Bất động sản

Dự kiến khởi công 3 dự án cao tốc phía Nam vào năm 2023, hoàn thành vào năm 2025

(VNF) - Tiếp tục chương trình nghị sự kỳ họp thứ 3, sáng 6/6, Quốc hội đã nghe báo cáo về chủ trương đầu tư các dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng (giai đoạn 1), Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột (giai đoạn 1), Biên Hòa-Vũng Tàu (giai đoạn 1).

Dự kiến khởi công 3 dự án cao tốc phía Nam vào năm 2023, hoàn thành vào năm 2025

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể trình bày Tờ trình của Chính phủ về chủ trương đầu tư các dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng, Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột, Biên Hòa-Vũng Tàu - (Ảnh: VGP)

Sáng 6/6, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể thừa ủy quyền của Thủ tướng trình bày trước Quốc hội tờ trình về Chủ trương đầu tư giai đoạn 1 các dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng; Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột; Biên Hòa - Vũng Tàu.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết việc sớm đầu tư 3 dự án là hết sức cấp thiết; nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải ngày càng tăng cao, giải quyết điểm nghẽn về hạ tầng giao thông vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, phát huy tiềm năng, khai thác lợi thế của vùng Tây Nguyên, vùng ĐBSCL.

Đó là Dự án đường cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu dài 53,7 km qua 2 tỉnh, kết nối TP. Biên Hòa với cảng biển Cái Mép-Thị Vải; đầu tư giai đoạn 1 với quy mô 4-6 làn xe; Dự án đường cao tốc Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột dài 117,5 km qua 2 tỉnh, kết nối TP. Buôn Ma Thuột với cảng biển Nam Vân Phong; đầu tư giai đoạn 1 với quy mô 4 làn xe; Dự án đường cao tốc Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng dài 188,2 km qua 4 tỉnh/thành phố, kết nối TP. Châu Đốc với cảng biển Trần Đề; đầu tư giai đoạn 1 với quy mô 4 làn xe.

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết Chính phủ đã xây dựng một số cơ chế chính sách đặc thù và nếu được áp dụng, dự kiến tiến độ các dự án như sau: Chuẩn bị đầu tư năm 2022, khởi công năm 2023, dự án Biên Hòa-Vũng Tàu cơ bản hoàn thành năm 2025; dự án Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột, Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng cơ bản hoàn thành một số đoạn có lưu lượng lớn năm 2025 và toàn tuyến năm 2026.

Sau khi Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư, Thủ tướng Chính phủ sẽ xem xét phân cấp cho một số địa phương làm chủ quản đầu tư dự án thành phần.

Thẩm tra về nội dung trên, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh khẳng định các dự án thuộc các tiêu chí phân loại dự án quan trọng quốc gia, việc Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định là đúng quy định.

Ủy ban Kinh tế nhất trí với sự cần thiết đầu tư 3 dự án này với những lý do đã nêu tại Tờ trình Chính phủ nhằm cụ thể hóa Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030 đã được Đại hội lần thứ XIII của Đảng thông qua. Đồng thời, việc đầu tư các tuyến cao tốc này sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của các vùng có tuyến cao tốc đi qua, giúp tăng cường việc bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Các dự án được lập cơ bản phù hợp với Chiến lược, Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội đã được Đại hội lần thứ XIII của Đảng thông qua; Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, phù hợp với quy hoạch có liên quan và Kế hoạch thực hiện Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (3 dự án được triển khai đầu tư trong giai đoạn 2021-2025).

Một số ý kiến đại biểu Quốc hội cho rằng việc triển khai thực hiện nhiều dự án đường cao tốc với quy mô yêu cầu kỹ thuật phức tạp trong cùng một thời gian ngắn sẽ cần một nguồn lực rất lớn, trong khi các địa phương được giao triển khai thực hiện 3 dự án cũng chưa có kinh nghiệm về tổ chức thực hiện dự án đường cao tốc. Do đó, Ủy ban Kinh tế nhận thấy việc triển khai 3 dự án sẽ gặp khó khăn trong việc bảo đảm tiến độ, chất lượng, vì vậy đề nghị cần phải đánh giá một cách đầy đủ hơn về khả năng giải ngân, hấp thụ vốn, sự cân đối và hiệu quả trong phân bổ nguồn lực, năng lực quản lý, thi công để có giải pháp kịp thời, đồng bộ. Chính phủ và các địa phương cần cam kết trách nhiệm tổ chức thực hiện bảo đảm hiệu quả, tiến độ, chất lượng cho các dự án này và các dự án quan trọng khác cùng được triển khai, đồng thời cần tăng cường vai trò của Bộ Giao thông Vận tải trong việc tổ chức thực hiện.

Để thuận lợi cho việc phân cấp, Chính phủ kiến nghị phân chia các dự án thành phần theo nguyên tắc nằm trên địa bàn một tỉnh. Tuy nhiên, việc phân chia các dự án thành phần như vậy sẽ không bảo đảm điều kiện vận hành độc lập của các dự án thành phần. Do đó, đề nghị Chính phủ làm rõ hơn giải pháp để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất cho toàn bộ các dự án này và thuận lợi cho việc quản lý, khai thác, vận hành, thu phí về sau.

Tin mới lên