Ngân hàng

Dự trữ ngoại hối 73 tỷ USD: Con số này nói lên điều gì?

Dự trữ ngoại hối của Việt Nam tính đến hết 31/10 lên đến hơn 73 tỷ USD. Con số ấn tượng này nói lên điều gì?

Dự trữ ngoại hối 73 tỷ USD: Con số này nói lên điều gì?

Dự trữ ngoại hối 73 tỷ USD cũng mới chỉ tương đương với khoảng hơn 14 tuần nhập khẩu

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mới đây cho biết dù nhiều áp lực từ diễn biến trên thị trường quốc tế (đồng tiền Trung Quốc giảm giá mạnh, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung…) nhưng thị trường ngoại tệ trong nước vẫn duy trì ổn định; thanh khoản đảm bảo, giao dịch ngoại tệ diễn ra thông suốt, nhu cầu ngoại tệ hợp pháp được đáp ứng đầy đủ, kịp thời.

73 tỷ USD

NHNN mua được lượng lớn ngoại tệ, bổ sung, dự trữ ngoại hối đã lên tới 73 tỷ USD.

Với con số 73 tỷ USD,  ước tính NHNN đã mua thêm hơn 6,6 tỷ USD kể từ tháng 7 đến nay. Nếu nhìn vào diễn biến thị trường ngoại hối trong giai đoạn này, thì giá USD có xu hướng đi xuống so với tiền đồng, theo đó NHNN có thể đã mua vào với mức giá
phù hợp.

Theo phân tích của các công ty chứng khoán, xuất siêu trong 8 tháng đầu năm nay cao. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài giải ngân 8 tháng cũng đạt 12 tỷ USD, tăng 6,3% so với cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, còn có 5.235 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị góp vốn là 9,51 tỷ USD, tăng 80% so với cùng kỳ năm 2018.

Trước ảnh hưởng từ chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, dòng vốn đầu tư quốc tế chuyển dịch mạnh từ Trung Quốc sang Việt Nam. Ngoài ra, việc Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức có hiệu lực đối từ ngày 14/1/2019, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) được ký kết gần đây cũng giúp thúc đẩy vốn đầu tư đổ vào Việt Nam để tận dụng những điều khoản ưu đãi dành cho các thành viên.

Với vốn đầu tư gián tiếp, lộ trình cổ phần hóa hay thoái vốn, bán vốn cho nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài, giúp Việt Nam thu về lượng ngoại tệ lớn.

Đầu năm nay, ngân hàng Vietcombank bán cổ phần cho cổ đông nước ngoài thu về gần 6.200 tỷ đồng (xấp xỉ 270 triệu USD); tập đoàn Vingroup gần đây cũng bán thành công 15% cổ phần cho tập đoàn SK Hàn Quốc thu về 1 tỷ USD; thương vụ bán 15% cổ phần của ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho ngân hàng Keb Hana Bank (Hàn Quốc) thu về 885 triệu USD đã hoàn thành và sẽ được công bố đầu tuần tới.

Vẫn cần kịch bản đối phó

Trao đổi với PV Tiền Phong, lãnh đạo NHNN khẳng định, từ đầu năm đến nay, điều hành  tỷ giá của cơ quan này luôn bám rất sát mục tiêu, đồng thời rất linh hoạt. Với lượng dự trữ ngoại hối  kỷ lục, đây là tín hiệu đáng mừng giúp nhà điều hành có thêm nguồn lực để điều hành thị trường ngoại hối hiệu quả hơn, có thể can thiệp khi cần thiết để điều tiết tỷ giá theo mục tiêu đề ra.

“Hiện tại, tỷ giá trung tâm so với đầu năm nay chỉ mới tăng hơn 1,3%, còn cách khá xa mục tiêu 2%, thậm chí trên thị trường phi chính thức, tiền đồng còn có xu hướng tăng giá so với USD trong hai tháng trở lại đây”, lãnh đạo NHNN cho biết.

Tuy nhiên, thông thường, áp lực tỷ giá sẽ ngày càng tăng mạnh về cuối năm. Do đó, việc chuẩn bị sẵn sàng các kịch bản và nguồn lực để đối phó ngay từ lúc này không bao giờ là thừa. Dự trữ ngoại hối 73 tỷ USD cũng chỉ tương đương hơn 14 tuần nhập khẩu. Con số này đủ ở mức an toàn theo tiêu chí đánh giá của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF).

Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho rằng NHNN cần cẩn trọng trong việc điều hành chính sách tiền tệ, sau khi Việt Nam trở thành một trong 7 đối tác xuất khẩu nhiều nhất sang Mỹ trong quý III, lượng dự trữ ngoại hối ngày càng gia tăng.

Tính đến ngày 30/9, tỷ giá trung tâm mới tăng khoảng 0,4% so với cuối quý II/2019. Mức thay đổi tỷ giá ngày một thấp hơn khi quý IV/2018 tăng 1,8%.

“Nên giữ tỷ giá ổn định ở mức hiện nay, chúng ta không nên phá giá theo đồng nhân dân tệ để cạnh tranh thương mại, bởi rất rủi ro dẫn đến phản ứng tiêu cực từ chính phủ Mỹ”, VEPR lưu ý.     

Theo "Dữ liệu Kiều hối thường niên" mới cập nhật của Ngân hàng Thế giới, kiều hối chuyển về Việt Nam năm 2019 ước đạt 16,7 tỷ USD (chiếm 6,4% GDP), tăng nhẹ so với 16 tỷ USD của năm 2018. Trong hai thập kỷ qua, kiều hối chuyển về Việt Nam tăng đều, từ mức hơn 1,3 tỷ USD vào năm 2000 và chỉ giảm duy nhất vào năm 2009 do ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính toàn cầu.

“Dự trữ ngoại hối chỉ là thước đo sức khỏe của nền kinh tế và là câu chuyện quan hệ của tỷ giá. Quan trọng là cần xây dựng VND thành đồng tiền chuyển đổi trong quan hệ kinh tế với nhiều quốc gia”.

Ông Trương Văn Phước, nguyên Phó Chủ tịch phụ trách Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia

Tin mới lên