Bất động sản

Dự án Trung tâm Vũ trụ Việt Nam: Tại sao điều chỉnh kết quả chọn thầu tư vấn?

Gói thầu TV1-TTVTVN Dịch vụ tư vấn thuộc dự án Trung tâm Vũ trụ Việt Nam được tổ chức lựa chọn nhà thầu và phê duyệt kết quả từ năm 2016 và 2017. Tuy nhiên, do dự án phải tạm dừng và điều chỉnh mục tiêu đầu tư nên gói thầu TV1-TTVTVN cũng buộc phải điều chỉnh lại.

Dự án Trung tâm Vũ trụ Việt Nam: Tại sao điều chỉnh kết quả chọn thầu tư vấn?

Trung tâm Vũ trụ Việt Nam tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc (huyện Thạch Thất, Hà Nội)

Vào năm 2011, Chính phủ hai nước Việt Nam và Nhật Bản đã ký Hiệp định vay vốn ODA để thực hiện dự án phòng chống thiên tai và biến đổi khí hậu sử dụng vệ tinh quan sát trái đất (dự án Trung tâm Vũ trụ Việt Nam). Dự án có tổng mức đầu tư là 54,4 tỷ yên (tương đương hơn 12.363 tỷ đồng), sử dụng nguồn vốn vay ODA của Chính phủ Nhật Bản và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam từ ngân sách nhà nước, trái phiếu chính phủ. Thời gian thực hiện là từ năm 2011 đến năm 2020. Dự án được chia thành 5 dự án thành phần, khởi công vào tháng 9/2012.

Tuy nhiên, năm 2017, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu dừng triển khai dự án để điều chỉnh lại mục tiêu đầu tư. Ngày 26/7/2019, Thủ tướng ban hành Quyết định số 45/QĐ-TTg về việc phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án. Trong đó, tổng mức đầu tư giảm xuống còn 7.343,6 tỷ đồng. Thời gian hoàn thành dự án là năm 2023. Mục tiêu chế tạo 2 vệ tinh giảm xuống còn 1 vệ tinh. Do đó, khoảng 20 - 30% nội dung công việc của Gói thầu TV1-TTVTVN cũng bị cắt giảm.

Theo đó, tại Quyết định số 82/QĐ-VTVN điều chỉnh kết quả lựa chọn nhà thầu Gói thầu TV1-TTVTVN của Trung tâm Vũ trụ Việt Nam - bên mời thầu (thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam - chủ đầu tư), giá trúng thầu sau điều chỉnh là 696,253 triệu yên và 44,695 tỷ đồng. Thời gian thực hiện hợp đồng sau điều chỉnh là 48 tháng. Ngoài ra, các nội dung khác tại Quyết định số 199/QĐ-VTQG ngày 14/7/2017 của Trung tâm Vệ tinh Quốc gia (nay là Trung tâm Vũ trụ Việt Nam) về việc phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu Gói thầu TV1-TTVTVN được giữ nguyên.

Trước đó, Gói thầu TV1-TTVTVN được tổ chức đấu thầu hạn chế quốc tế không qua sơ tuyển vào năm 2016 với giá gói thầu là 1,162 tỷ yên và 83,823 tỷ đồng. Danh sách ngắn gồm có 2 liên danh nhà thầu Nhật Bản. Nhà thầu được lựa chọn trúng thầu là Liên danh PADECO - Japan Space Systems - Nippon Koei Co., Ltd - Nihon Sekkei Inc. Giá trúng thầu là 83,823 tỷ đồng và 1,162 tỷ yên. Tại thời điểm này, theo Trung tâm Vũ trụ Việt Nam, chủ đầu tư và nhà thầu trúng thầu mới thương thảo hợp đồng chứ chưa ký hợp đồng.

Liên quan đến việc điều chỉnh kết quả lựa chọn nhà thầu của Gói thầu TV1-TTVTVN, theo Bên mời thầu, do Nhà thầu trúng thầu đã bám sát suốt tiến trình của Dự án và nắm bắt thông tin từ phía Nhà tài trợ vốn nên việc đàm phán, thỏa thuận điều chỉnh lại Gói thầu diễn ra thuận lợi, nhận được sự đồng thuận để đi đến ký kết hợp đồng.

Đối với các Gói thầu khác của Dự án Trung tâm Vũ trụ Việt Nam, tính đến ngày 24/4/2020, có 35 Gói thầu đã hoàn thành việc lựa chọn nhà thầu. Trong đó, Liên danh Công ty TNHH MTV 129 - Công ty Cổ phần Thương mại và Đầu tư Mai Anh - Công ty TNHH MTV BCA - Thăng Long trúng 2 Gói thầu xây lắp quy mô lớn. Đó là: Gói thầu XD2-DATP5 Thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị các hạng mục công trình tại Khu Bắc Trung tâm Vũ trụ Việt Nam (giá trúng thầu là 124,195 tỷ đồng) và Gói thầu XD-DATP5 Thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị các hạng mục công trình tại Khu Nam Trung tâm Vũ trụ Việt Nam (giá trúng thầu là 169,953 tỷ đồng). Nhà thầu Sumitomo Corporation (Nhật Bản) trúng Gói thầu MS2-DATP3 Vệ tinh I, Thiết bị I và đào tạo nhân lực thuộc Dự án thành phần 3 Vệ tinh I, Thiết bị I và đào tạo nhân lực với giá trúng thầu là 62,623 tỷ đồng và 19,067 tỷ yên...

Tin mới lên