Bất động sản

Đóng cửa mỏ sắt đầu tư gần 160 tỷ đồng của Công ty Cổ phần gang thép Hà Tĩnh

(VNF) - Được cấp phép khai thác khoáng sản từ năm 2008 với tổng mức đầu tư gần 160 tỷ đồng, mỏ khoáng sản sắt tại xã Sơn Thọ, huyện Vũ Quang của Công ty Cổ phần Gang thép Hà Tĩnh đã bị UBND tỉnh Hà Tĩnh ra quyết định đóng cửa với lý do mỏ chưa khai thác, còn nguyên trạng.

Đóng cửa mỏ sắt đầu tư gần 160 tỷ đồng của Công ty Cổ phần gang thép Hà Tĩnh

Mỏ khai thác khoáng sản sắt của công ty CP gang thép Hà Tĩnh bỏ hoang nhiều năm nay

Dự án thuộc Công ty CP Gang thép Hà Tĩnh được xây dựng vào năm 2008 với tổng số vốn đầu tư hơn 158 tỷ đồng trên diện tích 30 ha tại xã Sơn Thọ, huyện Vũ Quang (Hà Tĩnh). Từ tháng 5/2009, nhà máy đi vào hoạt động với mục tiêu đạt khối lượng 500.000 tấn quặng/năm, cung cấp nguyên liệu cho nhà máy thép Vạn Lợi (Khu kinh tế Vũng Áng, thị xã Kỳ Anh).

Quặng sắt sau khi được tuyển sẽ phục vụ cho nhà máy chế biến phôi thép tại địa bàn Khu kinh tế Vũng Áng, thị xã Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh. Nhà máy từng được kỳ vọng rất lớn về giải quyết công ăn việc làm cho hàng ngàn lao động địa phương, góp phần vào thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của huyện miền núi Vũ Quang nói riêng và tỉnh Hà Tĩnh nói chung.

Thế nhưng từ năm 2010, nhà máy Vạn Lợi bị “chết yểu” vì thiếu vốn, khiến nguyên liệu mà nhà máy sản xuất ra không thể tiêu thụ. Thời điểm ấy, nhà máy tuyển quặng sắt Vũ Quang vẫn hoạt động cầm chừng, tuy nhiên cầm cự được gần 2 năm thì chính thức ngừng hoạt động do nợ xấu lên đến gần 100 tỷ đồng.

 Đến nay, nhà máy tuyển quặng sắt Vũ Quang đang tồn đọng hàng vạn tấn quặng thô, quặng thành phẩm.

Trước thực trạng trên của nhà máy tuyển quặng sắt Vũ Quang, tháng 8/2017, UBND tỉnh Hà Tĩnh quyết định thu hồi giấy phép khai thác mỏ sắt với lý do: “Sau hơn chín năm, kể từ ngày giấy phép khai thác khoáng sản có hiệu lực, Công ty Cổ phần Gang thép Hà Tĩnh không thực hiện đầu tư khai thác khoáng sản mà không có lý do bất khả kháng; không nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản theo quy định”.

Dự án đã không phát huy hiệu quả như kỳ vọng ban đầu

Ngày 5/8/2019, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành quyết định số 2601/QĐ-UBND về việc đóng cửa mỏ khoáng sắt tại xã Sơn Thọ, huyện Vũ Quang của Công ty CP Gang thép Hà Tĩnh với lý do mỏ chưa khai thác (đang còn nguyên trạng).

Theo quyết định này, mục đích của việc đóng cửa mỏ nhằm để bảo vệ khoáng sản chưa khai thác và thu hồi đất để giao cho địa phương quản lý theo quy định của pháp luật, phục hồi môi trường khu vực môi trường đã khai thác.

Quyết định cũng yêu cầu Công ty Cổ phần Gang thép Hà Tĩnh có trách nhiệm báo cáo với các cơ quan chức năng liên quan để thực hiện thủ tục bàn giao đối với khu vực diện tích mỏ trên. UBND huyện Vũ Quang, UBND xã Sơn Thọ có trách nhiệm thực hiện các biện pháp bảo vệ khoáng sản chưa khai thác tại khu vực mỏ.

Giao Sở Tài nguyên và Môi trường, Quỹ bảo vệ môi trường và cơ quan, đơn vị có liên quan theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền giám sát, hướng dẫn Công ty Cổ phần Gang thép Hà Tĩnh thực hiện và tham mưu UBND tỉnh các nội dung liên quan theo đúng quy định.

Trong một diễn biến khác, chiều tối 8/8, UBND tỉnh Hà Tĩnh phối hợp với Cục Quản lý xây dựng công trình, Ban Quản lý đầu tư và xây dựng thủy lợi 4 (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tổ chức cuộc họp nghe báo cáo nguyên nhân bước đầu khiến nước tại công trình thủy lợi Ngàn Trươi - Cẩm Trang (thuộc huyện Vũ Quang, Hà Tĩnh) chuyển màu bất thường và bốc mùi hôi thối.

Theo báo cáo của Ban quản lý đầu tư và xây dựng thủy lợi 4 Bộ NN&PTNT cho rằng: Hàm lượng Fe trên lòng dẫn Vũ Quang có thể là một tác nhân, Fe (III) trải qua quá trình thủy phân để trở thành Hydroxit Sắt làm nước chuyển màu.

Nhận định về các tác nhân lớn gây ra hàm lượng Fe trong lòng dẫn Vũ Quang tăng, theo đại diện Ban quản lý đầu tư và xây dựng thủy lợi 4, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là do lượng sắt từ Nhà máy chế biến quặng sắt Vũ Quang gặp mưa, tự oxy hóa chảy theo khe Trươi đổ về lòng dẫn Vũ Quang.

Theo ông Hoàng Xuân Thịnh, Giám đốc Ban quản lý đầu tư và xây dựng thủy lợi 4 (Ban 4 – thuộc Bộ NN-PTNT) cho rằng, để xác định hàm lượng sắt trong nước cao xuất phát từ đâu, đơn vị này đã khảo sát tại khu vực khe Trươi, phát hiện tại đây có Nhà máy chế biến quặng sắt Vũ Quang đã dừng hoạt động nhiều năm. Nhà máy này hiện còn có khoảng 80.000 tấn quặng sắt thô đã nghiền thành cám được chất thành từng đống để ngoài trời, không che đậy, không vây kín xung quanh. Hệ thống xử lý nước thải, nước mặt, máy móc thiết bị hoang phế.

Không đồng tình với báo cáo của Ban quản lý đầu tư và xây dựng thủy lợi 4 Bộ NN&PTNT, ông Nguyễn Thiều Quang, Chủ tịch UBND huyện Vũ Quang cho rằng, nhà máy chế biến quặng sắt Vũ Quang đã ngừng sản xuất từ nhiều năm nay, các năm trước trên địa bàn cũng xảy ra nhiều đợt mưa lớn, tuy nhiên chưa từng có hiện tượng nước chuyển màu như năm nay. Huyện Vũ Quang đề nghị các ngành chức năng tiếp tục vào cuộc, sớm tìm ra nguyên nhân chính xác nhất.

Tin mới lên