Bất động sản

Du lịch Quảng Bình: Khi thiên đường được đánh thức

(VNF) - Tháng 4/2009, Hiệp hội hang động Hoàng gia Anh đã thực hiện khảo sát hang Sơn Đoòng và khẳng định đây là hang lớn nhất thế giới với chiều rộng 200m, dài 9km, cao hơn 150m và với thể tích 38,5 triệu m3. Sơn Đoòng đã trở thành địa chỉ vàng du lịch của Quảng Bình, một “thiên đường” thực sự đã được đánh thức.

Sau hơn 15 năm, vườn Quốc Gia Phong Nha - Kẻ Bàng (Quảng Bình) được công nhận là di sản thiên nhiên thế giới. Nhóm PV VietnamFinance với chuyên đề “Quảng Bình - địa chỉ đỏ của giới đầu tư” sẽ giúp độc giả có cái nhìn toàn cảnh về tình hình phát triển kinh tế của vùng đất Quảng Bình...

Không chỉ có hang động

Trước đây, khi nói về du lịch Quảng Bình, mọi người thường nghĩ ngay đến Phong Nha – Kẻ Bàng. Quần thể này ngày càng trở nên nổi tiếng nhất là khi Động Thiên Đường – “Thiên Đường trong lòng đất” được phát hiện vào năm 2005 với chiều dài 31,4 km. Tiếp đó, việc đưa hang Sơn Đòong vào khai thác du lịch cũng đã giúp cho Phong Nha – Kẻ Bàng củng cố vị thế của một điểm du lịch hang động của thể giới và là lựa chọn thú vị cho những người đam mê du lịch khám phá, mạo hiểm.

Tuy nhiên, Quảng Bình không chỉ có hang động. Mảnh đất năm nào vốn chỉ nổi tiếng với “chang chang cồn cát nắng trưa Quảng Bình” còn có những điểm nhấn quan trọng khác. Kể từ khi khu mộ đại tướng Võ Nguyên Giáp được xây dựng, Quảng Bình có thêm một địa chỉ du lịch tâm linh, hàng năm đón tiếp một lượng rất lớn khách đến viếng và tưởng niệm.

Về du lịch biển, chính dải đất cát trắng ven biển Quảng Bình là vốn quý trời cho để phát triển loại hình du lịch nghỉ dưỡng biển. So với nhiều tỉnh thành khác, lợi thế của Quảng Bình là có những bãi biển dài và khá đẹp; chi phí đầu tư cho giải phóng mặt bằng thấp do dân cư thưa thớt và hạ tầng giao thông đã được đầu tư tương đối tốt.

Từ năm 2002, Tập đoàn Trường Thịnh bắt tay vào nghiên cứu và đầu tư xây dựng Dự án Khu du lịch Sun Spa Resort tại bán đảo Bảo Ninh, bên kia bờ Nhật Lệ. Đến nay, Sun Spa Resort với hệ thống 19 villas, 40 bungalows hướng biển tạo nên cảm giác thanh bình, 234 phòng khách sạn đã trở thành một điểm nhấn về du lịch nghỉ dưỡng biển.

Từ thành công của dự án này, một dải bờ biển tuyệt đẹp kéo dài về phía Nam cũng đang được các nhà đầu tư triển khai các dự án mới. Theo báo cáo của UBND tỉnh Quảng Bình, tính đến tháng 3/2019 có 65 dự án đầu tư vào du lịch được phê duyệt chủ trương với tổng vốn đầu tư khoảng 25.600 tỷ đồng, trong đó có nhiều dự án ven biển có quy mô lớn như: Dự án quần thể du lịch, nghỉ dưỡng và giải trí cao cấp của Tập đoàn FLC; Dự án Trung tâm thương mại Vincom…

Hang Sơn Đòong - địa chỉ vàng cho du lịch Quảng Bình.

Từ năm 2016 đến năm 2018, tổng số khách du lịch đến Quảng Bình là 9,19 triệu lượt, riêng khách quốc tế 317 nghìn lượt, tổng doanh thu du lịch đạt 9.691 tỷ đồng. Trong đó, năm 2016, tổng số khách du lịch đến Quảng Bình có 1,99 triệu lượt, riêng khách quốc tế có 37 nghìn lượt, tổng doanh thu đạt 1.685 tỷ đồng.

Năm 2017, tổng lượt khách du lịch đến Quảng Bình có 3,3 triệu lượt (tăng 65,83% so với năm 2016), riêng khách quốc tế có 80 nghìn lượt, tổng doanh thu đạt 3.706 tỷ đồng (tăng 119,94% so với năm 2016). Năm 2018 tổng lượt khách du lịch có 3,9 triệu lượt (tăng 18,18% so với năm 2017), riêng khách quốc tế có 200 nghìn lượt, tổng doanh thu đạt 4.300 tỷ đồng (tăng 16,02% so với năm 2017).

Đến nay, toàn ngành có 350 cơ sở lưu trú du lịch, tăng thêm 70 cơ sở lưu trú so với năm 2015, trong đó có 2 khách sạn đạt tiêu chuẩn 5 sao, 5 khách sạn 4 sao, 9 khách sạn 3 sao, 19 khách sạn 2 sao, 14 khách sạn 1 sao với khoảng 5.200 buồng, 10.200 giường.

Ngoài ra, một số cơ sở lưu trú đăng ký tiêu chuẩn từ 3 sao trở lên đang trong giai đoạn hoạt động thử nghiệm, hoàn tất hồ sơ đề nghị thẩm định hạng sao, như các khách sạn: Riverside, Osaka, Biển Vàng, Tường Minh,...

Hiện tại có 39 đơn vị kinh doanh du lịch lữ hành, tăng thêm 15 đơn vị so với năm 2015. Toàn tỉnh hiện cũng có gần 3.000 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống cùng các cơ sở, cửa hàng cung cấp các sản phẩm phục vụ du khách tại các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh.

Đầu tư để đón “sếu lớn”

Năm 2017, Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Bình đã thông qua Nghị quyết số 19/NQ-HĐND ngày 18/7/2017 về việc ban hành quy định một số chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư trên địa bàn tỉnh Quảng Bình. UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 45/2017/QĐ-UBND ngày 07/11/2017 về quy định thủ tục thực hiện một số chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư trên địa bàn tỉnh Quảng Bình.

Theo đó, doanh nghiệp đầu tư cơ sở lưu trú du lịch, cơ sở kinh doanh nhà hàng ăn uống trên địa bàn tỉnh; doanh nghiệp trực tiếp kinh doanh vận chuyển hàng không, doanh nghiệp kinh doanh thuê bao máy bay đầu tư mở đường bay mới đến Cảng hàng không Đồng Hới; doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo; doanh nghiệp đầu tư dự án du lịch có sử dụng đất và mặt nước trên địa bàn tỉnh được hưởng chính sách ưu đãi, hỗ trợ.

Không chỉ ngồi chờ dòng vốn của nhà đầu tư, tỉnh Quảng Bình cũng ưu tiên dành vốn trong Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020 để bố trí vốn đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch từ nguồn ngân sách nhà nước cho 15 công trình tại khu vực Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng với tổng mức đầu tư là 37,5 tỷ đồng. Ngoài ra, thông qua việc lồng ghép các nguồn vốn khác nhau (ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương, vay ODA, xã hội hóa,...) đã đầu tư nhiều dự án phục vụ hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh

Hiện tại, tổng số khách du lịch nội địa và quốc tế thông qua Cảng hàng không Đồng Hới hiện cũng đã đạt hơn 500.000 lượt/năm, thời gian cao điểm đạt hơn 2.000 lượt khách/ngày.

Sân bay Đồng Hới sẽ là cú hích cho bất động sản Quảng Bình.

Hiện nay, UBND tỉnh Quảng Bình đã chính thức đồng thuận cho ACV mở rộng sân bay Đồng Hới. Theo đó, Quảng Bình sẽ trở thành điểm đến hàng đầu trong khu vực Châu Á – Thái Bình Dương giai đoạn 2025 – 2030. Theo quy hoạch, dự án được đầu tư xây dựng với tổng số vốn khoảng 2.320 tỷ đồng, đưa sân bay này vào top 3 quy mô nhất miền Trung, chỉ sau Cam Ranh và Đà Nẵng, với công suất thiết kế đạt 3 triệu hành khách/năm.

Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Bình đánh giá, qua ba năm thực hiện Chương trình hành động của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Kế hoạch của UBND tỉnh, ngành du lịch tỉnh nhà đã từng bước phát triển tương đối tốt.

Các hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch ngày càng được quan tâm, các hoạt động liên kết hợp tác phát triển du lịch trong và ngoài nước được triển khai tích cực. Công tác quản lý nhà nước và cải cách hành chính thực hiện đạt hiệu quả, góp phần tạo môi trường kinh doanh, thu hút được sự tham gia của nhiều nhà đầu tư vào lĩnh vực du lịch.

Một số nhà đầu tư đã mạnh dạn đầu tư các sản phẩm du lịch độc đáo, xây dựng đề án, tích cực tuyên truyền, quảng bá sản phẩm trong và ngoài nước để phát huy tiềm năng sẵn có, góp phần nâng cao thương hiệu du lịch Quảng Bình. Đây là tiền đề quan trọng để du lịch Quảng Bình cất cánh trong tương lai.

Tin mới lên