Tài chính

Dự án Đạm Ninh Bình: Kiểm toán 'đụng' đâu sai đấy!

Thiết kế điều chỉnh từ 2 dây chuyền nghiền sấy than CMD lên 3 dây chuyền làm tăng giá trị hợp đồng EPC khoảng 66,8 tỷ đồng không đúng quy định.

Dự án Đạm Ninh Bình: Kiểm toán 'đụng' đâu sai đấy!

Có 152 thiết bị nhập khẩu (giá trị 50,546 triệu USD) không được Ban QLDA Nhà máy Đạm Ninh Bình kê khai hải quan.

Đây là một phần trong bản báo cáo của Kiểm toán Nhà nước vừa gửi lên Thủ tướng về thực trạng dự án nhà máy Đạm Ninh Bình. Cụ thể, hợp đồng EPC “quy định, hệ thống nghiền và sấy than gồm 2 máy nghiền và sấy than, công suất mỗi máy 67,5 tấn/giờ” là điều kiện tiên quyết phải đạt được.

Chủ đầu tư cho phép nhà thầu HQCEC chuyển từ 2 dây chuyền thành 3 dây chuyền, mỗi dây chuyền có công suất 36,81 tấn/giờ, tổng công suất của cả 3 dây chuyền là 110,43 tấn/giờ, thấp hơn công suất của 2 máy theo quy định hợp đồng là 135 tấn/giờ, nhưng chi phí phát sinh tăng so với hợp đồng là 66,8 tỷ đồng (lấy tỷ giá tại thời điểm ký phụ lục hợp đồng), với lý do “tại biên bản cuộc họp ngày 27/4/2009 bàn về nội dung này, HQCEC đã giải thích đường kính trục nghiền 2.250mm, công suất là 30 – 40 tấn/giờ nên công suất là 67,7 tấn là có sự nhầm lẫn”.

Chi phí phát sinh tăng 66,8 tỷ

Theo Kiểm toán Nhà nước, việc nhà thầu HQCEC dự thầu với thiết bị trong đó có bộ phận trục nghiền với đường kính trục nghiền 2.250mm là không đồng bộ, dẫn đến công suất không đạt được 67,7 tấn/giờ là lỗi của nhà thầu.

Đối với hợp đồng EPC, nhà thầu phải có trách nhiệm thiết kế các bộ phận đồng bộ để đạt được công suất 67,7 tấn/giờ. Chủ đầu tư không đề cập như trên và yêu cầu HQCEC phải thực hiện theo quy định của hồ sơ yêu cầu và hợp đồng là lỗi của chủ đầu tư.

Tiếp đến là hạng mục kho chứa than không hợp lý. Kiểm toán Nhà nước đánh giá, thiết kế hạng mục kho than không có ô văng chống hắt mưa là không hợp lý, dẫn đến sau khi thi công, các bên phát hiện sự bất cập này phải thiết kế bổ sung, chủ đầu tư thực hiện và HQCEC chịu chi phí. Tuy nhiên, đến nay hạng mục này vẫn chưa được thực hiện. “Trách nhiệm liên quan đến những tồn tại này thuộc về nhà thầu HQCEC, Ban QLDA Nhà máy Đạm Ninh Bình và Tập đoàn Hóa chất Việt Nam”, Kiểm toán Nhà nước khẳng định.

Đánh giá công tác quản lý chất lượng, báo cáo của Kiểm toán Nhà nước nêu rõ, việc lựa chọn đơn vị tư vấn quản lý dự án và tư vấn giám sát gói thầu PMC 6B có cổ phần góp vốn của nhà thầu EPC là không tuân thủ Luật Đấu thầu năm 2005 và có rủi ro là đơn vị tư vấn không khách quan, không làm hết trách nhiệm trong quá trình giám sát thực hiện gói thầu EPC.

Cụ thể, tại thời điểm xét thầu ngày 3/11/2008, nhà thầu tham gia gói tư vấn giám sát gói thầu PMC 6B là công ty hữu hạn Giám sát dự án hóa dầu Guangdong Shunye do nhà thầu EPC (HQECE) góp 70% cổ phần (theo các tài liệu của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cung cấp, trong đó có nhà thầu SEDIN là nhà thầu tham gia dự thầu đã đưa ra các bằng chứng chứng minh điều này).

Như vậy, theo quy định tại Điều 11, Luật Đấu thầu 2005, nhà thầu tư vấn này không được tham gia giám sát nhà thầu EPC. Thực tế quá trình thực hiện nhiệm vụ của nhà thầu tư vấn còn có nhiều tồn tại, hạn chế, không làm hết phạm vi, nhiệm vụ theo quy định của hợp đồng, dẫn đến các gói thầu được quản lý, giám sát không chặt chẽ.

“Đơn vị tư vấn quản lý dự án và tư vấn giám sát (PMC 6A, PMC 6B) chưa thực hiện đầy đủ vai trò, nhiệm vụ theo quy định của hợp đồng dẫn đến gói thầu EPC còn nhiều tồn tại đến nay chưa có phương án giải quyết, thống nhất giữa chủ đầu tư và nhà thầu EPC”, Kiểm toán Nhà nước nhấn mạnh.

Đơn cử, thi công sai thiết kế một số hạng mục (14 tuyến nội bộ); thi công một số hạng mục công trình trước khi được phê duyệt thiết kế kỹ thuật thi công; đơn vị tư vấn không kiểm tra đầy đủ số lượng nhiều lô hàng song vẫn xác định đủ hàng hóa, nhiều chức thư không thể hiện rõ nguồn gốc xuất xứ của thiết bị máy móc, nội dung một số chứng thư còn chưa khớp với thực tế, chứng thư chưa phản ánh đầy đủ các thông tin để xác định xuất xứ hàng hóa; khối lượng hàng hóa nhập khẩu về công trường không được tư vấn giám sát, tư vấn kiểm định xác định cụ thể chi tiết từng thiết bị theo biên bản mở kiện.

Cụ thể, thi công một số hạng mục trước khi phê duyệt thiết kế kỹ thuật thi công, không tuân thủ quy định tại Khoản 1, Điều 16, Nghị định số 209/2004/NĐ-CP ngày 16/12/2004 của Chính phủ quy định về quản lý chất lượng công trình xây dựng.

Không kê khai hải quan 50 triệu USD

Có 8 văn bản đề xuất của nhà thầu đề nghị chủ đầu tư cho phép thi công trước khi phê duyệt thiết kế một số hạng mục như nền móng xưởng nhiệt điện, nền móng hạng mục trung tâm điều hành và phòng thí nghiệm trung tâm; móng khu rửa methanol, TSA và Nitơ, khu tổng hợp Amoniac, khu chuyên hóa CO và thu hồi lưu huỳnh, xưởng máy nén khí, giá đỡ đường ống; nền móng hạng mục khi LPG và bể Methanol; tháp tạo hạt đạm urê, trạm biến áp 303, bồn đựng Amoniac; móng ống khói trạm nhiệt điện; móng 3 hạng mục (kho chứa hàng, kho chứa dầu và vật liệu hóa học, xưởng duy tu sửa chữa).

Qua kiểm tra hồ sơ nhật ký thi công, biên bản nghiệm thu đối với một số hạng mục cho thấy, một số hạng mục thi công và nghiệm thu trước khi được phê duyệt thiết kế như móng xưởng tổng hợp NH3 thi công trước khi phê duyệt thiết kế ngày 15/6/2010, nghiệm thu ngày 12/5/2010); móng chuyển hóa CO và thu hồi lưu huỳnh (thời gian bắt đầu thi công 30/5/2010, nghiệm thu ngày 1/6/2010, thiết kế được phê duyệt ngày 25/6/2010).

Theo thông tin từ phiên đàm phán ngày 23/12/2014, tại thời điểm 23/12/2012 (là ngày chủ đầu tư và nhà thầu thống nhất là ngày hoàn thành công trình) còn 224 hạng mục về công nghệ, cơ khí, điện, đo lường (theo phụ lục 2A,2B,2C) kèm theo các phiên đàm phán) còn phải khắc phục, sửa chữa, tiếp tục thi công. Đến nay vẫn còn 74 hạng mục chưa được khắc phục sửa chữa. Không nghiệm thu hoàn thành công trình để đưa vào sử dụng là chưa phù hợp với Điều 26, Nghị định 209/2004/NĐ-CP ngày 16/12/2004 về quản lý chất lượng công trình xây dựng; Nhà thầu không hoàn thành việc quan trắc lún công trình.

Có 152 thiết bị nhập khẩu (giá trị 50,546 triệu USD) không được Ban QLDA Nhà máy Đạm Ninh Bình kê khai hải quan (theo báo cáo của Ban QLDA do nhà thầu EPC cung cấp thông tin). Tuy nhiên, Ban QLDA chậm đối chiếu đơn hàng nhập thiết bị về công trường với danh mục đã kê khai hải quan để kịp thời phát hiện và kê khai bổ sung (chi tiết 152 thiết bị không được kê khai tại Phụ biểu 2a/BCKT-DADT).

Có 2 thiết bị là máy phân tích và bộ lọc phân tử của xưởng phân ly không khí theo hợp đồng xuất xứ là EU/G7. Tuy nhiên, trên tờ khai hải quan, hóa đơn thương mại, bảng kê hàng hóa, chứng thư giám định và báo cáo của Ban QLDA với Tập đoàn hóa chất Việt Nam thì xuất xứ 2 thiết bị này là của Trung Quốc.

Có 316 thiết bị có sự thay đổi về thông số kỹ thuật giữa thiết kế, nghiệm thu so với hợp đồng. Các thay đổi này đã được Ban QLDA thay mặt chủ đầu tư phê duyệt. Tuy nhiên, nội dung của báo cáo thẩm định số 96/TĐ/ĐTXD ngày 29/12/2009 của Tổng công ty hóa chất Việt Nam chưa đề cập đến sự thay đổi về thông số kỹ thuật của các thiết bị này có ảnh hưởng đến tính đồng bộ, hay các thông số khi vận hành hay không. Như vậy là chưa phù hợp với quy định tại Khoản 2, Điều 16, Nghị định số 16/2005/NĐ-CP ngày 7/2/2005 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình.

Hệ thống thiết bị thu hồi lưu huỳnh với giá trị đầu tư ghi trên hợp đồng khoảng 29 tỷ đồng. Từ khi nhận bàn giao còn nhiều tồn tại về công nghệ, thiết bị chưa khắc phục được, do đó hoạt động không ổn định. Sau khi đưa vào sẻ dụng được 38 tháng, hệ thống đã bị hỏng, không sử dụng được từ cuối năm 2015, làm giảm hiệu quả đầu tư.

Theo ghi nhận tại biên bản họp rà soát các vấn đề tồn tại của công đoạn thu hồi lưu huỳnh ngày 12/3/2018 do công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình tổ chức đã đánh giá nguyên nhân, lý do hỏng hóc là do “hệ thống lưu huỳnh từ khi tiếp nhận từ HQEC còn nhiều các tồn tại do đó hoạt động không ổn định. Hệ thống đã ngừng hoạt động từ cuối năm 2015 do tồn tại về công nghệ, thiết bị chưa khắc phục được. Đối với thiết bị động P1451A/B…K1452A/B rò nứt vành quạt. Hệ thống van chặn, bẫy hơi hỏng, làm việc kém hiệu quả gây đóng cục lưu huỳnh. Về mặt công nghệ, một số điểm nhiệt không đạt được như thiết kế, như đường khí ra khỏi đoạn 1 lò đốt B1451, đoạn 2-E1451…”

Tuy nhiên, Kiêm toán Nhà nước cho rằng, chủ đầu tư và đơn vị tư vấn giám sát không có ghi nhận các tồn tại này khi nhận bàn giao quyền điều hành nhà máy từ nhà thầu EPC để kịp thời xác định nguyên nhân và trách nhiệm của các bên liên quan…

Tin mới lên