Tài chính

DPM bất ngờ nâng cổ tức lên 40% do hưởng lợi từ giá dầu giảm

(VNF) - Đạm Phú Mỹ hưởng lợi nhiều từ việc giá dầu giảm mạnh, cam kết trả cổ tức tới 40%.

DPM bất ngờ nâng cổ tức lên 40% do hưởng lợi từ giá dầu giảm

Việc giá dầu giảm mạnh đã giúp lợi nhuận gộp năm 2015 của Tổng công ty phân bón và Hóa chất Dầu khí (DPM) đạt 3.152 tỷ đồng, đồng thời HĐQT đã bất ngờ nâng mức cổ tức từ 25% dự kiến lên 40%, một con số mà nhiều doanh nghiệp trên sàn chứng khoán Việt Nam phải mơ ước.

Lãi ròng tăng mạnh nhờ giá đầu vào giảm

Theo báo cáo tài chính (BCTC) đã được kiểm toán năm 2015 của DPM, doanh thu thuần đạt 9.765 tỷ đồng, tăng hơn 2% so với năm 2014, lợi nhuận gộp 3.152 tỷ đồng, tương ứng với tỷ suất lãi gộp biên tăng từ mức 25,4% của năm trước lên 32,3%. 

Doanh thu từ hoạt động tài chính đạt gần 250 tỷ đồng, cùng với 24,5 tỷ đồng lợi nhuận khác đã giúp DPM lãi ròng 1.488 tỷ đồng, tăng gần 36% so năm 2014, EPS tương ứng đạt 3.295 đồng.

Tính đến ngày 31/12/2015, tiền và các khoản tương đương tiền của DPM ở mức 5.690 tỷ đồng, tăng 612 tỷ đồng so cuối năm 2014, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối 1.038 tỷ đồng.

Lý giải nguyên nhân tăng mạnh lãi ròng trong khi doanh thu thuần chỉ tăng 2% so với năm trước chủ yếu đến từ giá khí đốt.

Do khí là nguyên liệu đầu vào chính của sản phẩm Đạm Phú Mỹ, trong khi giá dầu thế giới giảm mạnh làm cho giá khí bình quân năm 2015 giảm 38% so với giá khí bình quân 2014, vì thế DPM đã có kết quả kinh doanh tăng trưởng mạnh ngoài mong đợi.

Đến cổ tức và kế hoạch cổ tức khủng

Mới đây, DPM đã tổ chức phiên họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2016 với sự tham dự của 250 cổ đông, đại diện cho 72,5% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.Theo ông Đoàn Văn Nhuộm, Tổng giám đốc DPM, mặc dù tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh có nhiều khó khăn và thách thức nhưng DPM đã hoàn thành và vượt mức các chỉ tiêu đặt ra. 

Cụ thể, DPM đã vận hành nhà máy đạt sản lượng 819.000 tấn urê (chưa bao gồm lượng NH3 quy đổi) vượt kế hoạch 5%, doanh thu năm 2015 đạt 10.047 tỷ đồng vượt 9% kế hoạch, lợi nhuận trước thuế đạt 1.880 tỷ đồng vượt tới 46% kế hoạch.

DPM cũng đạt được nhiều thành công trong công tác đầu tư phát triển như hoàn thành đầu tư dự án xưởng sản xuất hoá chất UFC85/Formaldehyde và đưa vào vận hành thương mại từ đầu năm 2016, ký hợp đồng tổng thầu EPC triển khai dự án đầu tư nâng công suất phân xưởng NH3 Nhà máy đạm Phú Mỹ và xây dựng nhà máy sản xuất phân NPK công nghệ hóa học, dự kiến hoàn thành vào năm 2017. 

Bên cạnh đó, HĐQT DPM cũng đã trình các cổ đông báo cáo hoạt động của HĐQT, Báo cáo của Ban kiểm soát năm 2015 và đề xuất lựa chọn Kiểm toán năm 2016, báo cáo tài chính năm 2015, phương án phân phối lợi nhuận năm 2016 và kế hoạch phân phối lợi nhuận 2016, báo cáo thù lao và  lương thưởng 2015 của HĐQT, BKS.

Ngoài ra, HĐQT cũng đã gửi tới ĐHĐCD tờ trình bầu bổ sung thành viên HĐQT và thành viên Ban Kiểm soát, tờ trình điều chỉnh, bổ sung ngành nghề kinh doanh và tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài, tờ trình về chiến lược phát triển.

Về kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2016,  DPM đặt mục tiêu sản xuất 800.000 tấn urê, kinh doanh 830.000 tấn urê và 282.000 tấn phân bón khác, kinh doanh hóa chất là 11.966 tấn. Mục tiêu lợi nhuận năm 2016 trước thuế là 1.467 tỷ đồng, chia cổ tức ở mức 30%/ cổ phiếu. 

Trong quý I/2016, giá khí đầu vào của DPM trung bình khoảng 3,02 USD/1 triệu BTU và giá bán bình quân khoảng 6.000 VND/kg, do vậy các chỉ tiêu của Tổng công ty đều đạt và vượt kế hoạch đề ra.

Tuy nhiên, điều khiến cổ đông DPM "hoan hỉ" nhất có lẽ là việc HĐQT và ban điều hành thống nhất phân phối lợi nhuận năm 2015, theo đó, cổ tức từ mức dự kiến 25% được nâng lên thành 40%, một con số đáng mơ ước cho nghành phân bón.

Tin mới lên