Bất động sản

Dự án sân bay Long Thành – giai đoạn 1 sẽ vỡ tiến độ?

(VNF) – Chính phủ cho rằng dự án sân bay Long Thành – giai đoạn 1 có thể đạt tiến độ như nghị quyết của Quốc hội giao là vào năm 2025, tuy nhiên báo cáo của Ủy ban Kinh tế (thuộc Quốc hội) lại nhấn mạnh rằng “qua tham khảo việc xây dựng các cảng hàng không đã thực hiện thì tiến độ này là rất khó khả thi”.

Dự án sân bay Long Thành – giai đoạn 1 sẽ vỡ tiến độ?

Phối cảnh sân bay Long Thành

Theo Ủy ban Kinh tế, có nhiều ý kiến băn khoăn về tiến độ hoàn thành của dự án sân bay Long Thành – giai đoạn 1, vì sau khi báo cáo nghiên cứu khả thi được phê duyệt còn rất nhiều thủ tục khác phải triển khai như: lập, phê duyệt thiết kế kỹ thuật dự án, sau đó mới khởi công. Và thời gian cần thiết để hoàn thành còn khá dài.

Mặt khác, công tác đền bù giải phóng mặt bằng theo Nghị quyết 53 của Quốc hội đang được UBND tỉnh Đồng Nai thực hiện. Tính đến tháng 08/2019 việc giải ngân mới chỉ đạt 1,07% (khoảng 123 tỷ đồng) mức vốn được giao (dự kiến đến hết năm 2019 chỉ đạt 15,75%), do vậy nhiều ý kiến cho rằng tiến độ thu hồi đất khó bảo đảm.

“Nếu điều này xảy ra sẽ ảnh hưởng lớn đến tiến độ giai đoạn 1 của dự án. Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ có các giải pháp, chỉ đạo quyết liệt để dự án hoàn thành đúng tiến độ khi đã được Quốc hội thông qua”, báo cáo thẩm tra viết.

Nên bổ sung 136ha đất phải thu hồi làm 2 tuyến giao thông vào dự án sân bay Long Thành – giai đoạn 1

Một trong những nội dung đề xuất tại tờ trình của Chính phủ về báo cáo tiền khả thi dự án sân bay Long Thành – giai đoạn 1 là việc bổ sung thu hồi đất phục vụ 2 tuyến giao thông kết nối.

Cụ thể, đơn vị tư vấn đã đề xuất giai đoạn 1 sẽ đầu tư 2 tuyến giao thông:

Tuyến số 1 (dài 3,8 km), kết nối trục chính sân bay (đầu phía Tây) với Quốc lộ 51; giai đoạn 1 đầu tư với quy mô 6 làn xe; thực hiện giải phóng mặt bằng theo quy mô hoàn chỉnh (10 làn xe chạy chính và 06 làn đô thị song hành), bề rộng mặt cắt ngang thay đổi từ 85-120 m.

Tuyến số 02 (dài 3,5 km), kết nối tuyến số 01 với đường cao tốc TP. HCM - Long Thành - Dầu Giây; quy mô mặt cắt ngang gồm 4 làn xe theo 2 nhánh chạy độc lập, song hành với cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu.

Do 2 tuyến đường bộ này trực tiếp phục vụ khai thác sân bay Long Thành, đồng thời tuyến số 1 sẽ là đường công vụ chính để ra vào thi công giai đoạn 1 của dự án nên cần bố trí vốn kịp thời để triển khai sớm.

Vì thế, Chính phủ trình Quốc hội xem xét, chấp thuận chủ trương bổ sung hai tuyến này vào sân bay Long Thành và giao ACV trực tiếp đầu tư.

Tổng chi phí dự kiến khoảng 4.802 tỷ đồng (trong đó, chi phí đầu tư xây dựng là 3.233 tỷ đồng và chi phí giải phóng mặt bằng là 1.569 tỷ đồng) và diện tích cần giải phóng mặt bằng khoảng 136 ha.

Đối với đề xuất này, Ủy ban Kinh tế cho rằng cần làm rõ việc đền bù, giải phóng mặt bằng đối với phần diện tích 136 ha gồm: loại đất cần thu hồi, tác động của việc thu hồi đất đối với người dân, chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư.

Theo Ủy ban, hiện nay, công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của dự án sân bay Long Thành đã được tách riêng thành một dự án độc lập và giao UBND tỉnh Đồng Nai thực hiện. Do vậy, Chính phủ cần làm rõ việc thu hồi diện tích đất này theo hướng sẽ được bổ sung, sửa đổi vào Nghị quyết số 53 của Quốc hội hay đưa vào Nghị quyết về báo cáo nghiên cứu khả thi giai đoạn 1; kinh phí phát sinh tính vào dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo Nghị quyết 53 hay tính vào dự án sân bay Long Thành giai đoạn 1.

Ủy ban Kinh tế nhận thấy, nếu bổ sung diện tích đất thu hồi vào Nghị quyết 53 thì trình tự, thủ tục phức tạp, ảnh hưởng đến tiến độ của dự án sân bay Long Thành.

Do đó, Ủy ban đề nghị đưa diện tích đất thu hồi vào giai đoạn 1 của dự án sân bay Long Thành để thi công nhanh 02 tuyến giao thông kết nối, trước mắt là đường công vụ phục vụ cho việc thi công các hạng mục của sân bay; kinh phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư lấy từ vốn đầu tư giai đoạn 1 của dự án.

Tán thành việc điều chỉnh đất sử dụng cho quốc phòng

Theo Nghị quyết 94 của Quốc hội, diện tích đất cho quốc phòng là 1.050 ha. Tuy nhiên, tại báo cáo nghiên cứu khả thi, Chính phủ kiến nghị điều chỉnh, trong số 1.050 ha đất này, có 570 ha dùng riêng cho quốc phòng và 480 ha dùng chung giữa quân sự và dân sự (đường cất hạ cánh số 4 và đường lăn).

Ủy ban Kinh tế tán thành với việc sử dụng diện tích đất dùng chung (480ha). Việc dùng chung diện tích đất này vừa bảo đảm sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả, vừa bảo đảm thực hiện kết hợp giữa kinh tế với quốc phòng. Việc quản lý, sử dụng diện tích đất dùng chung thực hiện theo quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật về hàng không dân dụng Việt Nam.

Ủy ban Kinh tế cũng lưu ý có ý kiến đề nghị có cơ chế để quân đội cùng sử dụng sân bay Long Thành ngay khi hoàn thành giai đoạn 1, không phải chờ đến khi hoàn thành đường cất hạ cánh số 4 ở giai đoạn 3 của dự án.

Tin mới lên