Tài chính quốc tế

Dù muốn tịch thu tài sản của Nga, EU thừa nhận 'không dễ dàng'

(VNF) - Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen cho biết mục tiêu của EC là tịch thu các tài sản đã đóng băng của Nga. Tuy nhiên, bà Leyen cũng thừa nhận rằng đây không phải một nhiệm vụ dễ dàng và hiện EC chưa có cơ sở pháp lý để hành động.

Dù muốn tịch thu tài sản của Nga, EU thừa nhận 'không dễ dàng'

Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen.

Phát biểu tại Hội nghị về tái thiết Ukraine được tổ chức ở Berlin, Đức ngày 25/10, người đứng đầu EC nêu rõ: “Tất nhiên, mục tiêu của chúng tôi không chỉ là đóng băng mà là tịch thu tài sản của Nga. Tuy nhiên, điều này không hề đơn giản xét từ khía cạnh pháp lý. Chúng tôi mới đang ở giai đoạn đầu của hành trình, còn rất nhiều việc phải làm".

Bà Leyen nhấn mạnh rằng Liên minh châu Âu (EU) luôn đề cao các nguyên tắc pháp luật và tuân thủ chúng, do đó quy trình phải hợp pháp.

Theo bà Leyen, EU đã thành lập một nhóm chuyên trách bao gồm các chuyên gia quốc tế "không chỉ để xem xét những tài sản nào sẽ bị đóng băng", mà còn cân nhắc các điều kiện pháp lý để thu giữ tài sản của Nga và sử dụng chúng cho việc tái thiết Ukraine.

Trước đó, trong bài phát biểu ngày 21/10, Chủ tịch EC cho biết EU đang tìm cách hỗ trợ Ukraine khoảng 1,5 tỷ euro (1,46 tỷ USD) mỗi tháng, dự kiến chi tổng cộng 18 tỷ euro (17,7 tỷ USD) cho năm tới.

Kể từ khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, EU đã thu giữ tài sản của các doanh nhân và công ty Nga, cùng với tài sản của Ngân hàng Trung ương Nga, như một phần của các lệnh trừng phạt đối với Moscow.

Theo Bộ trưởng tài chính Nga Anton Siluanov, các lệnh trừng phạt của phương Tây đã đóng băng gần 300 tỷ USD trong tổng số 640 tỷ USD dự trữ vàng và ngoại hối của Nga.

Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga Elvira Nabiullina cũng xác nhận tài sản của Nga đã bị phong tỏa nhưng không bị tịch thu hay trưng dụng.

Đây được xem là một trong những biện pháp trừng phạt mạnh nhất phương Tây áp lên Nga để gây áp lực buộc Moscow dừng chiến dịch quân sự.

Về mặt pháp lý, số tài sản bị đóng băng này vẫn thuộc về Nga hoặc các công dân nước này. Hiện tại, nếu muốn sử dụng khối tài sản gần 300 tỷ USD này, EU cần tìm cách tịch thu chúng.

Tuy nhiên, các quan chức hàng đầu của Mỹ từng cảnh báo rằng việc sử dụng những khoản tiền đó ở Ukraine có thể là bất hợp pháp.

Moscow cũng chỉ trích mạnh mẽ ý tưởng này và cho rằng việc đóng băng tài sản về cơ bản cấu thành hành vi đánh cắp, bất hợp pháp.

Xem thêm >> Tỷ phú Elon Musk cam kết tiếp tục cung cấp Internet cho Ukraine dù không được trả phí

Tin mới lên