Bất động sản

Đồng Nai thành lập 3 khu công nghiệp mới

(VNF) - Đồng Nai sắp thành lập 3 khu công nghiệp (KCN) là: KCN Cẩm Mỹ có diện tích khoảng 300ha, nằm trên địa bàn xã Thừa Đức (huyện Cẩm Mỹ), KCN Phước Bình có diện tích 190ha ở xã Phước Bình (huyện Long Thành) và KCN Gia Kiệm có diện tích 330ha xã Gia Kiệm (huyện Thống Nhất).

Đồng Nai thành lập 3 khu công nghiệp mới

Khu công nghiệp Amata Đồng Nai (ảnh minh họa)

Theo quy hoạch KCN Việt Nam đã được Chính phủ phê duyệt thì Đồng Nai có 35 KCN. Đến nay, UBND tỉnh đã thành lập được 32 khu, còn 3 KCN đang hoàn tất thủ tục để nhanh chóng thành lập và mời gọi nhà đầu tư.

Hiện tỷ lệ lấp đầy của các KCN tại Đồng Nai là 82%. Diện tích còn lại để cho thuê phần lớn vướng mắc ở khâu bồi thường, giải phóng mặt bằng. Vì thế, tỉnh đang gấp rút thành lập thêm 3 KCN trong quy hoạch để tiếp tục phát triển công nghiệp.

Hiện Đồng Nai còn khoảng 1,3 ngàn ha đất trong KCN thuộc các KCN Sông Mây, Hố Nai, Amata, Định Quán, Long Khánh, Dầu Giây... chưa cho thuê. Thế nhưng thực tế diện tích đất trên đa số đang trong giai đoạn bồi thường, giải phóng mặt bằng chưa xong vì người dân chưa đồng thuận về giá đất, tranh chấp.

Năm 2020, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, làn sóng đầu tư nước ngoài vào Đồng Nai bị chậm lại nhưng tới đây khi dịch bệnh lắng xuống, giao thương giữa các nước khơi thông, các hãng hàng không khôi phục lại các chuyến bay quốc tế thì sẽ có đợt “tăng tốc” đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Trong đó, Đồng Nai là một trong những điểm đến được các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài lựa chọn nhiều.

Ngoài việc gấp rút thành lập 3 KCN đã được Chính phủ quy hoạch, Đồng Nai dự tính trong giai đoạn 2021-2030 sẽ đưa vào quy hoạch sử dụng đất làm mới và mở rộng thêm 8 KCN khác tại các huyện, TP. Long Khánh. Mục tiêu của tỉnh trong 5-10 năm tới vẫn là tập trung phát triển công nghiệp, song sẽ thu hút đầu tư có chọn lọc để có những dự án mang lại hiệu quả cao, góp phần cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh.

Thời gian qua, có nhiều doanh nghiệp nước ngoài đặt trụ sở, nhà máy sản xuất tại Đồng Nai và thuê với diện tích lớn, nhưng khi hàng hóa sản xuất ra xuất khẩu lại làm thủ tục hải quan tại TP. HCM, Bình Dương và một số tỉnh, thành khác khiến tỉnh mất đi một nguồn thu ngân sách nhà nước lớn từ xuất, nhập khẩu. Tỉnh chú trọng dành đất, nguồn lực đầu tư hạ tầng phát triển các KCN là nhằm tăng giá trị cho đất đai, tăng thu ngân sách nhà nước, nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn và góp phần tăng trưởng kinh tế.

Tuy nhiên, tỉnh cũng sẽ tránh việc để Đồng Nai trở thành "công trường sản xuất" cho các doanh nghiệp nước ngoài mà không đem lại lợi ích cho phát triển kinh tế của địa phương.

Từ khoá: Đồng Nai, KCN,
Tin mới lên