Bất động sản

Dự án BOT QL1 tại Quảng Nam: Doanh thu bất thường?

(VNF) -Tổng cục Đường bộ Việt Nam vừa công bố kết quả kiểm tra, giám sát doanh thu thu phí đối với dự án BOT mở rộng QL1 qua tỉnh Quảng Nam. Theo đó, phát hiện doanh thu bình quân 1 ngày cao hơn so với con số báo cáo trước đó.

Dự án BOT QL1 tại Quảng Nam: Doanh thu bất thường?

Đáng chú ý, kết quả kiểm tra, giám sát sau 10 ngày (từ 6 giờ 30 phút ngày 17-27/7/2020) cho thấy, số thu phí vé lượt 10 ngày kiểm tra, giám sát là trên 3,8 tỷ đồng. Bình quân trên 385 triệu đồng/1 ngày.

Con số này tăng 6,76% so với bình quân 1 ngày trong 10 ngày cùng kỳ tháng trước (hơn 360 triệu đồng) và tăng 16,93% so với số thu bình quân 1 ngày trong 6 tháng liền kề (từ tháng 12/2017 đến tháng 5/2020, hơn 329 triệu đồng).

Kết quả kiểm tra, giám sát cũng cho thấy, nhà đầu tư là Tổng Công ty XDCT giao thông 5 - CTCP chưa lắp đặt bảng công khai thông tin điện tử tại trạm thu phí theo quy định tại Thông tư số 49/2016 của Bộ GTVT và các văn bản của Tổng cục Đường bộ VN.

Hệ thống thu phí không dừng trong thời gian kiểm tra, thỉnh thoảng bị lỗi, mất kết nối. Một số lượt xe miễn phí qua trạm chưa đúng đối tượng (xe biển số 43A 09230 của doanh nghiệp dự án).

Tổng cục Đường bộ VN yêu cầu Tổng công ty XDCT giao thông 5- CTCP thực hiện lắp đặt bảng công khai thông tin điện tử tại trạm thu phí theo quy định. Chấm dứt việc cho xe miễn phí qua trạm không đúng đối tượng.

Bổ sung vào doanh thu thu phí tháng 7/2020 số tiền 1.500.000 đồng 19 tương ứng với 50 lượt xe ưu tiên không đúng quy định. Đồng thời, tiếp tục thực hiện việc sao lưu dữ liệu thu phí theo quy định tại Thông tư số 49/2016.

Đối với Công ty TNHH thu phí tự động VETC, Tổng cục Đường bộ yêu cầu khắc phục hiện tượng hệ thống thu phí ETC thỉnh thoảng bị lỗi, đảm bảo công tác thu phí và lưu trữ dữ liệu theo quy định. Tiếp tục thực hiện việc sao lưu dữ liệu thu phí theo quy định tại Thông tư số 49/2016 của Bộ GTVT.

Theo tìm hiểu của VietnamFinance, Dự án BOT QL1 đoạn qua Quảng Nam được Bộ Giao thông vận tải (GTVT) chỉ định thầu cho Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 5 (CIENCO 5) làm chủ đầu tư. Ngay sau đó, CIENCO 5 đã thành lập doanh nghiệp dự án là CIENCO 5 BOT.

Dự án có tổng mức đầu tư 1.625 tỷ đồng, sau đó 1 lần điều chỉnh lại cơ cấu tổng mức đầu tư tại Quyết định số 1001/QĐ-BGTVT ngày 26/3/2015. Theo đó, chi phí xây dựng là 901,83 tỷ đồng; chi phí bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư là 252,78 tỷ đồng; chi phí quản lý dự án, tư vấn, chi phí khác là 90,18 tỷ đồng; chi phí dự phòng gần 213,97 tỷ đồng; lãi vay trong thời gian thi công gần 167,02 tỷ đồng.

Nguyên nhân của việc điều chỉnh cơ cấu tổng mức đầu tư là do điều chỉnh bổ sung đoạn tuyến Km1021+500 - Km1027 từ việc chỉ tiến hành bảo trì sang đầu tư nâng cấp mở rộng thành đường 4 làn xe cơ giới rộng 14 m; 2 làn xe hỗn hợp rộng 4 m; dải phân cách và dải an toàn 1,5 m; lề đất 1 m làm tăng chi phí xây dựng 10,5 tỷ đồng nhưng chi phí thực hiện được lấy từ khoản chi phí dự phòng của Dự án.

Đánh giá về vấn đề này, Kiểm toán Nhà nước cho rằng, tổng mức đầu tư của Dự án được lập cơ bản phù hợp với quy định.

 

Tin mới lên