Tiêu điểm

Dự án Điện LNG Bạc Liêu: Đại biểu truy vấn, Bộ trưởng nói không biết khi nào khởi công

(VNF) – Dự án nhà máy điện khí hóa lỏng LNG Bạc Liêu đã trở thành tâm điểm của phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh hôm nay (7/11).

Dự án Điện LNG Bạc Liêu: Đại biểu truy vấn, Bộ trưởng nói không biết khi nào khởi công

Ảnh minh họa

Không biết khi nào khởi công dự án nhà máy điện khí hóa lỏng LNG Bạc Liêu

Đại biểu đầu tiên chất vấn Bộ trưởng Trần Tuấn Anh về dự án nhà máy điện LNG Bạc Liêu là Nguyễn Huy Thái (đoàn Bạc Liêu). Ông Thái đưa ra câu hỏi cho Bộ trưởng Trần Tuấn Anh vào cuối buổi chất vấn ngày 6/11.

Theo ông Thái, dự án nhà máy điện LNG Bạc Liêu đã được báo cáo với Thủ tướng từ 18 tháng trước và đã được Thủ tướng đồng ý về nguyên tắc. Nhà đầu tư cũng đã hoàn thành thủ tục đầu tư từ 12 tháng trước, theo yêu cầu của Bộ Công Thương.

Thủ tướng đã hai lần chỉ đạo Bộ Công Thương có văn bản trình Thủ tướng phê duyệt bổ sung dự án và Quy hoạch điện VII điều chỉnh. Trong thời gian chờ đợi, các ban, bộ, ngành trung ương, tỉnh Bạc Liêu và Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh đã có không dưới 30 văn bản đề nghị Bộ Công Thương sớm trình Thủ tướng để phê duyệt dự án.

Tuy nhiên, cho đến nay, dự án vẫn chưa được Bộ trưởng Bộ Công Thương trình Thủ tướng phê duyệt.

Ông Thái đề nghị Bộ trưởng Trần Tuấn Anh giải thích tại sao lại có sự chậm trễ này và tỉnh Bạc Liêu cần làm gì để dự án này được trình Thủ tướng phê duyệt bổ sung vào Quy hoạch điện VII điều chỉnh.

Trả lời đại biểu Nguyễn Huy Thái vào sáng nay (7/11), Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết trước kia, ở Bạc Liêu có dự án nhà máy nhiệt điện Cái Cùng được đưa vào Quy hoạch điện VII điều chỉnh. Tuy nhiên, năm 2016, dự án này đã bị “khai tử”, vì thế tỉnh Bạc Liêu mới đề nghị đưa dự án nhà máy điện LNG vào trong Quy hoạch.

Tháng 12/2018, Bộ Công Thương đã triển khai xin ý kiến các bộ ngành về việc bổ sung quy hoạch và thực hiện dự án nhà máy điện LNG Bạc Liêu. Tới tháng 3/2019, Bộ đã có văn bản báo cáo Chính phủ, Thủ tướng về việc bổ sung dự án này vào quy hoạch phát triển điện lực quốc gia.

Tháng 8/2019, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã họp để xem xét đề nghị bổ sung quy hoạch dự án nhà máy điện LNG Bạc Liêu cũng như các quy hoạch có liên quan ở Long Xuyên, Cà Ná.

Phó thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương rà soát, đánh giá tổng hợp, bổ sung một số khía cạnh liên quan đến dự án nhà máy điện LNG Bạc Liêu và các dự án khác để đảm bảo hiệu quả cũng như tác động tới cân đối điện, mặt bằng giá điện…

Tháng 9/2019, Bộ Công Thương tiếp tục xin ý kiến các bộ ngành về dự án nhà máy điện LNG Bạc Liêu. Sau đó, ngày 30/10/2019, Bộ đã có văn bản gửi Thủ tướng về các dự án điện, trong đó có dự án nhà máy điện LNG Bạc Liêu.

“Như vậy, Bộ Công Thương đã 2 lần báo cáo Thủ tướng để bổ sung quy hoạch dự án (nhà máy điện LNG Bạc Liêu). Chính phủ sẽ xem xét sau khi có tổng hợp theo hướng dẫn của Thường vụ Quốc hội về luật pháp và sẽ xem xét bổ sung quy hoạch để triển khai thực hiện thời gian tới”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết.

Ông Tuấn Anh cho biết thêm: hiện nay, theo chỉ đạo của Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Bộ Công Thương đã hoàn tất báo cáo bổ sung cuối cùng về tất cả khía cạnh liên quan đến 3 trung tâm điện lực và đang đợi Thủ tướng, Thường trực Chính phủ cho ý kiến.

“Ngay sau khi có ý kiến bổ sung thì Bộ Công Thương sẽ triển khai thực hiện dự án. Thời điểm để tổ chức thực hiện thì tôi chắc không thể nói được là thời điểm nào. Tôi hi vọng sẽ sớm được thực hiện vào đầu năm 2020”, ông Tuấn Anh nói.

Đại biểu Quốc hội truy vấn Bộ trưởng Trần Tuấn Anh

Sau phần trả lời trên của Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (đoàn Bến Tre) đã chất vấn ngược lại. Ông Nhưỡng nói: “Nếu chúng ta để cho dự án điện Cà Ná đưa vào hoạt động, điều này sẽ không đảm bảo cho nhu cầu về điện của Đồng bằng sông Cửu Long. Tuy nhiên, giá điện của dự án này là 8,5 cent còn dự án điện Bạc Liêu chỉ 7 cent thôi. Như vậy, trong vòng 25 năm, ng ười dân có nguy cơ thiệt hại khoảng từ 6 đến 11 tỷ USD”.

“Chính vì vậy, nên tôi mong muốn dự án điện Bạc Liêu phải được xem xét một cách cẩn trọng. Trong bối cảnh chúng ta đã thất bại tại dự án nhiệt điện Long Phú, chúng ta phải tập trung vào dự án điện Bạc Liêu để phục vụ cho Đồng bằng sông Cửu Long”, ông Nhưỡng nói.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP. HCM) cũng phát biểu: “Tôi được tin Chính phủ Mỹ cũng ủng hộ dự án điện Bạc Liêu. Tổ hợp này chịu trách nhiệm cung cấp khí đối với vùng biển Tây Nam, bởi vậy nó có thể góp phần cả về an ninh quốc phòng trên biển. Bộ Quốc phòng cũng ủng hộ dự án này.

“Xem xét kỹ, đọc kỹ các hồ sơ, tôi cho rằng hoàn toàn có đủ điều kiện để chúng ta sớm bổ sung (dự án) vào Quy hoạch điện VII ngay trong năm nay chứ không cần kéo dài hơn. Tôi nghĩ Thủ tướng cũng đang chờ việc này trình lên để ký”.

Đại biểu Lê Thanh Vân (đoàn Cà Mau) nói thêm: “Dự án điện Bạc Liêu đã hoàn tất thủ tục và ngày 9/4/2019, văn bản của Văn phòng Chính phủ đã truyền đạt ý kiến của Thủ tướng cho triển khai. Trách nhiệm này thuộc Bộ Công Thương”.

Đại biểu Vân cho biết dự án được cho là vướng Luật Quy hoạch nên triển khai chậm trễ. Tuy nhiên, trong phiên họp Thường vụ Quốc hội hồi tháng 6/2019, Chủ tịch Quốc hội đã khẳng định dự án không vướng Luật Quy hoạch.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng khẳng định dự án điện Bạc Liêu không chịu tác động bởi điểm a, khoản 1, Điều 59 Luật Quy hoạch.

“Nhưng đến nay, Nghị quyết 751 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giải thích một số điều của Luật Điện lực để kéo dài thời gian triển khai các dự án này, làm như vậy là mình không tuân thủ cam kết với nhà đầu tư.

“Tôi đề nghị, đây là dự án kỳ vọng thu hút đầu tư của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, là nơi chúng ta đang rất quan tâm. Đảng và Quốc hội đều luôn luôn hướng về Đồng bằng sông Cửu Long, nhưng trách nhiệm của Bộ Công Thương tôi thấy không tích cực, thậm chí cố ý làm trái Luật Quy hoạch, cố ý làm trái chỉ đạo của Thủ tướng. Tôi đề nghị Thủ tướng phải chỉ đạo triển khai ngay các dự án này”, ông Vân nói.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Các dự án phải cạnh tranh với nhau để vào quy hoạch

Trả lời chất vấn nêu trên của đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh: dự án điện LNG Bạc Liêu hay bất cứ dự án nào khác, nguyên tắc đầu tiên để đảm bảo xem xét tính khả thi và hiệu quả là giá thành sản xuất điện.

“Giá điện sơ bộ dự án điện Bạc Liêu có thể đạt 7 cent. Chúng tôi đã ghi nhận điều này trong báo cáo tổng thể của dự án trình Chính phủ”, ông Tuấn Anh nói và cho biết quy trình đánh giá các dự án điện (kể cả Sơn Mỹ, Long Sơn, Cà Ná) đều nghiêm túc và công khai.

“Chắc chắn các dự án này phải cạnh tranh với nhau để được vào quy hoạch; nhất định không đánh giá một cách hời hợt và không để xảy ra tình trạng tự động dành cơ hội vào quy hoạch. Về vấn đề này, chúng tôi sẽ thực hiện nghiêm túc và báo cáo Thủ tướng, quyền quyết định cuối cùng là của Thủ tướng”, ông Tuấn Anh nói.

Trả lời thêm về dự án điện Bạc Liêu, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết: nhà đầu tư đề nghị đầu tư với tổng công suất 3.200MW, Thủ tướng đã đồng ý chủ trương bổ sung quy hoạch và yêu cầu Bộ Công Thương tính toán tổng thể, đảm bảo cơ cấu nguồn hợp lý trong tổng thể các dự án điện khí giai đoạn đến năm 2030.

“Bộ Công Thương đã tích cực thực hiện những chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đã họp nhiều lần về vấn đề này”, Phó thủ tướng nhấn mạnh.

Tuy nhiên, Phó thủ tướng cũng cho biết tính đến nay, Bộ Công Thương mới trình bổ sung trên 800MW trong tổng thể 3.200MW của cụm dự án và nếu như vậy thì rất khó khăn cho việc lập kế hoạch đầu tư tổng thể, đặc biệt là cảng và kho khí.

“Vấn đề này, tỉnh Bạc Liêu cũng có ý kiến đề nghị là bổ sung thêm, thay mặt Thủ tướng Chính phủ tôi cũng đề nghị Bộ Công Thương xem xét kỹ thêm để bổ sung quy hoạch tổng thể cụm này trong tổng thể các cụm khí của cả nước để báo cáo Thủ tướng Chính phủ để có thể đầu tư đồng bộ.

“Về vấn đề khí, có thể làm từng giai đoạn nhưng cảng cần phải đầu tư làm trước, rồi vấn đề kho khí… tất cả những vấn đề đó chúng ta cần phải đầu tư một cách hệ thống như vậy. Q an điểm của Thủ tướng Chính phủ là rất ủng hộ những dự án đầu tư điện khí, đặc biệt là khu vực phía Nam để chúng ta bù đắp lại những phần thiếu hụt, giảm việc vận tải điện từ Bắc vào Nam”, Phó thủ tướng nói.

Tin mới lên