Bất động sản

Dự án tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên chậm tiến độ

Dự án tuyến metro số 1 TP. HCM (Bến Thành - Suối Tiên) đang bị chậm tiến độ và có thể hoàn thành vào cuối năm 2023, đầu năm 2024 do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Dự án tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên chậm tiến độ

Thi công đoạn trên cao và depot thuộc gói thầu CP2 của tuyến metro số 1.

Theo thông tin vừa được Ban Quản lý Đường sắt đô thị TP. HCM (Chủ đầu tư dự án) gửi Sở Giao thông vận tải để chuẩn bị nội dung báo cáo Quốc hội về tình hình thực hiện các dự án đường sắt đô thị trên địa bàn TP. HCM, dự án tuyến metro số 1 TP. HCM (Bến Thành - Suối Tiên) đang bị chậm tiến độ và có thể hoàn thành vào cuối năm 2023, đầu năm 2024 do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Hiện khối lượng tổng thể toàn dự án đạt 87,5%, dự kiến đến cuối năm 2021 đạt 91%.

Cụ thể, Tư vấn chung (Liên danh NJPT) đánh giá, tiến độ dự án khó có thể hoàn thành trong năm 2021. Hiện Ban Quản lý Đường sắt đô thị đang cùng Tư vấn chung và các nhà thầu thi công xây dựng lại tiến độ trên cơ sở đánh giá từng tác động cụ thể. Dự kiến thời gian hoàn thành dự án vào khoảng cuối năm 2023, đầu năm 2024.

Dự án metro số 1 có 5 gói thầu thi công, xây dựng và thiết bị chính; trong đó, đã ký kết và triển khai thi công 4 gói thầu gồm: CP1a (đoạn ngầm từ ga Bến Thành đến ga Nhà hát thành phố); CP1b (đoạn ngầm từ ga Nhà hát thành phố đến ga Ba Son); CP2 (đoạn trên cao và depot); CP3 (mua sắm thiết bị cơ điện, đầu máy toa xe, đường ray và bảo dưỡng). Trong khi đó, gói thầu CP4 (hệ thống công nghệ thông tin cho văn phòng công ty vận hành và bảo dưỡng đường sắt đô thị) dự kiến triển khai vào cuối năm 2021.

Theo đánh giá của Tư vấn chung, nhà thầu của gói thầu CP3 bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhiều hơn các nhà thầu của gói thầu xây lắp (CP1a, CP1b, CP2). Nguyên nhân là các công việc liên quan đến gói thầu CP3 chủ yếu tập trung ở nước ngoài như mua sắm, sản xuất, kiểm tra; việc vận chuyển, điều động chuyên gia nước ngoài để thực hiện thử nghiệm và vận hành thử...

Thời gian qua, dù chủ đầu tư và các nhà thầu đã có phương án và thực hiện các biện pháp thi công “3 tại chỗ”, di chuyển theo “2 điểm đến - 1 cung đường” nhưng số lượng nhân công của dự án vẫn tiếp tục giảm do ảnh hưởng việc hạn chế đi lại, nằm trong khu phong tỏa.... Những tháng đầu năm 2021, tại công trường metro số 1 duy trì trên 2.000 nhân sự thì đến đến tháng 8/2021 chỉ duy trì hơn 500 người. 

Ban Quản lý Đường sắt đô thị TP. HCM cho biết, việc sụt giảm mạnh nhân công, các chuyên gia nước ngoài không thể nhập cảnh và vật tư thiết bị cũng không thể được nhập cảnh đúng tiến độ đã ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ thi công dự án.

Về phía Ban Quản lý Đường sắt đô thị TP. HCM làm chủ đầu tư kiến nghị các cấp thẩm quyền xem xét tháo gỡ các vướng mắc trong thủ tục nhập cảnh cho chuyên gia của dự án. Bên cạnh đó, có các biện pháp hỗ trợ liên quan đến việc thông thương hàng hóa, thiết bị, vật tư trong việc vận chuyển nhập cảng và thông quan; đồng thời, có các biện pháp cấp phép (với số lượng được kiểm soát) các phương tiện vận chuyển vật tư, vật liệu, thiết bị của dự án trong thời gian kiểm soát di chuyển do ảnh hưởng của dịch bệnh.

Ban Quản lý Đường sắt đô thị TP. HCM cũng kiến nghị các cấp có thẩm quyền giao chủ đầu tư sớm tiến hành các thủ tục điều chỉnh thời gian thực hiện dự án theo quy định tại Nghị định số 56/2020/NĐ-CP ngày 25/5/2021 của Chính phủ về quản lý và sử dụng vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài trình các cấp có thẩm quyền thẩm định và phê duyệt. 

Theo Ban Quản lý Đường sắt đô thị TP. HCM, về chất lượng công trình đến nay đảm bảo theo đúng thiết kế và tiêu chuẩn kỹ thuật, đề cương quản lý chất lượng gói thầu quy định. Ngoài ra, việc kiểm tra an toàn đang được ban quản lý kiểm tra, giám sát chặt chẽ và thường xuyên nhằm hạn chế mức thấp nhất các rủi ro có thể xảy ra ngoài công trường.

Trước đó, năm 2019, dự án tuyến metro số 1 đã được UBND TP. HCM điều chỉnh tổng mức đầu tư lên 43.757 tỷ đồng, thời gian thực hiện dự án và vận hành vào cuối năm 2021.

Tin mới lên