Bất động sản

Dự kiến khai thác metro Nhổn - ga Hà Nội trong năm 2021

Sau 10 năm được khởi công, 2 ngày qua, Ban Quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội - MRB (chủ đầu tư) tập trung tiếp nhận và vận chuyển đoàn tàu metro từ cảng Hải Phòng về Hà Nội.

Dự kiến khai thác metro Nhổn - ga Hà Nội trong năm 2021

Hình ảnh đoàn tàu metro Nhổn - gà Hà Nội cập cảng Hải Phòng

Trong ngày 19/10, sau khi cập cảng Hải Phòng và trải qua 1 đêm vận chuyển trên xe siêu trường siêu trọng đoàn xe vận chuyển tàu metro Nhổn - ga Hà Nội đang được di chuyển về Hà Nội.

Dự kiến thời gian đoàn xe vận chuyển đoàn tàu đến đề-pô Nhổn là khoảng 5h sáng ngày 20/10. 
Chở đoàn tàu là đầu kéo rơ moóc chuyên dụng có 80 bánh xe và trọng tải 250 tấn.

Do xe siêu trường, siêu trọng không thể lưu thông qua hệ thống cầu, cửa trạm thu phí trên các tuyến cao tốc nên đơn vị vận chuyển phải chọn hành trình Quốc lộ 10 - Quốc lộ 1 (xa hơn đi cao tốc) để về Hà Nội tại khu đề-pô (trạm kỹ thuật) tại Nhổn (Bắc Từ Liêm).

Cũng để an toàn khi vận chuyển trên đường, xe siêu trường siêu trọng chở đoàn tàu chỉ được phép di chuyển về đêm.

Đại diện Ban MRB cho biết, dự án sử dụng 10 đoàn tàu vận hành liên tục trên thiết kế đoàn tàu đường sắt khổ tiêu chuẩn (1.435 mm), mỗi đoàn tàu gồm 4 toa. Khả năng chuyên chở mỗi đoàn tàu cao nhất 1.124 người/đoàn tàu, mật độ khoảng từ 6,6- 8 người/m2; tốc độ thiết kế vận chuyển của đoàn tàu là 80km/h, tốc độ vận hành thương mại là 35km/h.  

Rút ngắn thời gian thử nghiệm

Trao đổi với phóng viên chiều 19/10, ông Lê Trung Hiếu, Phó trưởng Ban Quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội - MRB cho biết, sau khi đưa đoàn tàu về nước, theo kế hoạch việc vận hành thử nghiệm đối với đoạn đi trên cao từ Nhổn về Cầu Giấy sẽ được thực hiện vào cuối năm 2021.

Tuy nhiên, với sự cần thiết cho vận tải công cộng và mong đợi của người dân Thủ đô, Ban đã đặt ra kế hoạch tháng 4/2021 sẽ vận hành thử nghiệm (sớm hơn khoảng 6 tháng).

“Nếu việc vận hành này diễn ra theo đúng các thông số kỹ thuật yêu cầu đặt ra của dự án, các đoàn tàu sẽ đưa vào khai thác thương mại ngay trong năm 2021 đối với đoạn trên cao, mốc theo kế hoạch là năm 2022”, ông Hiếu nói.

Ông Hiếu khẳng định, tiến độ này hoàn toàn có thể thực hiện được, bởi hiện đoạn trên cao đã thi công đến 98% và không còn vướng gì về mặt bằng; các thông số kỹ thuật dự án, hồ sơ an toàn, vận hành đoàn tàu (các nội dung đang bị thiếu tại dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông - PV) đều được nhà sản xuất Pháp cung cấp đầy đủ và rõ ràng cho chủ đầu tư.

Dự án đường sắt Nhổn - ga Hà Nội (tuyến số 03) được khởi công tháng 9/2010 và có tổng mức đầu tư đến nay là 1.176 triệu euro (khoảng 32.900 tỷ đồng) chủ yếu là vay ODA của Chính phủ Pháp, Ban quản lý dự án đường sắt, UBND thành phố làm đại diện chủ đầu tư.

Theo tiến độ dự kiến, năm 2021 dự án sẽ khai thác thương mại trước đoạn trên cao dài 8,5 km từ Nhổn đến ga S8 - Đại học Giao thông vận tải; đoạn 4 km đi ngầm còn lại sẽ khai thác vào cuối năm 2022.

Tin mới lên