Bất động sản

Dự án đường Vành đai 2,5: 10 năm không giải phóng được mặt bằng

Dự án đường Vành đai 2,5, đoạn Đầm Hồng - Quốc lộ 1A được UBND TP. Hà Nội phê duyệt quy hoạch từ năm 2002, quyết định giải phóng mặt bằng (GPMB) từ năm 2010. Đến nay, sau 10 năm, công tác GPMB của dự án vẫn còn nhiều vướng mắc khiến tiến độ thi công chậm gần 4 năm.

Dự án đường Vành đai 2,5: 10 năm không giải phóng được mặt bằng

Cầu sông Lừ phơi mưa nắng nhiều năm qua. Ảnh: Ngọc Hải

7 lần đốc thúc

Ngày 6/4/2010, UBND TP. Hà Nội ban hành Quyết định số 1555/QĐ-UBND thu hồi 67.125m2 đất tại phường Định Công, phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai và phường Khương Đình, quận Thanh Xuân; giao cho Trung tâm Phát triển quỹ đất và quản lý duy tu hạ tầng đô thị quận Hoàng Mai (nay là Trung tâm phát triển quỹ đất quận Hoàng Mai) để thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, thực hiện dự án đầu tư xây dựng tuyến đường Vành đai 2,5, đoạn từ Đầm Hồng - Quốc lộ 1A. Dự án có tổng chiều dài toàn tuyến khoảng 2,1km, mặt cắt ngang đường 40m.

Để thực hiện dự án, quận Hoàng Mai phải thu hồi, GPMB 58.412m2, tại các phường: Định Công: 51.333m2; Thịnh Liệt: 7.079m2. Quận Thanh Xuân phải GPMB 8.713m2 đất thuộc phường Khương Đình.

Tính chung toàn dự án có khoảng 620 phương án bồi thường, hỗ trợ, trong đó quận Hoàng Mai có 588 hộ, quận Thanh Xuân có 32 phương án; chủ yếu là đất ở của người dân, chỉ có 5 tổ chức, cơ quan. Từ năm 2010 đến nay, UBND TP. Hà Nội đã có 7 lần văn bản đốc thúc các địa phương sớm hoàn thành GPMB, bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư. Gần nhất, UBND TP đã yêu cầu các địa phương phải hoàn thành GPMB toàn bộ dự án trong tháng 3 vừa qua.

Nhưng trên thực tế, dự án mới phê duyệt được 617/620 phương án bồi thường, hỗ trợ (585 phương án thuộc quận Hoàng Mai và 32 phương án thuộc quận Thanh Xuân) với số tiền 465,1 tỷ đồng, đạt 95% số lượng. Nhà đầu tư đã giải ngân chi trả cho 516 hộ dân đồng thuận nhận tiền và chuyển tiền vào kho bạc đối với 16 hộ thuộc diện cưỡng chế.

Hiện dự án vẫn còn 85 phương án hỗ trợ người dân chưa nhận tiền. Trong đó phường Định Công có 57 phương án; phường Thịnh Liệt có 26 phương án; và phường Khương Đình có 1 phương án. Ngoài ra còn 3 phương án thuộc phường Định Công chưa được phê duyệt, và chưa biết còn kéo dài đến bao giờ.

Tính chung toàn dự án, diện tích đất đã bàn giao cho nhà đầu tư là 59.711m2, chiếm 89%. Tuy nhiên diện tích thi công thực tế chỉ chiếm khoảng 34.000m2, đạt 51%, với chiều dài khoảng 1,3km. Theo lý giải của nhà đầu tư, diện tích chưa thi công được khoảng 25.711m2, nguyên nhân là đất đường giao thông, ngõ xóm trong khu dân cư và chưa có đường vào để triển khai.

Như vậy, sau 10 năm, dự án vẫn tồn tại 88 phương án chưa nhận tiền và bàn giao mặt bằng. Cụ thể, 85 phương án đã phê duyệt nhưng chưa nhận tiền, trong đó 58 phương án tại Định Công; 26 phương án tại Thịnh Liệt; 1 phương án tại Khương Đình (đã bàn giao mặt bằng). Và 3 phương án mới đang dự thảo, chưa phê duyệt tại phường Định Công.

Hệ lụy phức tạp

Chuyên viên Phòng PPP, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP. Hà Nội Nguyễn Tất Thắng chia sẻ, tuyến đường Vành đai 2,5 khi hoàn thành, đưa vào sử dụng sẽ giảm tải cho Quốc lộ 6, kết nối với đường Lê Trọng Tấn (Thanh Xuân), và thông ra Vành đai 3, đoạn Nguyễn Xiển, Nguyễn Trãi.

Đây cũng là dự án chờ đấu nối vào hầm chui Kim Đồng (Hoàng Mai), nhằm giải tỏa điểm nghẽn cho nút giao Kim Đồng - Giải Phóng. Hiện nay, do dự án chậm tiến độ, lưu lượng giao thông trên trục đường Nguyễn Trãi (Thanh Xuân) không có hướng giải tỏa nên thường xuyên ùn tắc.

Phó Giám đốc Công ty TNHH đầu tư xây dựng Hoàng Mai Hà Nội Đinh Quang Tiến cho biết, chính thức ký từ đầu năm 2014, theo đúng tiến độ sẽ phải bàn giao vào cuối năm 2016, nhưng đến nay vẫn chưa hoàn thành do vướng mắc trong GPMB. Chủ đầu tư đã phải bỏ ra ngót 600 tỷ đồng để triển khai dự án, đối với doanh nhân, hiệu quả đầu tư theo tính toán ban đầu đã “phá sản”.

Trong khi đó vẫn phải chi phí cho máy móc, con người nằm chờ nên khó khăn càng chồng chất. Bên cạnh đó, việc chậm tiến độ dự án kéo theo rất nhiều hệ luỵ, từ đời sống của người dân đến an ninh, trật tự, vệ sinh môi trường trong phạm vi dự án bị ảnh hưởng rất lớn. Hiện hạng mục cầu Đền Lừ mới thi công được trụ giữa sông, không có mặt bằng để thi công mố và nhịp, buộc phải phơi mưa nắng nhiều năm.

Nhiều người dân trong khu vực tỏ ra rất bức xúc do công trình chậm tiến độ, đường sá sụt lún, nhiều nơi biến thành bãi rác, điểm tập kết rác, mùi hôi thối nồng nặc quanh năm, mất vệ sinh môi trường nghiêm trọng.

Theo nhà đầu tư, dự án cần phải có 3 - 4 cuộc cưỡng chế thu hồi, GPMB nữa mới có mặt bằng để triển khai. “Chúng tôi rất mong sớm có mặt bằng để triển khai, hoàn thành Dự án. Trong đó đặc biệt kiến nghị Chính quyền địa phương ưu tiên GPMB trước khu vực xây dựng cầu Đền Lừ” - ông Tiến chia sẻ.

Tin mới lên