Ngân hàng

Đồng loạt tăng lãi suất tiết kiệm kỳ hạn ngắn, chọn cách gửi tiền lợi nhất

(VNF) - Lãi suất huy động có xu hướng tăng cao, nhất là sau động thái tăng lãi suất điều hành của NHNN. Lãi suất tăng nhưng làm thế nào để gửi tiền hưởng lợi nhiều nhất là băn khoăn của nhiều người.

Đồng loạt tăng lãi suất tiết kiệm kỳ hạn ngắn, chọn cách gửi tiền lợi nhất

Lãi suất kỳ hạn ngắn tăng thêm 1%, dòng tiền sẽ đổ về ngân hàng.

Lãi suất kỳ hạn ngắn bắt đầu tăng mạnh

Theo quyết định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN), từ ngày 23/9, lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng đồng Việt Nam (VND) của tổ chức (trừ tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài) và cá nhân tại TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đồng loạt tăng lên

Cụ thể, lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng tăng thêm 0,3% lên 0,5%/năm; mức lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng tăng 1% lên 5%/năm. Còn mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng ở các quỹ tín dụng nhân dân và tổ chức tài chính vi mô là 5,5%/năm.

Ngay trong này 23/9, đã có 1 loạt ngân hàng tăng lãi suất huy động.

 Tại ACB, kỳ hạn 1-3 tháng, lãi suất huy động tăng thêm 1%/năm lên mức 5%/năm, lĩnh lãi cuối kỳ. Trước đó mức lãi suất cao nhất tại kỳ hạn này là 4%/năm. Tại kỳ hạn 6-8 tháng, lãi suất huy động cũng được điều chỉnh lên mức cao nhất là 6,4%/năm hay 6,7%/năm với mức tiền gửi từ 500 triệu đồng trở lên. 

SHB điều chỉnh lãi suất kỳ hạn dưới một tháng lên mức cao nhất là 0,5%/năm. Lãi suất tại kỳ hạn từ 1-3 tháng đều có tăng thêm 0,8-09%/năm. Lãi suất kỳ hạn 1 tháng có mức cao nhất là 3,7% với hạn mức từ 2 tỷ đồng đến 500 tỷ đồng, trả lãi cuối kỳ. Lãi suất kỳ hạn 3 tháng dao động ở mức 4,74-4,9%/năm.

Kỳ hạn 6 tháng, lãi suất tăng 0,4-0,5%/năm lên mức 5,73-6%/năm. Tại các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên lãi suất cũng đồng loạt tăng từ 0,4-0,5%/năm với mức cao nhất là 7%/năm tại kỳ hạn từ 36 tháng trở lên.

Tại KienlongBank, kỳ hạn 1-5 tháng, lãi suất tăng thêm 1%/năm lên mức 5%/năm. Tại kỳ hạn 6-9 tháng, lãi suất cũng tăng từ 6%/năm lên 6,2%/năm. Lãi suất kỳ hạn 15-17 tháng, lãi suất cũng tăng nhẹ 0,2-0,3%/năm. Ngân hàng Bản Việt cũng đồng loạt tăng lãi suất áp dụng từ ngày 23/9. Trong khi lãi suất tại kỳ hạn 1-3 tuần tăng 0,3%/năm lên mức 0,5%/năm, lãi suất tại kỳ hạn 1-5 tháng tăng đến 1,1%/năm, từ 3,9%/năm lên mức 5%/năm. Tại các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên, lãi suất đều đồng loạt tăng 0,5-0,6%/năm. Hiện tại mức lãi suất cao nhất mà ngân hàng áp dụng là 7,5%/năm tại kỳ hạn 24 tháng.

Cập nhật  biểu lãi suất mới nhất (ngày 23/9), lãi suất kỳ hạn dưới 6 tháng của các ngân hàng thương mại cao nhất là 0,1-5%. Cụ thể, lãi suất không kỳ hạn hiện được các ngân hàng áp dụng trong khoảng 0,1-0,5%. Lãi suất kỳ hạn 1-3 tháng dao động từ 3,1-5%.

Trong đó, Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB) và Ngân hàng Kiên Long có mức lãi suất kỳ hạn dưới 6 tháng cao nhất, tới 5 %. Còn nhóm "Big 4" ngân hàng (gồm: Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank) niêm yết lãi suất tiết kiệm kỳ hạn từ 1-3 tháng thấp hơn, dao động từ 3,1-3,4%.

Mặc dù Quyết định 1607 chỉ điều chỉnh trần lãi suất huy động kỳ hạn ngắn dưới 6 tháng, nhưng theo giới phân tích, khi loạt lãi suất điều hành tăng 1% thì lãi suất huy động kỳ hạn dài cũng có khả năng tăng lên trong thời gian tới.

Với các khoản tiền gửi của khách hàng thông thường, lãi suất huy động cao nhất hiện nay là 7,5%/năm. CBBank và Ngân hàng Đông Á là hai nhà băng hiện đang áp dụng mức lãi suất 7,5% cho các khách hàng gửi tiền ở các kỳ hạn từ 18-36 tháng.

Các ngân hàng khác như NamABank, VietCapitalBank, VietABank, VietBank, Sacombank, ABBank,… cũng đưa ra mức lãi suất từ 7% với các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên. Còn các "ông lớn" ngân hàng, lãi suất huy động cao nhất vẫn ở dưới 6%/năm ở các kỳ hạn dài.

Trước quy định mới về lãi suất, nhiều khách hàng băn khoăn, đối với các hợp đồng tiền gửi trước ngày 23/9 sẽ được tính lãi suất như thế nào.

Liên quan tới vấn đề này, trong Quyết định 1607 về điều chỉnh lãi suất, NHNN lưu ý: đối với lãi suất tiền gửi bằng đồng Việt Nam có kỳ hạn của tổ chức, cá nhân tại TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phát sinh trước ngày quyết định này có hiệu lực thi hành (23/9), được thực hiện cho đến hết thời hạn. Trường hợp hết thời hạn đã thỏa thuận, tổ chức, cá nhân không đến lĩnh tiền gửi, thì TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài áp dụng lãi suất đối với tiền gửi theo quy định tại quyết định này. Như vậy, nếu khoản tiền gửi đến hạn không tất toán thì sẽ được tái tục kỳ hạn mới với lãi suất theo quy định mới.

Gửi tiền cách nào có lợi nhất?

Hiện nay, gửi tiết kiệm được đánh giá có mức độ rủi ro thấp nhất trong các kênh nhưng vẫn giúp nhà đầu tư sinh lời theo định kỳ. Tuy phổ biến và an toàn nhưng không phải ai cũng biết cách gửi tiết kiệm ngân hàng sao cho có lợi nhất.

Để tiền gửi tiết kiệm sinh lời nhiều nhất, cần tìm ngân hàng phù hợp với nhu cầu. Ngân hàng được lựa chọn phải thỏa mãn tiêu chí: uy tín, lãi suất hấp dẫn, sản phẩm tiết kiệm đa dạng, phục vụ chuyên nghiệp, giao dịch an toàn, nhanh chóng và thuận tiện, nhiều chính sách ưu đãi dành cho khách hàng...

Bên cạnh đó, cần chia sổ tiết kiệm theo mục tiêu ngắn hạn, dài hạn. Nên mở ít nhất hai sổ tiết kiệm thay vì một sổ. Trong đó, một sổ có thời hạn ngắn, thuận tiện rút khi có nhu cầu đột xuất, sổ còn lại có thời hạn dài để được hưởng lãi suất cao hơn.

Ngoài ra, để gia tăng giá trị của các khoản tiết kiệm, khách hàng cần lựa chọn thời điểm các ngân hàng hay tung ra các chương trình ưu đãi như đầu năm, cuối năm hay các ngày đặc biệt. Thêm vào đó, khi gửi tiết kiệm, cần cân nhắc dịch vụ và tiện ích đi kèm.

Khách hàng cũng có nhiều lựa chọn kênh gửi tiền thuận tiện theo nhu cầu, từ gửi trực tiếp tại quầy đến gửi trực tuyến qua website hay ứng dụng số của các ngân hàng. Nhiều nhà băng cũng đang triển khai chương trình cộng lãi suất cho khách hàng gửi tiết kiệm có kỳ hạn. Vì vậy, khách hàng nên tìm hiểu kỹ để hưởng những dịch vụ và khuyến mãi tối đa.

Bên cạnh những chương trình ưu đãi, nhiều ngân hàng cũng trực tiếp điều chỉnh tăng lãi suất huy động để thu hút người gửi tiền. Từ đầu tháng 9 đến nay, đã có hơn chục ngân hàng công bố biểu lãi suất huy động mới. Dù lãi suất huy động tăng cao nhưng nhiều chuyên gia vẫn đưa ra dự báo lãi suất sẽ còn tăng trong những tháng cuối năm.

Tin mới lên