Thị trường

Được Bộ Y tế ‘quảng cáo giúp’ sản phẩm viên nang Kovir, Công ty Sao Thái Dương mạnh cỡ nào?

(VNF) – Một sự việc hi hữu vừa xảy ra trong ngành y tế: Danh sách 12 loại thuốc cổ truyền phòng và hỗ trợ điều trị Covid-19 ban hành kèm Công văn 5944 của Bộ Y tế đã nêu đích danh sản phẩm viên nang Kovir của Công ty Cổ phần Sao Thái Dương. Song, chỉ 2 ngày sau đó, Bộ Y tế đã phải thu hồi công văn này.

Được Bộ Y tế ‘quảng cáo giúp’ sản phẩm viên nang Kovir, Công ty Sao Thái Dương mạnh cỡ nào?

Được Bộ Y tế ‘quảng cáo giúp’ sản phẩm viên nang Kovir, Công ty Sao Thái Dương mạnh cỡ nào?

Những ngày gần đây, dư luận xã hội xôn xao khi Bộ Y tế ra Công văn 5944/BYT-YDCT về việc tăng cường phòng, chống dịch Covid-19 bằng thuốc cổ truyền và sản phẩm từ dược liệu.

Công văn này được gửi đi Sở Y tế các tỉnh, thành phố; bệnh viện y học cổ truyền bộ, ngành; bệnh viện y học cổ truyền các tỉnh, thành phố; các cơ sở kinh doanh dược liệu, thuốc cổ truyền.

Đáng chú ý, tại hướng dẫn sử dụng thuốc cổ truyền và sản phẩm từ dược liệu được ban hành kèm theo công văn này, Bộ Y tế đã công bố 12 loại thuốc cổ truyền phòng và hỗ trợ điều trị Covid-19. Trong 12 loại thuốc này, Bộ nhắc đích danh sản phẩm “viên nang Kovir” do Công ty Cổ phần Sao Thái Dương sản xuất.

Điều đáng nói hơn nữa, Bộ Y tế đề nghị các đơn vị nêu trên căn cứ vào thuốc cổ truyền, các sản phẩm chế biến, bào chế từ dược liệu ban hành kèm Công văn 5944 để tham khảo lựa chọn mua sắm, đấu thầu, tiếp nhận từ các tổ chức, cá nhân ủng hộ cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh!

Tuy nhiên, công văn này đã ngay lập tức vấp phải sự phản ứng dữ dội của dư luận.

Trước tình hình đó, ngày 26/7, Bộ Y tế đã ra văn bản số 5967/BYT-YDCT gửi Sở Y tế các tỉnh, thành, các bệnh viện y học cổ truyền bộ, ngành và các tỉnh thành phố, các bệnh viện chuyên khoa… thu hồi Công văn số 5944/BYT-YDCT nói trên.

Song, mọi việc chưa dừng lại ở đó. Theo phản ánh của báo chí, trước thời điểm Công văn 5944 của Bộ Y tế ban hành, tại các nhà thuốc và trên các trang thương mại điện tử, sản phẩm viên nang Kovir được bán với giá 250 – 300 nghìn đồng/hộp 45 viên. Nhưng, ở thời điểm hiện tại, sản phẩm này đã được đẩy giá lên tới 1 triệu đồng/1 hộp 30 viên.

Điều khiến dư luận băn khoăn hơn nữa là trước khi Công văn số 5944/BYT-YDCT của Bộ Y tế được ban hành (24/7/2021), Công ty Cổ phần Sao Thái Dương đã có văn bản thông báo điều chỉnh giá bán sản phẩm viên nang cứng Kovir là 1 triệu đồng/hộp 2 vỉ x 15 viên. Văn bản này do ông Nguyễn Hữu Thắng – Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Sao Thái Dương ký ngày 19/7/2021, tức sớm hơn 5 ngày!

Cho tới nay, những dấu hỏi về việc Bộ Y tế đưa sản phẩm viên nang Kovir vào danh sách 12 loại thuốc phòng và hỗ trợ điều trị Covid-19 và việc Công ty Cổ phần Sao Thái Dương tăng giá ngay trước khi Công văn 5944 của Bộ Y tế được ban hành vẫn chưa được 2 đơn vị này trả lời với công chúng.

Với Công ty Cổ phần Sao Thái Dương, đây là một thương hiệu khá quen thuộc trên thị trường thuốc và mỹ phẩm Hà Nội. Dữ liệu của VietnamFinance cho thấy công ty này được lập ra ngày 24/5/2002, đóng trụ sở chính tại phố Vĩnh Hưng, phường Vĩnh Hưng, quận Hoàng Mai, Hà Nội. Ngành nghề chính là sản xuất thuốc, hóa dược và dược liệu.

Người đại diện theo pháp luật, tổng giám đốc của Sao Thái Dương là ông Nguyễn Hữu Thắng, sinh năm 1971, thường trú tại phường Ô Chợ Dừa, quận Đống Đa, TP. Hà Nội.

Vào tháng 11/2018, Sao Thái Dương đã có màn tăng vốn điều lệ từ 100 tỷ đồng lên 150 tỷ đồng.

Cơ cấu cổ đông của công ty rất cô đặc với chỉ 3 người, tính đến hết năm 2020, gồm: Nguyễn Hữu Thắng 51%, Nguyễn Thị Hương Liên 48%, Nguyễn Hải Yến 1%.

Giai đoạn 2016 – 2019, tổng tài sản của Sao Thái Dương tăng khá mạnh từ 285 tỷ đồng lên 653 tỷ đồng, tức tăng gấp 2,3 lần. Phần đa là tài sản dài hạn.

Tài trợ chính cho sự tăng trưởng của tài sản là nợ phải trả - tăng mạnh từ 150 tỷ đồng lên 479 tỷ đồng trong cùng giai đoạn nêu trên, tức tăng gấp 3,2 lần.

Nợ ngắn hạn chiếm ưu trong cơ cấu nợ phải trả của công ty (thấp nhất là 77% vào năm 2019). Tuy nhiên, diễn biến đáng chú ý về nợ của Sao Thái Dương đó là sự tăng lên rất mạnh mẽ của khoản nợ vay dài hạn. Trong 4 năm nói trên, nợ dài hạn đã tăng từ 3 tỷ đồng lên tới 108 tỷ đồng, tức tăng gấp 36 lần.

Trong khi đó, vốn chủ sở hữu không biến động quá lớn, những năm 2016 – 2019 lần lượt là: 135 tỷ đồng, 195 tỷ đồng, 173 tỷ đồng và 173 tỷ đồng. Nhờ vốn chủ khá dày dặn, hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu của công ty không quá cao.

Về tình hình kinh doanh, 2016 – 2019 có thể nói là thời kỳ làm ăn phát đạt của Sao Thái Dương khi doanh thu thuần tăng trưởng rất mạnh, lần lượt là: 69 tỷ đồng, 466 tỷ đồng, 667 tỷ đồng và 828 tỷ đồng. Tính chung 4 năm, doanh thu đã tăng gấp 12 lần.

Biên lãi gộp cải thiện liên tục qua các năm, từ 30% (2016) lên 35% (2017), 37% (2018) rồi 38% (2019).

Tuy vậy, lãi sau thuế của công ty khá mỏng. Năm 2016, công ty chỉ báo lãi 157 triệu đồng, năm 2017, số lãi tăng lên 2,1 tỷ đồng, năm 2018 là 6,3 tỷ đồng và 2019 là 7,3 tỷ đồng.

Tin mới lên