Tài chính quốc tế

Đức chi gần 500 tỷ USD để củng cố nguồn cung năng lượng

(VNF) - Kể từ tháng 2/2022 đến nay, Đức đã chi gần 500 tỷ USD cho các gói viện trợ và chương trình tăng cường nguồn cung năng lượng trên toàn quốc.

Đức chi gần 500 tỷ USD để củng cố nguồn cung năng lượng

Đức chi tổng cộng gần 500 tỷ USD để củng cố nguồn cung cấp năng lượng.

Theo Reuters, để củng cố nguồn cung năng lượng và “tiếp tục duy trì nguồn sáng” trên cả nước, Đức đã phân bổ gần 500 tỷ USD kể từ khi Nga tiến hành các hoạt động đặc biệt ở Ukraine bắt đầu vào tháng 2. Tuy nhiên, việc chi tiêu quá mức này vẫn có thể không đủ để vượt qua cuộc khủng hoảng.

Tổng chi phí 500 tỷ USD phản ánh "quy mô tích lũy" từ các gói cứu trợ năng lượng và các chương trình khác mà Berlin sử dụng trong bối cảnh giá dầu và khí đốt tăng cao cũng như mất nguồn hàng nhập khẩu từ Nga.

Khoản kinh phí 500 tỷ USD tương đương mức hỗ trợ 5.400 USD cho mỗi cư dân ở Đức, chiếm 12% GDP và ước tính 1,6 tỷ USD đã được chi trả mỗi ngày kể từ khi cuộc xung đột ở Đông Âu xảy ra.

Dù vậy, chính quyền Đức sẽ có thể cần phải chi tiêu nhiều hơn nữa để đảm bảo nguồn cung năng lượng trong nước, khi những nỗ lực tìm nguồn cung thay thế và các gói cứu trợ cũng không đủ để thay thế nguồn cung năng lượng từ Nga.

“Cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng đến mức nào và kéo dài bao lâu sẽ phụ thuộc rất nhiều vào cách cuộc khủng hoảng năng lượng này thay đổi ra sao. Nền kinh tế Đức nói chung đang phải đối mặt với sự mất mát lớn”, ông Michael Gromling, người đứng đầu phòng nghiên cứu kinh tế vĩ mô tại Viện Kinh tế Đức, cho biết.

Các chuyên gia tại Reuters nhận định:"Nền kinh tế lớn nhất châu Âu giờ đây đang 'phục tùng' thời tiết. Việc phân phối năng lượng là một rủi ro trong trường hợp có đợt lạnh kéo dài vào mùa đông này, lần đầu tiên sau nửa thế kỷ nước Đức không có khí đốt của Nga".

Ông Stefan Kooths, giám đốc nghiên cứu thuộc Viện Kinh tế Thế giới Kiel, cho biết nguồn cung cấp năng lượng không ổn định đã đẩy nền kinh tế Đức đến một “giai đoạn rất quan trọng”.

“Nền kinh tế Đức đang đứng ở đâu? Nếu chúng ta nhìn vào tình trạng lạm phát giá cả, nền kinh tế Đức đang trải qua một cơn sốt nặng”, ông Kooths nói.

Tác động kinh tế của cuộc xung đột tại Đông Âu chủ yếu xuất phát từ các biện pháp trừng phạt chống Nga do Mỹ, Đức và các thành viên NATO khác đặt ra. 

Tuy nhiên, bất chấp những nỗ lực của phương Tây nhằm trừng phạt và cô lập Moscow, doanh thu của chính phủ Nga từ xuất khẩu dầu khí đã tăng hơn gấp đôi trong một năm lên 10 nghìn tỷ rúp (khoảng 160 tỷ USD), trong 11 tháng đầu năm 2022. Trong cùng thời kỳ, thu nhập từ năng lượng tăng đã giúp đẩy thặng dư ngân sách chính phủ lên 557 tỷ rúp.

Xem thêm >> Đức dự định đánh thuế 'mạnh tay' các công ty năng lượng, có thể thu về tới 3 tỷ USD

Tin mới lên