Tài chính quốc tế

Đồng USD mất dần vị thế bá chủ

Khi những nền kinh tế mới nổi đa dạng hóa tài sản dự trữ, đồng USD của Mỹ đang mất dần vị thế tài sản dự trữ trong thế giới tài chính.

Đồng USD mất dần vị thế bá chủ

Đồng USD mất dần sức hút trong vai trò đồng tiền dự trữ toàn cầu. Ảnh: Reuters.

Theo Nikkei Asia Review, tỷ lệ tài sản bằng đồng USD trong dự trữ ngoại hối của thế giới đã giảm năm thứ 5 liên tiếp trong năm ngoái. Cụ thể, tỷ trọng tài sản bằng đồng USD giảm còn 59%, mức thấp nhất trong 25 năm qua.

Nguyên do của sự suy giảm liên tiếp này là các nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc và Nga đang thúc đẩy đa dạng hóa tài sản nắm giữ bằng nhiều thể loại khác trong bối cảnh toàn thế giới lo ngại về tương lai của đồng bạc xanh.

Dữ liệu từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho thấy đồng USD đang mất dần sức hút như một loại tiền tệ dự trữ của thế giới. Đại dịch Covid-19 kéo dài làm giới đầu tư nghi ngờ về giá trị dài hạn của đồng USD, trong khi các ngân hàng trung ương trên thế giới bắt đầu chuyển hướng sang các tài sản bằng những loại tiền tệ thay thế và tài sản phi tiền tệ như vàng.

Theo thống kê của 149 quốc gia và khu vực của IMF, tổng dự trữ ngoại hối toàn cầu đạt 12.700 tỷ USD vào cuối năm 2020. Trong đó, tài sản bằng đồng USD tăng 4%, lên 7.000 tỷ USD.

Tuy nhiên, theo tỷ lệ phân bổ dự trữ ngoại hối, tài sản tính bằng USD của toàn cầu đã giảm 1,7 điểm, xuống còn 59% trong cuối năm 2020. Lần gần nhất mà nó giảm về vùng 60% là vào năm 1995.

Từ năm 2001, tài sản bằng đồng USD chiếm hơn 70% dự trữ toàn cầu, tuy nhiên đã có xu hướng giảm dần trong những năm gần đây.

Đồng USD suy yếu trong năm ngoái càng góp phần vào sự sụt giảm thị phần của đồng tiền này. Hai nhà kinh tế học Serkan Arslanalp và Chima Simpson-Bell cho biết: "Thực tế giá trị của đồng USD không thay đổi, trong khi tỷ trọng dự trữ toàn cầu lại giảm cho thấy rằng các ngân hàng trung ương đang thực sự tách dần khỏi đồng bạc xanh".

Theo Bộ Ngân khố Mỹ, Trung Quốc nắm giữ khoảng 1.070 tỷ USD trái phiếu chính phủ Mỹ tính đến cuối năm 2020, giảm gần 20% so với 7 năm trước. Giới quan sát nhận định thị trường bán trái phiếu Mỹ từ chủ đầu tư Trung Quốc bắt đầu bình ổn từ sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden nhậm chức.

Trong khi đó, tỷ lệ nắm giữ tài sản bằng đồng USD của Nga cũng giảm. Dự trữ quốc tế của Nga, bao gồm cả vàng, đạt 578,7 tỷ USD tính đến tháng 9. Trong đó, tài sản bằng đồng USD chiếm khoảng 20%, giảm so với khoảng 50% thời kỳ năm 2017.

Nga bắt đầu bán phá giá tài sản bằng đồng USD sau khi Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với nước này vì vụ sáp nhập Crimea. Các nước Thổ Nhĩ Kỳ và Brazil cũng dần tách khỏi trái phiếu chính phủ Mỹ trong những năm gần đây.

Thay vào đó, các nước tìm kiếm các ngoại tệ thay thế đồng USD. Theo IMF, tài sản bằng đồng Euro tăng lên mức 21% dự trữ toàn cầu. Tài sản bằng yên Nhật tăng trên 6% lần đầu tiên sau hai thập kỷ.

Các nhà đầu tư Trung Quốc đã mua ròng 2.200 tỷ yên (20,2 tỷ USD) trái phiếu trung và dài hạn của Nhật Bản hồi năm 2020. Điều này cho thấy nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang dần chuyển đổi một số khoản nắm giữ bằng đồng USD sang yên Nhật.

Đồng nhân dân tệ cũng dần được chú ý nhiều hơn với tỷ trọng khoảng 2% dự trữ toàn cầu. Đặc biệt, tiền Trung Quốc tăng trưởng nhanh chóng ở Nga. Tỷ trọng tài sản dự trữ quốc tế bằng nhân dân tệ của Nga đã tăng từ mức 0,1% hồi tháng 6/2017 lên 12,3% vào tháng 9/2020.

Vàng cũng lấy lại vị thế tài sản lưu trữ của mình. Theo Hội đồng Vàng Thế giới, các ngân hàng trung ương khá tích cực mua vàng trong thập kỷ qua. Năm ngoái, vàng đã vượt USD trong tỷ trọng dự trữ quốc tế của Nga. Ngân hàng Trung ương Hungary cũng tăng gấp ba lần lượng vàng trong kho dự trữ ngoại hối, lên 94,5 tấn.

Tin mới lên