Tài chính quốc tế

Đức: Gần 16.000 cửa hàng bán lẻ trên bờ vực phá sản do giá năng lượng tăng cao

(VNF) - Gần 16.000 cửa hàng bán lẻ ở Đức đang phải đối mặt với tình trạng phá sản do chi phí năng lượng tăng cao, hãng tin Der Spiegel dẫn nguồn từ Hiệp hội Bán lẻ Đức (HDE) cho hay. Được biết, chi phí năng lượng tại Đức đã tăng gần 150% kể từ đầu năm tới nay.

Đức: Gần 16.000 cửa hàng bán lẻ trên bờ vực phá sản do giá năng lượng tăng cao

Ảnh minh họa.

Theo Der Spiegel, HDE mới đây đã gửi một lá thư tới Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck, trong đó nhấn mạnh rằng “chi phí năng lượng bùng nổ” đang khiến ngày càng nhiều nhà bán lẻ loay hoay với vấn đề tài chính.

Hiệp hội này gọi đây là tình huống “đe dọa hiện hữu” và cảnh báo khoảng 16.000 doanh nghiệp có thể phá sản trong năm nay và “xu hướng tiêu cực” này có thể sẽ tiếp tục đến năm 2023.

HDE cho biết việc chi phí năng lượng đã tăng trung bình tới 147% kể từ đầu năm tới nay đang ngăn cản các nhà bán lẻ kiếm lợi nhuận. Tỷ trọng chi phí điện trong sản lượng bán hàng của các nhà bán lẻ đã đạt trung bình gần 3% và nhiều người trong ngành dự kiến con số này sẽ tăng lên 5% vào năm 2023.

Theo Chủ tịch HDE Josef Sanktjohanser và Giám đốc điều hành Stefan Genth, lợi nhuận thu được trong nhiều lĩnh vực bán lẻ hiện nay đã rất thấp. Cụ thể, với ngành may mặc, lợi nhuận hoạt động tính theo phần trăm doanh thu là 2,1%, trong khi đối với giày dép hiện là -1,2%. Ngay cả ở mảng thực phẩm cũng chỉ ở mức 2-4%.

Hiệp hội này cảnh báo nếu tình trạng này kéo dài có thể khiến nhiều công ty “rơi vào tình thế bất lợi”. Do đó, HDE thúc giục Berlin can thiệp bằng cách tạm thời hạn chế thuế quan và cắt giảm thuế điện ở mức tối thiểu.

Ở động thái liên quan, một cuộc khảo sát đối với gần 600 công ty quy mô vừa  (doanh nghiệp có dưới 250 lao động và doanh thu hàng năm từ 40 triệu đến 600 triệu euro) của Đức do Liên đoàn Công nghiệp Đức (BDI) thực hiện vào tháng 9 cho thấy hiện nay cứ 10 công ty quy mô vừa ở Đức thì có 1 công ty đã giảm hoặc ngừng sản xuất do giá khí đốt tự nhiên tăng cao.

Việc giá năng lượng tăng cao không chỉ là vấn đề nổi cộm ở Đức mà ở toàn châu Âu. Mới đây, tại cuộc họp vào ngày 30/9 tại Brussels (Bỉ), bộ trưởng năng lượng các nước Liên minh châu Âu (EU) đã tìm kiếm các giải pháp khẩn cấp nhằm hạ giá năng lượng khi mùa Đông tới gần.

Liên minh châu Âu nhất trí đánh thuế lợi nhuận của các công ty dầu mỏ và giới hạn doanh thu của một số doanh nghiệp khí đốt.

Tuy nhiên, trong khi một số quốc gia kêu gọi mức trần giá khí đốt trên toàn EU, thì một số khác, bao gồm cả cường quốc kinh tế của châu Âu là Đức, lại không đồng tình với phương án này.

Xem thêm >> OPEC+ bỏ ngỏ khả năng giảm sản lượng dầu 1 triệu thùng/ngày, giá dầu bật tăng

Tin mới lên