Thị trường

Đường dây 200 triệu lít xăng giả: Bất ngờ với những khoản lãi nhỏ giọt

(VNF) - Theo tìm hiểu của VietnamFinance, điểm đặc trưng của nhóm doanh nghiệp liên quan đến vụ án 200 triệu lít xăng giả đó là mặc dù doanh thu cao ngất ngưởng nhưng lợi nhuận các năm đều rất nhỏ giọt.

Đường dây 200 triệu lít xăng giả: Bất ngờ với những khoản lãi nhỏ giọt

Đường dây 200 triệu lít xăng giả: Bất ngờ với những khoản lãi nhỏ giọt

Liên quan đến đường dây mua, bán hoá đơn giả trong chuyên án 920G buôn lậu, sản xuất xăng giả do Phan Thanh Hữu cầm đầu, thời gian qua, Công an Đồng Nai đã khởi tố, bắt tạm giam hơn 40 nghi can đồng thời khám xét nơi ở, trụ sở làm việc của các đối tượng này.

Một trong số các nghi can là cá nhân có vai trò điều hành các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, đơn cử như Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Vân Trúc, Công ty Cổ phần Nhiên liệu Phúc Lâm. Cùng với đó, một số cửa hàng xăng dầu cũng bị lực lượng chức năng phong tỏa, kiểm tra, ví dụ như cửa hàng xăng dầu số 1 của Công ty TNHH Dầu khí Thanh Bình.

Không chỉ cùng liên quan đến đường dây mua bán 200 triệu lít xăng giả, các doanh nghiệp này cũng có điểm chung là bất chấp doanh thu cao ngất ngưởng, thế nhưng lợi nhuận chỉ mấp mé ở ngưỡng chính dương và cá biệt, có doanh nghiệp còn gánh lỗ trăm triệu đồng...

Tại Công ty TNHH Thương Mại và Dịch vụ Vân Trúc (Vân Trúc) của hai nghi can là Lê Thanh Tú (55 tuổi) và vợ là Trần Thị Thanh Vân (53 tuổi, cùng ngụ tại TP. Thủ Đức, TP. HCM), số liệu mà VietnamFinance có được cho thấy sự khác thường trong diễn biến kết quả kinh doanh.

Cụ thể, trong giai đoạn 2016-2019, doanh nghiệp do Trần Thị Thanh Vân làm chủ tịch HĐTV kiêm giám đốc ghi nhận doanh số tăng trưởng đột biến (công ty mẹ), từ 87 tỷ đồng vượt lên mức 427 tỷ đồng vào cuối chu kỳ.

Lực lượng công an khám xét trụ sở Phúc Lâm

Trong bối cảnh doanh thu tăng trưởng cả trăm tỷ đồng mỗi năm, Vân Trúc chỉ ghi nhận lợi nhuận sau thuế khiêm tốn, cá biệt năm 2016 mấp mé thua lỗ với lợi nhuận 62 triệu đồng. Sự bất thường càng trở nên rõ nét vào năm 2017 và 2018, trong khi doanh thu lúc này đã vọt tăng từ 129 tỷ đồng lên 263 tỷ đồng, tức tăng gấp đôi thì lợi nhuận vẫn "chôn chân" ở ngưỡng trên dưới 600 triệu đồng.

Cuối năm 2019, doanh nghiệp đạt đỉnh lãi hơn 1,3 tỷ đồng song vẫn chưa thấm tháp vào đâu so với doanh số 427 tỷ đồng, biên lợi nhuận bấy giờ chỉ hơn 0,3%.

Cũng tại thời điểm này, tổng tài sản (nguồn vốn) của Vân Trúc là 310 tỷ đồng, nợ phải trả chiếm 206 tỷ đồng tỷ đồng, cao gấp hai lần vốn chủ sở hữu.

Về cơ cấu cổ đông, trước thời điểm tháng 6/2020, Vân Trúc được sở hữu bởi 6 cá nhân với vốn điều lệ, ngoài 2 cá nhân là Trần Thị Thanh Vân và Lê Thanh Tú, 4 cá nhân còn lại là Trần Thị Thanh Hồng (SN 1971), Trần Thanh Lam (SN 1966), Trần Huy Hoàng (SN 1971) và Trần Thanh Sơn (SN 1976).

Sau đó các cổ đông này đã thoái sạch vốn, để lại hai nghi can nêu trên với tổng tỷ lệ sở hữu 100%.

Tương tự ở Công ty TNHH Dầu khí Thanh Bình (Thanh Bình) do Phạm Thị Hương (SN 1979) làm chủ tịch HĐTV cũng có mức lợi nhuận rất mỏng. Doanh nghiệp Thanh Bình là chủ sở hữu cửa hàng xăng dầu số 1 tại địa chỉ 679 Nguyễn Kiệm, phường 3, quận Gò Vấp, TP. HCM.

Ngày 25/3, nằm trong hoạt động mở rộng điều tra vụ án 200 triệu lít xăng giả, Công an tỉnh Đồng Nai đã phối hợp với Bộ Công an phong tỏa, kiểm tra cây xăng này...

Những năm qua, Thanh Bình có tốc độ tăng trưởng doanh thu nhanh chóng, lần lượt đạt 23,2 tỷ đồng (2016); 47,5 tỷ đồng (2017); 55,8 tỷ đồng (2018) và 61,1 tỷ đồng (2019).

Do giá vốn luôn duy trì ở mức cao (thấp nhất là 93%), sau khi khấu trừ chi phí vận hành lợi nhuận của Thanh Bình chỉ dừng lại ở mức 282 triệu đồng, 296,7 triệu đồng trong giai đoạn 2016-2017.

Đặc biệt hơn, ở hai năm kế tiếp, bất chấp doanh thu vẫn tăng trưởng đều đặn, khoản lời lãi của Thanh Bình bị bào mòn mạnh còn 53 triệu đồng và chưa dừng lại ở đó, doanh nghiệp gánh lỗ hơn 455 triệu đồng vào cuối 2019.

Có nhiều nét tương đồng với các doanh nghiệp nêu trên, Công ty Cổ phần Nhiên liệu Phúc Lâm (Phúc Lâm) do nghi can Trần Huy Lập (SN 1960) làm tổng giám đốc cũng có bức tranh tài chính rất ảm đạm những năm qua.

Theo tìm hiểu, Phúc Lâm là doanh nghiệp có vai vế trên thị trường bán lẻ xăng dầu phía nam, với 11 cửa hàng bán lẻ và hàng chục đại lý trên địa bàn.

Ngày 26/5/2020, Phúc Lâm nhận quyết định trở thành Thương nhân Xuất Nhập Khẩu Xăng Dầu - Đầu mối xăng dầu từ Bộ Công Thương.

Không chỉ vậy, Phúc Lâm còn đang có kế hoạch mở rộng thị phần ra các tỉnh phía bắc với trọng tâm là dự án tổng kho xăng dầu Phúc Lâm Petro Hà Tĩnh.

Theo đó, hồi tháng 8/2020, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh đã ký văn bản chấp thuận về mặt chủ trương cho Phúc Lâm được khảo sát, nghiên cứu, lập hồ sơ đề xuất đầu tư dự án tổng kho xăng dầu tại Phúc Lâm Petro Hà Tĩnh tại khu kinh tế Vũng Áng, thuộc thị xã Kỳ Anh.

Để thực hiện dự án, Phúc Lâm làm việc với Công ty Cổ phần Xăng dầu Dầu khí Vũng Áng để thống nhất phương án thoả thuận dùng chung cảng xăng, dầu hiện có. Dự án xây dựng kho xăng dầu này được chia làm 3 giai đoạn, sức chứa dự kiến khoảng 60.000 m3.

Trở lại với tình hình kinh doanh của Phúc Lâm năm qua, dù cho doanh số liên tục tăng trưởng bằng lần, bồi đắp thêm cả trăm tỷ đồng mỗi năm thì lời lãi của Phúc Lâm không vì đó mà nảy nở.

Năm 2016 và 2017, Phúc Lâm ghi nhận doanh số tăng gấp đôi từ 588 tỷ đồng lên 1.028 tỷ đồng (công ty mẹ), song "càng làm càng lỗ" khi số lỗ tăng từ 31,5 triệu đồng lên 495 triệu đồng.

Tình trạng này đến năm kế tiếp mới được cải thiện, tuy doanh số gần như không dịch chuyển với 1.042 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận lúc này đã đảo chiều dương gần 100 triệu đồng. Đến cuối 2019, với doanh thu neo ở mức 2.259 tỷ đồng, Phúc Lâm có lãi 1,6 tỷ đồng, tương ứng với biên lợi nhuận 0,07%.

Được thành lập từ cuối 2013, trải qua 6 năm bôn ba thương trường, Phúc Lâm vẫn chưa tích lũy được một khoản lãi nào đáng kể. Nợ phải trả của doanh nghiệp vượt hơn 255,5 tỷ đồng, gấp tới 5 lần vốn chủ sở hữu, cho thấy mức độ sử dụng đòn bẩy tài chính rất lớn.

Cũng tại thời điểm cuối 2019, ngoài Trần Huy Lập sở hữu 50% vốn, cổ đông của Phúc Lâm còn có Trần Văn Hưng (30% vốn), Nguyễn Thị Minh Hà (5% vốn) và Trần Đình Lan (15% vốn).

Tin mới lên