Tiêu điểm

'Dù là cảnh sát giao thông hay Tổng cục trưởng cũng phải am hiểu Chính phủ điện tử'

(VNF) - Theo Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, dù là cảnh sát giao thông hay tổng cục trưởng hay là vụ trưởng, người đứng đầu nói chung cũng phải am hiểu và triển khai Chính phủ điện tử.

'Dù là cảnh sát giao thông hay Tổng cục trưởng cũng phải am hiểu Chính phủ điện tử'

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.

Phát biểu tại hội nghị trực tuyến toàn quốc của Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử với Ban Chỉ đạo Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử bộ, ngành, địa phương, tổ chức ngày 12/2, Thủ tướng cho rằng "xây dựng Chính phủ điện tử là một việc lớn mà việc lớn thì phải thường xuyên sơ kết, tổng kết, kiểm tra, đôn đốc, phát huy ưu điểm, sửa chữa khuyết điểm và phải huy động cả hệ thống vào cuộc thì mới thành công”.

Người đứng đầu Chính phủ nhận định, việc xây dựng Chính phủ điện tử thì yếu tố con người, thể chế là đầu tiên, sau đó mới đến công nghệ.

Nhận định Việt Nam mới đứng thứ 88/193 quốc gia, vùng lãnh thổ về xây dựng Chính phủ điện tử, đứng thứ 6/11 nước ASEAN, Thủ tướng đặt câu hỏi về nguyên nhân nào chúng ta xếp hạng chưa cao?, đồng thời nhận định một số khâu còn làm chậm, chưa đồng bộ, quyết tâm. Nhiều nơi còn tình trạng “án binh bất động”.

Định hướng nhiệm vụ năm 2020, Thủ tướng yêu cầu tập trung mọi nguồn lực chỉ đạo quyết liệt để hoàn thành các mục tiêu, nhất là mục tiêu 30% tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, hiện nay mới đạt 10,7%.

Việc hoàn thiện thể chế cần đi trước để tạo hành lang pháp lý cho Chính phủ điện tử, Thủ tướng yêu cầu trong năm 2020, phải ban hành được các nghị định về quản lý kết nối, chia sẻ dữ liệu, về định danh và xác thực điện tử, về việc thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử...

Thủ tướng nhấn mạnh 3 mục tiêu cần phấn đấu là 100% các bộ, ngành, địa phương có nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu; 100% nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu cấp bộ, cấp tỉnh phải được kết nối vào nền tảng tích hợp dữ liệu quốc gia; 100% bộ, ngành, tỉnh, thành có Trung tâm giám sát điều hành an toàn an ninh mạng.

“Dù là cảnh sát giao thông hay tổng cục trưởng hay là vụ trưởng, người đứng đầu nói chung cũng phải am hiểu và triển khai Chính phủ điện tử”, Thủ tướng yêu cầu.

Đối với các hệ thống nền tảng dùng chung vượt ra ngoài chức năng, nhiệm vụ của từng bộ, ngành, Thủ tướng yêu cầu Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì quản lý. Tuyệt đối tránh để xảy ra một việc mà 2 cơ quan cùng điều phối về Chính phủ điện tử.

Thủ tướng cũng đồng ý việc Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử chỉ đạo thêm nội dung về thành phố thông minh, chuyển đổi số, kinh tế số. Không thành lập thêm các ban chỉ đạo mới.

Nhân dịp này, người đứng đầu Chính phủ cũng kêu gọi các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam tích cực tham gia xây dựng Chính phủ điện tử, coi đây là mục tiêu kép, vừa giúp phát triển Chính phủ điện tử Việt Nam, vừa có kinh nghiệm để đi ra thế giới.

Tin mới lên