Thị trường

Đưa vào vận hành nhà máy rác ‘7 năm lận đận’

Công ty Cổ phần Phát triển xây dựng Phương Thảo (Công ty Phương Thảo) chính thức đưa vào vận hành nhà máy xử lý rác 500 tấn/ngày, tổng vốn đầu tư hơn 395 tỷ đồng tại ấp Phú Hưng, xã Hòa Phú, huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long.

Đưa vào vận hành nhà máy rác ‘7 năm lận đận’

Tuy nhiên, để đưa vào hoạt động Nhà máy, Công ty Phương Thảo - Chủ đầu tư đã phải vay vốn ngoài thị trường từ 6 -10%/tháng, trong khi ngay từ đầu chủ đầu tư đã được Ngân hàng phát triển Việt Nam (VDB) – Chi Nhánh Vĩnh Long, cấp hạn mức tín dụng với tổng số tiền cho vay trên 233,4 tỷ đồng.  

Lận đận với nhà máy rác

Theo hồ sơ đầu tư dự án, năm 2009 UBND tỉnh Vĩnh Long mời gọi và cấp giấy chứng nhận dự án đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác, với diện tích sử dụng 8ha (bao gồm bãi rác Hòa Phú 2,4ha).

Công ty Phương Thảo đã đầu tư xây dựng nhà máy (giai đoạn I) với dây chuyền công nghệ nhập từ châu Âu, công suất 300 tấn/ca/8 giờ; tổng vốn 238 tỷ đồng, trong đó vốn vay Ngân hàng phát triển Việt Nam – Chi Nhánh Vĩnh Long trên 126,5 tỷ đồng. 

Mặc dù hoàn thành xây dựng vào tháng 11/2011, nhưng nhà máy phải "trùm mền" đến tháng 4/2013 mới được hoạt động và gần một năm sau lại phải tiếp tục đóng của để đổi mới công nghệ…

UBND tỉnh Vĩnh Long và Công ty Phương Thảo chưa thống nhất một số điều khoản. Cụ thể, 2 bên bất đồng về giá xử lý rác thải và kinh phí tạm ứng xử lý bãi rác tồn cũ của nhiều năm trước với hơn 350.000 tấn. 

Nguyên nhân chính dẫn đến "trùm mền"của giai đoạn I được bà Liêu Cát Phương Thảo, Tổng Giám đốc công ty lý giải là do công suất xử lý rác thời điểm đó là 300 tấn ngày, nhưng địa phương chỉ cung cấp được 140 tấn (thiếu 160 tấn), với mức giá thấp 240.000 đồng/tấn, trong khi nhà máy xử lý nơi khác trong vùng ĐBSCL giá trên dưới 400.000 đồng/tấn). Đơn giá này không đủ tiền chi phí vận hành nhà máy cùng các khoản tiền: khấu hao, lương nhân công, điện và trả lãi vay ngân hàng…

Mặc dù vậy, khi Công ty Phương Thảo, tự tìm nguồn rác bổ sung bù cho phần thiếu hụt, thông qua hợp đồng nhận xử lý rác cho thành phố Cần Thơ, nhưng không được sự đồng thuận của các cơ quan liên ngành Vĩnh Long nên, thời gian xử lý rác cho Cần Thơ chỉ kéo dài 20 ngày rồi chấm dứt.

Bà Thảo cho biết ở thời điểm đóng cửa, trả lời báo chí, ông Nguyễn Văn Đấu, Phó Giám đốc Sở TN-MT Vĩnh Long, cho rằng đã kiểm tra hoạt động của nhà máy nhưng thấy chưa hiệu quả và không đảm bảo môi trường, công nghệ chưa hoàn chỉnh, xử lý nước thải chưa đạt, lượng rác Công ty Phương Thảo xử lý chưa triệt để.

Còn bà Thảo lại cho rằng vào những năm đó, công nghệ thực hiện dự án "Xử lý rác thải sinh hoạt thành phân Compost – Bảo vệ môi trường phục vụ nông nghiệp" đã là công nghệ tốt nhất, nhập khẩu từ Cộng hòa Liên Bang Đức, công ty muốn làm tốt hơn cũng khó.

Vay vốn ngoài thị trường 10% tháng để đổi mới công nghệ

Với quyết tâm không để nhà máy mãi "trùm mền", nhằm hoàn vốn vay cho giai đoạn I và cả giai đoạn II đang thực hiện, gắn với giải quyết việc làm cho lao động địa phương và giữ đúng cam kết xử lý rác lâu dài cho địa phương, tháng 6/2015 Công ty Phương Thảo bắt tay vào thực hiện nâng cấp công nghệ bằng việc điều chỉnh dự án thành "Nhà máy xử lý rác thải bằng công nghệ lò đốt của Châu Âu" 500 tấn/ngày.

Bà Thảo cho biết dù đã được cấp hạn mức tín dụng 106 tỷ đồng theo hợp đồng tín dụng nhưng trong quá trình triển khai giai đoạn II của dự án (điều chỉnh công nghệ) đến nay Ngân hàng VDB chỉ giải ngân cho công ty 47 tỷ đồng, bằng hơn 44/% so với hạn mức.

Do thiếu vốn lắp đặt trang thiết bị, nên kế họach đưa nhà máy vào vận hành theo kế hoạch đã cam kết với UBND tỉnh Vĩnh Long vào tháng 4/2016 không thành. Và nếu ngưng đầu tư, xem như dự án đã "chết yểu", nên Công ty Phương Thảo đành phải huy động vốn ngoài thị trường 6 đến 10% /tháng để đưa bằng được dự án vào hoạt động.

Trả lời báo chí, nhân buổi họp báo công bố đưa nhà máy vào hoạt động sáng ngày 19/9, bà Thảo cho biết với lãi suất trên không thể cân đối được, nhưng công ty buộc phải làm. "Còn chênh lệch lãi suất vay ngoài với lãi suất theo hợp đồng tín dụng của VDB là 8,55%/năm, chúng tôi đã và đang khởi kiện ra tòa, lãi suất này VDB phải chịu thay cho chúng tôi", bà nói.

Trước mắt, công ty xác định hoạt động trong thời gian 3 tháng rồi đánh giá lại hiệu quả, bởi hiện nay dù công suất xử lý 500 tấn/ngày, nhưng rác tại địa phương chỉ đáp ứng khoảng 200 tấn, thiếu 300 tấn. Riêng về giá, hiện tại địa phương mới thống nhất giá xử lý là 440.000đ/tấn nhưng giá này cũng chưa thể cân đối thu chi trả lãi theo lãi suất ngân hàng.

Có mặt tham quan và chứng kiến nhà máy xử lý rác 500 tấn/ngày, tổng vốn đầu tư hơn 395 tỷ đồng vừa hoàn thành chuyển đổi công nghệ đưa vào hoạt động, tránh phải chất đống và chôn lấp không đảm bảo môi trường như thời gian qua, ông Trần Văn Rón, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Long cho hay tỉnh Vĩnh Long từng kêu gọi các nhà đầu tư vào lĩnh vực chế biến và xử lý rác thải sinh hoạt và rác thải rắn, nhưng đến nay cũng chỉ có Công ty Phương Thảo cam kết thực hiện dự án.

"Việc công ty đưa vào hoạt động nhà máy với công nghệ mới, tốt hơn công nghệ trước đây chúng tôi hoan nghênh và sẽ tạo điều kiện cho Công ty hoạt động có hiệu quả. Hiện tại địa phương cũng chưa có chính sách ưu đãi đầu tư cụ thể về lĩnh vực này, vì thế Công ty Phương Thảo đang thực hiện đầu tư theo qui định chung của Chính phủ. Tuy nhiên, căn cứ quá trình hoạt động thực tế, chúng tôi sẽ có đánh giá để đề xuất lên Bộ ngành và Chính phủ xem xét cơ chế ưu đãi nhằm khuyến khích đầu tư vào lĩnh vực này", ông Rón nói.

Tin mới lên