rằng, Nga đã chấm dứt việc vận chuyển khí đốt qua Ukraine kể từ khi Tổng thống Biden dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt, đồng thời tăng cường hiện diện quân sự tại khu vực biên giới với Ukraine.

Dòng chảy phương Bắc 2 là dự án hợp tác giữa tập đoàn năng lượng khổng lồ Gazprom của Nga cùng các công ty châu Âu là Uniper và Wintershall. Tuyến đường ống dẫn khí đốt từ Nga qua biển Baltic đến Đức với chiều dài 1.234km được xây dựng với công suất 55 tỷ mét khối khí đốt mỗi năm với tổng số tiền đầu tư ước tính khoảng 11 tỷ USD.

Việc triển khai dự án Dòng chảy phương Bắc 2 vấp phải sự phản đối của một vài quốc gia, trong đó Mỹ là quốc gia phản đối mạnh mẽ nhất do lo ngại dự án này sẽ khiến châu Âu bị phụ thuộc vào nguồn năng lượng của Nga, đồng thời ảnh hưởng tới tham vọng xuất khẩu khí tự nhiên hóa lỏng của Washington sang khu vực.

Dòng chảy phương Bắc 2 cũng làm dấy lên một số quan ngại rằng dự án có thể ảnh hưởng đến kinh tế, năng lượng của các nước Trung và Đông Âu, đặc biệt là Ba Lan và Ukraine.

Xem thêm >> Giữ đúng cam kết, Nga bắt đầu bơm đầy các kho chứa khí đốt tại châu Âu

Tin mới lên