Tài chính tiêu dùng

Dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm: ‘Điều kiện kinh doanh của đại lý bảo hiểm quá khắt khe’

(VNF) - Trong văn bản góp ý gửi Bộ Tài chính, VCCI khẳng định điều kiện kinh doanh của đại lý bảo hiểm đang quá khắt khe và rất ít doanh nghiệp có thể đáp ứng được các điều kiện này.

Dự thảo Luật Kinh doanh bảo hiểm: ‘Điều kiện kinh doanh của đại lý bảo hiểm quá khắt khe’

VCCI cho rằng điều kiện kinh doanh của đại lý bảo hiểm quá khắt khe

Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam vừa có văn bản trả lời Công văn số 9250/BTC-QLBH của Bộ Tài chính về việc đề nghị góp ý Dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Kinh doanh bảo hiểm.

'Quy định không phù hợp với thực tế của doanh nghiệp'

Về điều kiện áp dụng đối với chi nhánh, văn phòng giao dịch của tổ chức tín dụng được quy định tại Điểm c khoản 1 Điều 75 Dự thảo quy định “đối với tổ chức tín dụng thì mỗi chi nhánh, văn phòng giao dịch thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm phải có tối thiểu 3 nhân viên được đào tạo và có chứng chỉ đại lý bảo hiểm phù hợp với loại hình bảo hiểm mà tổ chức tín dụng làm đại lý”.

Theo VCCI, việc áp đặt cứng tối thiểu 3 nhân viên đối với mỗi chi nhánh, văn phòng giao dịch là chưa phù hợp với thực tế hoạt động của doanh nghiệp.

“Tùy thuộc vào quy mô, phạm vi và địa bàn kinh doanh, tổ chức tín dụng sẽ cân nhắc, bố trí số lượng cán bộ nhân viên phù hợp để triển khai các hoạt động hợp tác, liên kết bao gồm hoạt động đại lý bảo hiểm”, VCCI nhấn mạnh.

Mặt khác, cũng theo VCCI, các doanh nghiệp cho rằng điều kiện này là khá khắt khe và rất ít doanh nghiệp đáp ứng được.

Vì vậy, VCCI đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc quy định này theo hướng chỉ cần đảm bảo nguyên tắc nhân viên trong tổ chức tín dụng làm đại lý trực tiếp thực hiện hoạt động đại lý bảo hiểm phải được đào tạo và có chứng chỉ đại lý bảo hiểm phù hợp với loại hình bảo hiểm mà tổ chức tín dụng làm đại lý, nhằm đảm bảo sự linh hoạt, chủ động và phù hợp với thực tế hoạt động kinh doanh của từng tổ chức tín dụng.

Về điều kiện về chính sách trả thưởng, điểm e khoản 1 Điều 75 Dự thảo quy định “có chính sách trả thưởng, hỗ trợ cho các nhân viên trong tổ chức đại lý được xây dựng căn cứ trên các Tiêu chí đánh giá chất lượng khai thác do doanh nghiệp bảo hiểm ban hành trong đó bao gồm tỷ lệ duy trì hợp đồng tối thiểu”.

Với quy định này, VCCI cho rằng “tiêu chí đánh giá chất lượng khai thác do doanh nghiệp bảo hiểm ban hành” là khái niệm mới và chưa rõ.

Vì vậy, VCCI đề nghị Ban soạn thảo hoặc quy định rõ hoặc bỏ quy định tại điểm e khoản 1 Điều 75 vì đây là vấn đề thỏa thuận giữa doanh nghiệp bảo hiểm và tổ chức đại lý bảo hiểm, Nhà nước không cần thiết phải can thiệp vào vấn đề này.

'Một số quy định chưa đảm bảo tính minh bạch'

Ngoài những vấn đề như đã nêu ở trên, VCCI cho rằng, một số quy định chưa đảm bảo tính minh bạch và tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.

Theo VCCI cho biết dự thảo quy định chi tiết một số điều tại Luật Kinh doanh bảo hiểm, trong đó có nhiều quy định liên quan đến hồ sơ, trình tự thủ tục hành chính. Để quy định có thể thực thi được ngay khi phát sinh hiệu lực và đảm bảo thuận lợi cho các đối tượng áp dụng, các quy định cần đảm bảo đủ rõ ràng, cụ thể.

Cũng theo VCCI, trong một số quy định hồ sơ, Dự thảo quy định tài liệu theo hướng “tài liệu chứng minh” doanh nghiệp phải đáp ứng điều kiện theo quy định (ví dụ, trong hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép thành lập và hoạt động của công ty trách nhiệm hữu hạn bảo hiểm, công ty trách nhiệm hữu hạn tái bảo hiểm phải có tài liệu “Tài liệu chứng minh tổ chức nước ngoài tham gia góp vốn đáp ứng quy định tại điểm c khoản 1 Điều 65 Luật Kinh doanh bất động sản” (Điều 13 Dự thảo).

“Đây là các dạng quy định chưa đủ rõ ràng, vì trong nhiều trường hợp, doanh nghiệp sẽ không thể biết tài liệu nào chứng minh đáp ứng điều kiện theo quy định (ví dụ, quy định tại Điều 13 Dự thảo, doanh nghiệp sẽ khó biết được tài liệu nào chứng minh “Lĩnh vực dự kiến đề nghị cấp giấy phép thực hiện tại Việt Nam là lĩnh vực mà doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, tập đoàn tài chính, bảo hiểm nước ngoài đang trực tiếp thực hiện hoặc có công ty con thực hiện tối thiểu trong 07 năm liên tục gần nhất”) và sẽ chịu rủi ro là cơ quan cấp phép sẽ yêu cầu các tài liệu không theo cách hiểu của doanh nghiệp. Điều này khiến cho quy trình, thủ tục có thể bị kéo dài”, VCCI nhận định.

Vì vậy, VCCI đề nghị Ban soạn thảo rà soát toàn bộ Dự thảo, chỉnh sửa các quy định có tính chất trên theo hướng quy định cụ thể loại tài liệu cần phải cung cấp trong hồ sơ.

Tin mới lên