Tiêu điểm

Đường lưỡi bò cài cắm trong nhiều sản phẩm: Các lãnh đạo Chính phủ giải trình như thế nào?

(VNF) – Thời gian gần đây, các sự vụ có liên quan đến đường lưỡi bò phi pháp liên tục được phát hiện khiến dư luận bức xúc. Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ hôm nay (5/11) các lãnh đạo Chính phủ đã có những giải trình với công luận.

Đường lưỡi bò cài cắm trong nhiều sản phẩm: Các lãnh đạo Chính phủ giải trình như thế nào?

Giáo trình của Đại học Kinh doanh và Công nghệ có đường lưỡi bò phi pháp

Đường lưỡi bò “lọt lưới” kiểm duyệt phim, Bộ Văn hóa, thể thao & du lịch nói gì?

Một trong những sự vụ gây xôn xao gần đây là bộ phim hoạt hình "Everest - Người tuyết bé nhỏ" có cài cắm hình ảnh đường lưỡi bò được chiếu rộng rãi tại các rạp của CGV.

Sự việc được phát hiện vào hôm 13/10 và nhanh chóng trở thành tâm điểm chỉ trích của dư luận xã hội.

Trả lời báo giới về sự việc này, bà Trịnh Thị Thủy, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch, cho biết Bộ đã xử lý các tổ chức, cá nhân để xảy ra sai sót này, trong đó có xử lý Hội đồng thẩm định phim và trách nhiệm của cá nhân đứng đầu (cho thôi chức Quyền Cục trưởng Cục Điện ảnh đối với bà Nguyễn Thị Thu Hà – PV).

Bà Thủy cho hay lãnh đạo Bộ đã quán triệt cán bộ trong ngành văn hóa, thể thao và du lịch phải tăng cường tinh thần cảnh giác, tinh thần trách nhiệm trong việc thực thi nhiệm vụ.

Bên cạnh đó, Bộ cũng kiện toàn lại toàn bộ Hội đồng duyệt phim quốc gia. Tới đây, ngoài việc thành lập Hội đồng theo quy định hiện hành, Bộ cũng xác định đối với những trường hợp cụ thể có thể phải mời thêm chuyên gia ở các lĩnh vực cùng phối hợp và hỗ trợ cũng như tham vấn cho Hội đồng.

Ngoài ra, Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch cũng đề nghị doanh nghiệp liên quan đến việc nhập khẩu các sản phẩm văn hoá nói chung, điện ảnh nói riêng, phải nâng cao tinh thần trách nhiệm, không thể phó thác trách nhiệm cho các cơ quan thẩm định.

“Như vậy, sẽ có nhiều cơ quan cùng phối hợp, rà soát nội dung, hy vọng tới đây những sự việc đáng tiếc như bộ phim hoạt hình ‘Everest - Người tuyết bé nhỏ’ sẽ được chấn chỉnh”, bà Thủy nói.

Đường lưỡi bò xuất hiện trong giáo trình đại học: Trách nhiệm thuộc về nhà trường

Sự việc thứ hai gây bức xúc trong dư luận là giáo trình của trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ có in tấm bản đồ chứa đường lưỡi bò.

Nói tại phiên họp báo Chính phủ hôm nay về việc này, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ đã dẫn Điều 36 Luật Giáo dục đại học: “Hiệu trưởng cơ sở giáo dục đại học tổ chức biên soạn hoặc lựa chọn, duyệt giáo trình giáo dục đại học để sử dụng làm tài liệu giảng dạy, học tập trong cơ sở giáo dục đại học trên cơ sở thẩm định của Hội đồng thẩm định giáo trình do Hiệu trưởng cơ sở giáo dục đại học thành lập”.

Ông Độ cũng cho hay Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành Thông tư về việc biên soạn, sử dụng giáo trình, trong đó có ghi rõ: Hội đồng thẩm định giáo trình lựa chọn giáo trình để đưa lên hiệu trưởng trường xem xét, quyết định.

“Do đó, trách nhiệm của việc này đầu tiên thuộc về Hội đồng thẩm định giáo trình và hiệu trưởng trường đại học”, ông Độ nói.

Ông Độ cho biết hiện nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã yêu cầu Đại học Kinh doanh và Công nghệ dừng ngay việc sử dụng giáo trình này;

Đồng thời yêu cầu trường thực hiện thẩm định lại toàn bộ giáo trình đang lưu hành; tiến hành xem xét kiểm điểm và kỷ luật các cá nhân liên quan đúng theo quy định.

Xe ô tô Volkswagen có đường lưỡi bò: Sự việc có tính chất nghiêm trọng

Trả lời báo giới về vụ xe ô tô Volkswagen có đường lưỡi bò, Thứ trưởng Bộ Công Thương, ông Cao Quốc Hưng, nhấn mạnh: “Đây là sự việc mang tính chất nghiêm trọng, vi phạm các quy định về pháp luật hiện hành”.

Theo ông Hưng, ngay khi phát hiện ra sự việc, Bộ Công Thương đã tổ chức làm việc với công ty thương mại nhập khẩu nhãn hiệu ô tô trên và yêu cầu giải trình rõ sự việc.

Bộ Công Thương cũng đã có văn bản yêu cầu công ty thông báo công khai và triển khai thu hồi toàn bộ ô tô mà công ty đã nhập khẩu để kiểm tra, khắc phục vi phạm.

“Công ty cũng phải đảm bảo khắc phục vi phạm đối với toàn bộ xe công ty nhập khẩu trước ngày 30/11/2019. Nếu đến ngày này mà công ty chưa khắc phục xong thì Bộ Công Thương sẽ dừng hiệu lực giấy phép kinh doanh nhập khẩu ô tô đã cấp cho công ty”, ông Hưng nói.

Ông Hưng cũng cho biết Bộ Công Thương đã yêu cầu công ty hàng tuần, phải báo cáo về Bộ Công Thương tình hình khắc phục vi phạm cho đến khi khắc phục xong. Ngoài ra, công ty cũng phải yêu cầu các nhà sản xuất ô tô nước ngoài có văn bản cam kết không gắn, không cài đặt hoặc gửi kèm theo ô tô bất kỳ thiết bị, tài liệu, hình ảnh nào vi phạm pháp luật Việt Nam.

Không chỉ dừng lại ở một doanh nghiệp, Bộ Công Thương cũng đã yêu cầu các doanh nghiệp nhập khẩu ô tô phải rà soát tình hình nhập khẩu ô tô và việc gắn thiết bị định vị có sử dụng phần mềm trên ô tô, có báo cáo về Bộ trước ngày 15/11/2019.

“Các doanh nghiệp nhập khẩu ô tô này sẽ phải yêu cầu các nhà sản xuất ô tô nước ngoài có văn bản cam kết không gắn, không cài đặt, sử dụng các thiết bị, tài liệu, hình ảnh vi phạm pháp luật thể hiện chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia của Việt Nam.

“Khi tiến hành nhập khẩu, doanh nghiệp phải kiểm tra chặt chẽ toàn bộ các xe ô tô trước khi nhập khẩu vào lãnh thổ Việt Nam, đảm bảo không gắn và sử dụng bất kỳ thiết bị nào có hình ảnh vi phạm pháp luật”, ông Hưng thông tin.

Để ngăn chặn các hành vi tương tự xảy ra trong tương lai, ông Hưng cho biết Bộ Công Thương cũng đã có văn bản đề nghị Bộ Tài chính, Bộ Giao thông vận tải tăng cường phối hợp trong công tác quản lý ô tô nhập khẩu.

Cụ thể, Bộ Công Thương đề nghị Bộ Tài chính chỉ đạo Tổng cục Hải quan kiểm tra chặt chẽ các thiết bị định vị, bản đồ, phần mềm, tài liệu hướng dẫn của các ô tô nhập khẩu, đặc biệt là ô tô nhập khẩu từ Trung Quốc;

Đề nghị Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo Cục Đăng kiểm đưa việc kiểm tra nội dung thiết bị định vị, bản đồ, phần mềm, tài liệu hướng dẫn vào quy trình kiểm tra đối với tất cả các ô tô trước khi đưa ra thị trường.

“Đối với một số hàng hóa khác mà chúng ta phát hiện có mang hình ảnh đường lưỡi bò, chúng tôi đã làm việc với các doanh nghiệp liên quan. Trước hết là đề nghị dừng và tiến hành thu hồi tất cả mặt hàng đó lại. Thứ hai là tiến hành kiểm tra kiểm soát lại nội dung, xác định mức độ vi phạm và sau đó tiến hành xử lý hành chính và xử lý các vấn đề liên quan. Ngoài ra tùy theo mức độ vi phạm sẽ chuyển cho các cơ quan có thẩm quyền để xử lý theo thẩm quyền”, Thứ trưởng Bộ Công Thương nói.

Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nêu trách nhiệm của các Bộ trong việc để lọt đường lưỡi bò

Theo Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, việc một số sản phẩm, ấn phẩm, phim ảnh, ô tô, phần mềm, sách giáo khoa… có hình ảnh đường lưỡi bò là việc ta “phải suy nghĩ”.

Ông Dũng thẳng thắng: “Thẩm định phim ảnh để đưa ra công chúng là trách nhiệm của Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch. Nếu thẩm định không đúng, để xảy ra sơ suất đưa ra công chúng những hình ảnh như vậy thì trách nhiệm là Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch”.

Còn với vụ ô tô Volkswagen có đường lưỡi bò, ông Dũng cho rằng “trước hết, các doanh nghiệp nhập khẩu ô tô phải chịu trách nhiệm trước pháp luật”.

Riêng với vụ đường lưỡi bò trong giáo trình của Đại học Kinh doanh và Công nghệ, ông Dũng cho rằng “Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng có trách nhiệm khi kiểm duyệt giáo trình”.

“Chúng ta phải khuyến cáo người dân khi dùng sản phẩm nước ngoài vì không thể để xảy ra việc phát tán những sản phẩm có ‘đường lưỡi bò’ tràn lan trên lãnh thổ Việt Nam. Chúng ta phải cảnh giác cao độ.

“Chúng tôi đã báo cáo Thủ tướng để có giải pháp ứng phó kịp thời với những vấn đề này”, ông Dũng nói.

Tin mới lên