Tài chính quốc tế

Đồng ruble Nga tiếp đà tăng, vọt lên cao nhất 7 năm so với USD

(VNF) - Liên tục biến động sau khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine hồi tháng 2, đồng ruble của Nga đã tăng vọt trên Sàn giao dịch Moscow hôm 20/6, đạt mức cao nhất trong 7 năm so với đồng USD.

Đồng ruble Nga tiếp đà tăng, vọt lên cao nhất 7 năm so với USD

Đồng ruble Nga tiếp đà tăng vọt, lên cao nhất 7 năm so với USD.

Tối 20/6, đồng ruble Nga tăng 1,7% so với USD, lên 55,44 ruble đổi 1 USD, mức mạnh nhất kể từ tháng 7/2015. Giá đồng ruble sau đó đã giảm nhẹ, về 54 ruble đổi 1 USD. Trong khi đó, tỷ giá hối đoái giữa đồng ruble và euro đạt 58 ruble/1 euro, gần với mức cao nhất trong 7 năm.

Trước đó, sau khi Nga động binh với Ukraine, Mỹ và các đồng minh đã tung loạt đòn trừng phạt khắc nghiệt nhắm vào nền kinh tế của nước này, thậm chí ngắt kết nối một số ngân hàng Nga khỏi Hiệp hội Viễn thông tài chính liên ngân hàng toàn cầu (SWIFT).

Loạt đòn trừng phạt đã khiến đồng ruble rơi tự do, thậm chí xuống đến mốc thấp kỷ lục gần 140 ruble/1 USD. Tuy nhiên, đồng ruble đã hồi sinh mạnh mẽ sau khi Nga tung ra loạt biện pháp kiểm soát vốn, yêu cầu các khách hàng châu Âu mua khí đốt phải thanh toán bằng đồng ruble.

Trước lo ngại đồng nội tệ mạnh lên sẽ làm giảm tính cạnh tranh của hàng xuất khẩu và ảnh hưởng đến ngân sách, giới chức Nga thời gian gần đây đã hạ lãi suất tham chiếu và nới lỏng các quy định kiểm soát vốn để kiểm soát đà tăng của đồng ruble.

Đầu tháng này, Ngân hàng Trung ương Nga đã giảm lãi suất chủ chốt xuống mức trước khủng hoảng là 9,5%. Trước đó, lãi suất từng được tăng lên 20% sau khi Nga phải hứng chịu một loạt lệnh trừng phạt của Mỹ, EU và các đồng minh vào cuối tháng 2.

Hồi tuần trước, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga đã kêu gọi dỡ bỏ hầu hết các biện pháp kiểm soát vốn trong nỗ lực làm suy yếu đồng ruble.

Theo Phó thủ tướng thứ nhất Nga Andrei Belousov, đồng ruble đang được định giá quá cao và ngành công nghiệp sẽ có nhiều thuận lợi hơn nếu tỷ giá giảm xuống mức từ 70-80 ruble/1 USD.

Tuy nhiên, Ngân hàng Trung ương và Văn phòng Kiểm toán Nga lại không đồng tình với quan điểm này, họ phản đối những biện pháp can thiệp tiền tệ và ủng hộ chính sách điều tiết tỷ lệ lạm phát hiện tại.

Xem thêm >> Liên tục siết nguồn cung khí đốt tới châu Âu, Nga nói gì?

Tin mới lên